Phương Tây: Ukraine tổn thất quân nặng nề, Nga đủ lực duy trì xung đột lâu dài
Phương Tây ước tính quân đội Ukraine đã mất tới 100.000 binh sĩ trong cuộc xung đột quân sự với Nga. Họ cũng thừa nhận Nga có nguồn lực khổng lồ để duy trì xung đột trong khi Ukraine thì không.
Quân đội Ukraine hứng chịu thương vong nặng nề
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã viết rằng Ukraine đã mất 100.000 quân nhân trong cuộc đối đầu quân sự với Nga từ tháng 2/2022. Tuyên bố gây sốc này của bà Leyen sau đó đã được rút lại. Tuy nhiên con số do lãnh đạo EC đưa ra phù hợp với các bình luận của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley. Trong một phát biểu tại một hội nghị ở New York (Mỹ), tướng Milley tuyên bố phía Nga có hơn 100.000 lính tử trận hoặc bị thương trong xung đột Ukraine năm 2022 và con số thương vong bên phía quân đội Ukraine cũng tương tự.
Trong khi đó, Cố vấn Tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak, hôm 1/12 nói với một đài truyền hình Ukraine rằng quân đội nước này đã tổn thất khoảng 10.000-13.000 lính trong xung đột quân sự từ tháng 2/2022 đến nay.
Ông Podolyak nói với kênh Kanal 24: “Chúng tôi có các con số chính thức từ Bộ Tổng tham mưu, từ Bộ tư lệnh tối cao. Theo đó, có khoảng 10.000 đến 13.000 binh sĩ tử trận”.
Ukraine tổn thất cả nhân lực lẫn vật lực
Ngoài quân nhân, Ukraine cũng bị tổn thất nặng về cơ sở hạ tầng sau hàng loạt các cuộc không kích của Nga (bằng tên lửa, máy bay, và UAV). Trong khi đó, hàng triệu người dân Ukraine đã di tản khỏi đất nước, làm cho Ukraine càng thiếu thốn nhân lực cần thiết cho xung đột vũ trang. Giới chuyên gia đánh giá, ngay trong tình huống chiến sự chấm dứt hoàn toàn vào ngày mai, Ukraine vẫn gặp khó khăn lớn trong việc khôi phục.
Quân số lục quân Ukraine hiện nay là 198.000 người. Với tỷ lệ thương vong cao như đã nêu ở trên, Tổng thống Ukraine Zelensky có thể đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự nếu ông quyết định tiếp tục kéo dài xung đột quân sự với Nga lâu hơn nữa.
Nga sở hữu nguồn lực lớn hơn
Về phần mình, Nga gặp ít khó khăn hơn về nhân lực. Nước Nga đông dân hơn. Nga lại vừa tăng được quân thông qua hoạt động động viên một phần lực lượng dự bị. Nga cũng tiến hành gọi nhập ngũ đối với các cư dân ở các vùng Ukraine mà Nga vừa giành được quyền kiểm soát.
Bên cạnh đó, đội quân hợp đồng do hãng quân sự tư nhân Wagner cung cấp cho Nga đã mở rộng đáng kể, tăng từ 8.000 vào tháng 4/2022 lên đến gần 40.000 vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2022. Các chiến binh làm việc cho Wagner được tuyển từ rất nhiều nguồn.
Ukraine ước tính thương vong của tập đoàn Wagner là từ 800-1.000.
Gần đây Nga tập trung vào phá hủy cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine và chốt chỉ huy của Ukraine. Nga cũng nhắm vào các vũ khí giá trị cao của Ukraine, đặc biệt là các hệ thống pháo phản lực chính xác cao như HIMARS, các đơn vị phòng không và lực lượng pháo binh Ukraine.
Có dấu hiệu thương vong của Ukraine trên chiến trường chủ yếu là do trọng pháo Nga gây ra với sự hướng dẫn tọa độ từ các UAV Nga, phần lớn là biến thể của Orlan-10.
Nga cũng đạt được nhiều tiến bộ trên chiến trường nhờ cải tiến hệ thống kiểm soát và chỉ huy. Nga đã rút khỏi thành phố Kherson để bảo tồn sinh lực và tổ chức lại tuyến phòng thủ tốt hơn.
Phương Tây bắt đầu mệt mỏi khi cố viện trợ cho Ukraine
Thương vong cao của Ukraine dựa trên ước tính của cả châu Âu lẫn Mỹ là một dấu hiệu cho thấy cuộc đối đầu của Washington với Moscow thông qua Kiev đang gặp vấn đề. Tổng thống Mỹ Biden có lẽ sẽ buộc phải thay đổi định hướng để tránh một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia có thể chấm dứt sớm nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Châu Âu đã nói rõ rằng nguồn lực của họ đã giảm xuống mức nghiêm trọng và việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine có thể sẽ bất khả thi. Mỹ cũng rơi vào trạng thái cạn kiệt tương tự, đặc biệt là đối với các hệ thống công nghệ cao như HIMARS, các vũ khí chống tăng như Javelin và các hệ thống tên lửa phòng không vác vai như Stinger.
Bên cạnh đó, Mỹ còn thiếu các loại đạn thông thường, bao gồm đạn pháo 155mm.
Tất cả tình trạng thiếu thốn trên thậm chí tạo ra mối đe dọa đối với an ninh quân sự của Mỹ. Có thể sẽ đến lúc Quốc hội Mỹ đặt câu hỏi vì sao chính quyền ông Biden lại mạo hiểm cả an ninh của nước Mỹ để giúp đỡ Ukraine.
Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, Tổng thống Ukraine Zelensky có thể không đủ sức duy trì hoặc bổ sung kho vũ khí cũng như số binh sĩ đã bị mất trong giao tranh.
Sự xuống cấp của hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine có thể thúc đẩy làn sóng di tản khỏi Ukraine để tìm nơi tránh trú ấm áp hơn. Sự khốc liệt của chiến sự cũng có thể thúc đẩy một bộ phận giới trẻ Ukraine chạy ra nước ngoài để trốn quân dịch.
Tất nhiên Nga cũng gặp một số khó khăn trong công tác tuyển quân và huấn luyện binh sĩ cũng như thay thế số vũ khí đã hao mòn hoặc bị đối phương phá hủy. Tuy nhiên, Nga vẫn còn các kho dự trữ lớn vũ khí từ thời Liên Xô và nay đang có nguồn bổ sung mới khá phong phú.
Đã vậy, trái với nhận định của phương Tây, chưa có phong trào phản chiến đáng kể nào bên trong nước Nga đủ sức gây xáo trộn hệ thống chính trị tại đây. Dự báo, Nga sẽ tiếp tục tham chiến xuyên mùa đông và có thể lâu hơn nữa./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận