Phương Tây ngày càng phụ thuộc vào nhiên liệu châu Á
Cuộc chiến tại Ukraine đang củng cố vai trò của châu Á và Trung Đông trong việc cung cấp xăng và dầu diesel cho toàn cầu.
Khi Mỹ và châu Âu tìm cách giảm sử dụng các sản phẩm từ dầu của Nga, họ lại đối mặt với nguồn cung thiếu hụt trong nước. Việc này mở ra cơ hội cho các nhà máy lọc dầu lớn ở những nơi như Trung Quốc hay Kuwait.
"Khi quay lưng với dầu Nga, châu Âu và Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào dầu từ Trung Đông và châu Á", Eugene Lindell - Giám đốc phụ trách các sản phẩm từ dầu tại hãng tư vấn FGE - nhận định.
Việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine càng đẩy nhanh việc này. Đặc biệt sau khi các nước phương Tây mạnh tay giảm công suất lọc dầu vài năm gần đây, còn châu Á lại mở rộng hoạt động này.
FGE cho biết trong 3 năm qua, các nước phương Tây (bao gồm Mỹ và châu Âu) đã giảm ròng công suất lọc dầu tới 2,4 triệu thùng một ngày. Trong khi đó, châu Á và Trung Đông lại tăng 2,5 triệu thùng.
Khoảng cách này được dự báo còn tăng. Rystad Energy cho rằng công suất lọc khoảng 8 triệu thùng dầu một ngày sẽ được bổ sung trong 3 năm tới. Dẫn đầu mức tăng là châu Á.
"Châu Á và Trung Đông đang ngày càng trở thành nhà cung cấp nhiên liệu của thế giới", Mukesh Sahdev - Giám đốc phụ trách lọc dầu tại Rystad nhận định. Dòng chảy dầu từ phương Đông sang phương Tây "sẽ ngày càng có cấu trúc hơn".
Sự chuyển dịch trong ngành lọc dầu toàn cầu đã được đẩy nhanh trong đại dịch. Khi đó, các nhà máy cũ bị đóng cửa do chính sách phong tỏa trên toàn cầu ghìm nhu cầu dầu. Tuy nhiên, cùng lúc đó, Trung Quốc lại đưa vào hoạt động các nhà máy lớn và phức tạp hơn để đáp ứng nhu cầu dầu trong nước tăng. Mỹ và châu Âu thì gần đây tập trung rời bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Victor Shum - Phó giám đốc tư vấn năng lượng tại S&P Global Commodity Insights cho biết việc tiêu thụ nhiên liệu như xăng và dầu diesel tại Mỹ, châu Âu sẽ bão hòa trước châu Á. Nhiều dự án lọc dầu mới tại châu Á cũng được thiết kế để đáp ứng nhu cầu hóa dầu được dự báo tăng tại đây.
Việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine và các nước phương Tây tung đòn trừng phạt sau đó đã khiến thị trường năng lượng toàn cầu ngạc nhiên. Vấn đề an ninh năng lượng giờ trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nước không có đủ năng lực lọc dầu.
"Các chính phủ châu Âu và người dân đang bị bủa vây bởi lạm phát cao và giá điện tăng vọt. Nên giờ họ ưu tiên vài năm tới hơn là năm 2040 - 2050", Lindell nói.
Phương Tây đang cảm nhận được sức ép từ việc giảm nhà máy lọc dầu. Dự trữ dầu diesel tại tây bắc Âu đang giảm và sẽ xuống mức thấp nhất năm nay, theo dự báo của Wood Mackenzie, khi EU giảm nhập nhiên liệu Nga bằng đường biển.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc buộc các hãng dầu dự trữ nhiều nhiên liệu hơn trong nước. Tình trạng thiếu xăng dầu có thể còn tồi tệ hơn khi bước vào mùa cao điểm lái xe hè năm sau, Sahdev cho biết.
Tại Mỹ Latin, các nước cũng ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu khi các nhà máy tại Caribbean đóng cửa. Mexico hiện tích cực gom xăng từ Trung Quốc.
Mỹ vẫn đang là nước xuất khẩu dầu diesel lớn trên thế giới. Các nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng có thể giúp giảm tình trạng thiếu hụt. Tuy nhiên, giới phân tích không nhận thấy khả năng khoảng cách được thu hẹp sớm.
"Chúng ta nên có chính sách năng lượng thực tế hơn. Kế hoạch thoát nhiên liệu hóa thạch vẫn còn đó. Nhưng ưu tiên hiện tại là trong ngắn đến trung hạn, thay vì dài hạn", Lindell kết luận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận