Phục hồi kinh tế hậu Covid-19: Những nguy cơ cần được lường trước
Bên cạnh việc phòng chống sự lây lan của đại dịch cũng như phục hồi nền kinh tế - xã hội bị thiệt hại nặng nề, các quốc gia cũng cần phải chú ý tới những nguy cơ liên quan, có thể gây tác động tiêu cực tới tiến trình phát triển.
Cuộc khủng hoảng toàn diện do đại dịch Covid-19 gây ra đã phơi bày ra nhiều mặt hạn chế trong nền kinh tế và xã hội hiện nay một cách trung thực nhất, điển hình là sự bất bình đẳng trong tiếp cận với các dịch vụ y tế, phương tiện kỹ thuật số, hay bất cập về các biện pháp bảo vệ cộng đồng khỏi tác động tiêu cực của đại dịch.
Vừa qua, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã hợp tác với 350 chuyên gia đánh giá rủi ro hàng đầu thế giới dựa trên các cuộc khảo sát, nhằm dự đoán và phân tích những rủi ro có thể xảy ra liên quan tới khủng hoảng Covid-19 trong 18 tháng tiếp theo trên quy mô ảnh hưởng từ doanh nghiệp tới toàn cầu. Kết quả của công tác kể trên được công bố mới đây tại báo cáo Đánh giá chung về rủi ro của đại dịch Covid-19 do WEF ban hành.
Theo kết quả làm việc của các chuyên gia, mối quan tâm được đặt lên hàng đầu cho những tác động về kinh tế. Cụ thể, có tới 2/3 số chuyên gia cùng nhất trí xác định rằng suy thoái kinh tế là rủi ro đáng lo ngại nhất, bao gồm những tác động tiêu cực đã, đang và sẽ tiếp tục xảy đến như sự phá sản của doanh nghiệp, cũng như việc gián đoạn, thậm chí là sụp đổ của chuỗi cung ứng trên quy mô toàn cầu.
Bên cạnh đó, những yếu tố phi kinh tế cũng được các chuyên gia bày tỏ quan ngại. Theo kết quả phân tích, có tới 50% người tham gia khảo sát tỏ ra lo lắng về số lượng những cuộc tấn công mạng đang gia tăng, đồng thời hy vọng rằng những biện pháp giãn cách và phong tỏa sẽ kết thúc, muộn nhất là vào năm 2021. Khoảng 40% người tham gia khảo sát lại tin vào một nguy cơ về bệnh dịch mới có thể bùng phát trên toàn cầu.
Đánh giá những ý kiến này, các chuyên gia nhận xét rằng, tác động kinh tế thực sự là rất quan trọng, nhưng không thể xem thường những nguy cơ khác có thể xảy đến, vốn dĩ còn phức tạp hơn nhiều.
Về mặt môi trường, ngay cả khi sự đình trệ trong sản xuất kinh doanh dẫn đến giảm thiểu 8% lượng khí thải toàn cầu, loài người vẫn có thể sẽ không thực hiện được mục tiêu giữ cho nền nhiệt tăng không quá 1,5 độ C để tránh những thảm họa khủng khiếp cho toàn bộ hành tinh.
Những kịch bản đen tối hơn thậm chí hoàn toàn có thể xảy ra nếu các nước không đặt phát triển bền vững vào trọng tâm của kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, nhất là trong tình trạng diễn biến của Covid-19 đang khiến nhiều tổ chức, quốc gia vì quá tập trung vào các biện pháp cho lĩnh vực sức khỏe, y tế và kinh tế mà trở nên lơ là với vấn đề về khí hậu.
Tình trạng tiêu cực trong tâm lý xã hội cũng là một vấn đề khó tháo gỡ. Lo lắng lan rộng, đặc biệt ở những nơi mà bệnh dịch diễn biến phức tạp, nay càng trở nên trầm trọng hơn do tình trạng thất nghiệp kéo dài, bất hòa giữa người thân trong trạng thái cách ly xã hội và nỗi sợ hãi về tương lai. Tất cả những yếu tố kể trên đang đè nặng lên tâm lý của nhiều người.
Một nghiên cứu gần đây tại Mỹ đã chỉ ra rằng, các lệnh giãn cách xã hội làm tăng nguy cơ tự tử. Bên cạnh đó, 70% người Mỹ trưởng thành cảm thấy đây là thời kỳ khó khăn và căng thẳng nhất trong quãng đường sự nghiệp của mình. Nỗi lo sẽ “được kế thừa” sang các thế hệ trẻ, khi các chuyên gia cho rằng triển vọng của nền kinh tế trong tương lai sẽ còn ảm đạm hơn những gì đã xảy ra vào khủng hoảng tài chính 2008.
Trong hoàn cảnh các lệnh cách ly, phong tỏa được thực hiện, công nghệ đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì sự kết nối giữa cộng đồng. Tuy nhiên, sự gia tăng nhu cầu sử dụng công nghệ thông tin cũng vô tình khiến nguy cơ về tội phạm mạng, các vấn đề tự do dân sự hay bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hạn chế, đại dịch Covid-19 cũng cho thế giới thấy nhiều tác động tích cực. Đầu tiên phải kể đến là sự thay đổi thái độ của mọi người về các dịch vụ cộng đồng trên nền tảng trực tuyến, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe.
Thói quen tiêu dùng và di chuyển cũng có nhiều chuyển biến đáng kể, như là dấu hiệu cho thấy tính khả quan của các mô hình phát biển theo hướng bền vững hơn, với những cuộc cách mạng về công nghệ trong việc làm, giáo dục, sản xuất và chăm sóc sức khỏe.
Tận dụng những mặt tích cực này, cùng với việc lường trước và lên kế hoạch ứng phó trước các nguy cơ là cách để chúng ta tái thiết lại một thế giới ngày càng tươi đẹp sau khi dịch bệnh qua đi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận