Pre-funding: Đâu đâu cũng nghe, nhưng nhiều người chưa chắc biết
Pre-funding là thuật ngữ giới chứng khoán thường xuyên nhắc đến gần đây. Vậy Pre-funding là gì? Tại sao nó là một trong những nút thắt lớn nhất trong việc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể nâng hạng?
Pre-funding là gì?
Pre-funding còn gọi là “ký quỹ trước giao dịch”, có thể hiểu đơn giản là quy định yêu cầu nhà đầu tư phải chuẩn bị sẵn tiền hoặc tài sản chứng khoán đủ giá trị giao dịch trong tài khoản trước khi đặt lệnh mua hay bán trên thị trường.
Ở Việt Nam, quy định pre-funding áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) theo Thông tư 120 của Bộ Tài chính. Cụ thể, NĐTNN muốn tham gia giao dịch trên TTCK Việt Nam phải ký quỹ đủ 100% giá trị của giao dịch. Điều này nhằm đảm bảo tính an toàn và minh bạch của thị trường, tránh tình trạng giao dịch không thể hoàn tất do thiếu vốn hoặc chứng khoán.
Có thể nói, pre-funding là phương pháp quản lý rủi ro hiệu quả trong việc đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho TTCK. Tuy nhiên, yêu cầu ký quỹ 100% lại mang đến những hạn chế lớn cho NĐTNN và có thể gây khó khăn trong việc thu hút dòng vốn quốc tế.
Tại sao có pre-funding?
Việc yêu cầu ký quỹ trước có thể hiểu là chuẩn bị trước các nguồn tài chính (funding) để đáp ứng cho một giao dịch hoặc nghĩa vụ tài chính trong tương lai. Yêu cầu này được xem là biện pháp để bảo vệ quyền lợi cho bên có quyền, tránh những rủi ro có thể xảy ra trong suốt quá trình thực hiện các giao dịch.
Xét công bằng, pre-funding có những lợi thế nhất định. Việc yêu cầu ký quỹ trước sẽ giảm thiểu rủi ro thanh toán chậm trễ - đặc biệt là khi thực hiện các giao dịch xuyên biên giới; đồng thời, tăng cường uy tín của các tổ chức tài chính và hỗ trợ tính thanh khoản.
Tuy nhiên, pre-funding cũng gây ra những hạn chế, như làm tăng thêm các chi phí tài chính, giảm tính linh hoạt của dòng tiền đầu tư và tạo ra hạn chế cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường. Đây cũng là nguyên nhân vì sao các tổ chức quốc tế là MSCI và FTSE đặt yêu cầu “nonpre-funding” là một trong các yếu tố trong tiêu chí “thanh toán - bù trừ” để xem xét nâng hạng các thị trường chứng khoán.
Cởi nút thắt pre-funding
Hiện Việt Nam còn một số tiêu chí chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nâng hạng của 2 tổ chức MSCI và FTSE Russell. Tuy nhiên, có 2 tiêu chí cơ bản nhất đó là giới hạn tỷ lệ sở hữu cho NĐTNN và vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).
Vào ngày 18/9/2024, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành thông tư số 68/2024/TT-BTC, trong đó sửa đổi và bổ sung một số điều của thông tư 120/2020/TT-BTC về vấn đề giao dịch chứng khoán. Nội dung quan trọng là cho phép nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức được đặt lệnh mua cổ phiếu mà không cần ký quỹ 100%.
Với biện pháp này, phần lớn CTCK cùng chung nhận định: thị trường sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp vào năm 2025.
Đơn cử, KBSV Research cho rằng, sớm nhất là vào kỳ đánh giá nội bộ của FTSE Russell tháng 3/2025, thị trường Việt Nam mới có thông tin được nâng hạng chính thức và thời điểm hiệu lực sẽ là 1 năm sau đó.
Chia sẻ tại một hội nghị vào tháng 10/2023, ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết, hiện thị trường cơ sở, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ Việt Nam đang thực hiện theo hình thức thanh toán bù trừ đa phương.
Việc cởi nút thắt “pre-funding” đang hướng đến hệ thống CCP (Mô hình đối tác bù trừ trung tâm), bởi khi áp dụng mô hình này sẽ bỏ được pre-funding và một số sản phẩm khác xử lý rủi ro sell out, buy in (cơ chế mua bán bắt buộc) để xử lý tình trạng thiếu hụt khi chưa có "hàng", chưa có tiền.
Vấn đề đặt ra là nếu không áp dụng CCP mà dùng mô hình thanh toán đa phương như hiện nay, thay vì ký quỹ 100% tiền trước khi đặt lệnh thì giao CTCK và ngân hàng lưu ký thay nhà đầu tư.
Theo đó, Thông tư 68 đã được ban hành để tạm thời gỡ nút thắt pre-funding.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận