Portserco còn lại gì sau khi bán tài sản và chi cổ tức khủng?
Portserco từng là cái tên gây sốt trong những tháng đầu năm 2023 khi thông báo chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên đến 350%, sau thương vụ bán tài sản thu về lượng tiền lớn. Giờ đây, CTCP Logistics Portserco (HNX: PRC) còn lại gì và đang kinh doanh ra sao?
Theo BCTC quý 4/2023 vừa được công bố, PRC ghi nhận doanh thu thuần gần 27 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Nhưng lãi gộp lại tăng mạnh 42%, đạt 2 tỷ đồng, nhờ biên lãi gộp cải thiện 2.6 điểm phần trăm lên mức 7.5%. Một điểm tích cực khác là chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 9% còn 1.8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động tài chính thiếu hiệu quả hơn, với doanh thu giảm 59% trong khi chi phí lại tăng 8%; ngoài ra, chi phí bán hàng cũng tăng 17% đã tạo thêm áp lực lên lợi nhuận.
Sau cùng, PRC lỗ ròng gần 200 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi 51 tỷ đồng. Lưu ý, lãi ròng quý 4/2022 có sự đột biến nhờ việc bán dự án kho bãi tổng hợp tại lô B1-13 khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, địa chỉ số 3 Bùi Quốc Hưng, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng vào ngày 12/10/2022. Giá chuyển nhượng dự án là 85 tỷ đồng, được bán trực tiếp, không thông qua hình thức đấu giá.
Kết thúc năm 2023, PRC mang về gần 101 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 6% so với năm trước và gần như đánh mất toàn bộ lợi nhuận khi lãi ròng chỉ khoảng 115 triệu đồng. So với kế hoạch, PRC thực hiện được 96% mục tiêu doanh thu (105 tỷ đồng) và 33% kế hoạch lợi nhuận (350 triệu đồng).
Kết quả kinh doanh quý 4 và lũy kế năm 2023 của PRC
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Kết quả kinh doanh của PRC giai đoạn 2018-2023
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của PRC giảm mạnh 46% so với đầu năm, chỉ còn gần 57 tỷ đồng, chủ yếu do phần lớn trong 40 tỷ đồng tương đương tiền đã được sử dụng để chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Đồng thời, khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ở phía bên kia bảng cân đối kế toán cũng giảm mạnh 84%, từ gần 51 tỷ đồng còn hơn 8 tỷ đồng.
Trước đó, PRC đã chốt chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt cho cổ đông trong tháng 4/2023, với tỷ lệ thực hiện đến 350% (1 cp được nhận 35,000 đồng), tương đương giá trị cần chi khoảng 42 tỷ đồng. Đây cũng là mức chi cổ tức kỷ lục từ trước đến nay của PRC. Những năm trước đó, mức cổ tức cao nhất doanh nghiệp này từng trả cũng chỉ 20%.
Hiện tại, một số khoản mục chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản của PRC là phải thu ngắn hạn khoảng 21 tỷ đồng (chiếm 37%), tài sản dở dang dài hạn khoảng 12 tỷ đồng (chiếm 20%). Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả hơn 15 tỷ đồng (chiếm 27%), trong đó vay ngắn hạn hơn 8 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, động lực từ sự kiện chia cổ tức khủng từng giúp giá cổ phiếu PRC tăng mạnh trong giai đoạn tháng 2-3/2023. Trong tháng 1/2024, cổ phiếu bắt đầu giao dịch sôi động trở lại sau khoảng thời gian dài trầm lắng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận