Phong thủy, Tử vi và Chứng khoán - “Xóa mù” cho người mới
Trong những ngày Tết Nguyên Đán, phong thủy và tử vi là những đề tài hấp dẫn được dân tình bàn luận nhiều. Việc hiểu đúng và áp dụng hợp lý về các khái niệm này sẽ giúp ích rất nhiều cho nhà đầu tư.
Nhiều người vẫn có định kiến cho rằng phong thủy và tử vi là việc mê tín, dị đoan. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn có nền tảng khoa học của nó chứ không hoàn toàn là trò lường gạt như dân tình vẫn nghĩ.
Ở Trung Quốc, những thành công hay thất bại trong cuộc sống thường được gắn kết với tử vi và phong thủy. Cho dù bạn đang đầu tư tài chính, kinh doanh bất động sản, thành lập doanh nghiệp hay chọn vợ chọn chồng thì việc tham khảo các khuyến nghị của tử vi, phong thủy đều rất quan trọng để đạt được sự thịnh vượng, sức khỏe và hạnh phúc.
Theo kết quả test của người viết trong những năm gần đây thì các dự đoán về thị trường tài chính dựa trên phong thủy của CLSA (Credit Lyonnais Securities Asia), Master Paul Ng, Master Mak Ling Ling… là khá chính xác. Ngay cả khi kết quả dự báo cuối cùng không quá ấn tượng thì việc “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vào đầu năm cũng là điều nên làm.
Cội nguồn xa xưa
Trong hơn 5,000 năm lịch sử của Trung Quốc, nhiều tác phẩm trứ danh như Lục Thao Thái Công Binh Pháp của Khương Tử Nha, Luận Ngữ của Khổng Tử, Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Trung Dung của Tử Tư… đã xuất hiện. Tuy nhiên, nếu nói về đệ nhất thì nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng đó là Kinh Dịch.
Kinh Dịch là “thiên cổ kỳ thư”, đứng đầu trong các tác phẩm kinh điển. Nó cũng là khởi nguồn và nền tảng của rất nhiều cuốn sách nổi tiếng khác. Kinh Dịch bắt đầu được hình thành ý tưởng từ thời vua Phục Hy. Tuy nhiên, phải đến thời nhà Chu với sự đóng góp rất lớn của Chu Văn Vương, Chu Công (con trai thứ của Chu Văn Vương) và Khổng Tử mới hoàn thiện như ngày nay.
Lưỡng Nghi là khởi nguồn của Kinh Dịch, đó là Âm ký hiệu là vạch đứt (- -) và Dương ký hiệu là vạch liền (–). Âm tự nó không phải luôn luôn xấu và Dương tự nó không phải luôn luôn tốt. Tốt hay xấu đều do hai chữ Thời và Vị mà ra. Tuỳ thời mà biến, tuỳ Vị mà chuyển. Các sự vật, hiện tượng trên đời nếu đạt được cân bằng âm dương thì sẽ phát triển bền vững, hài hòa.
Cấu tạo của quẻ Kinh Dịch cũng từ những hào Âm và hào Dương kết hợp mà ra. Vô cực sinh thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái biến vô cùng.
Ngũ hành tương sinh tương khắc
Theo triết học cổ đại Trung Quốc, vạn vật trên trái đất đều được hình thành từ 5 yếu tố cơ bản Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong môi trường tự nhiên được gọi là ngũ hành.
Ngũ hành gồm 5 hành: Kim (Metal), Mộc (Wood), Thủy (Water), Hỏa (Fire) và Thổ (Earth) thể hiện các quan hệ tương sinh (generate) và tương khắc (control) vô cùng hài hòa, khăng khít với nhau của vạn vật trong vũ trụ.
Mệnh lý học và vị lý học của phong thủy đều từ đây mà sinh ra. Chính vì vậy, các báo cáo về phong thủy nói chung và phong thủy chứng khoán nói riêng trên thế giới luôn xuất hiện các yếu tố này. Biểu tượng của Ngũ Hành hiện hữu ở hầu hết các công trình nghệ thuật và kiến trúc của người Trung hoa cổ.
Trong Ngũ hành, hành Thổ vẫn là quan trọng nhất. Đó chính là lý do tại sao các hoàng đế Trung Hoa ở nhiều triều đại khác nhau luôn thích mặc màu vàng, màu tượng trưng cho hành Thổ. Nếu như trời thuộc về Ngọc Hoàng Thượng Đế thì đất chắc chắn phải thuộc về “thiên tử”. Quan niệm đó vẫn ăn sâu vào tâm trí của dân Á Đông.
Trong Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, những bức tường màu đỏ biểu tượng cho yếu tố Hỏa trong Ngũ Hành, tượng trưng cho sự phồn vinh và thịnh vượng. Mái nhà màu vàng biểu tượng cho yếu tố Thổ, được cho là trung tâm của vũ trụ. Màu vàng của đất là tượng trưng sức mạnh quyền lực của hoàng đế nên áo long bào của hoàng đế cũng có màu vàng này. Hành Hỏa cũng tương sinh với Hành Thổ vốn tượng trưng cho Hoàng Đế làm cho Hoàng Gia luôn thịnh vượng, mạnh mẽ và trường tồn.
Trong thứ bậc xã hội ngày xưa chúng ta vẫn hay nghe nói đến “sỹ, nông, công, thương”. Kẻ sỹ học hành và thi cử để làm quan lại nắm quyền lực trong tay nên đứng đầu trong xã hội phong kiến (chỉ dưới hoàng đế). Điều này thì không có gì phải bàn cãi. Nhưng những phú nông sở hữu nhiều ruộng đất lại được đặt trước “công” và “thương” cho thấy tầm quan trọng của đất đai như thế nào. Thậm chí quan điểm này còn được nâng tầm lên mức triết lý “hữu địa tắc sinh, vô địa tắc tử”.
Ngay trong xã hội hiện đại, một người có thể có rất nhiều tiền và làm chủ doanh nghiệp làm ăn phát đạt nhưng anh ta vẫn sẽ bị đánh giá thấp nếu chưa có nhà riêng. Khi sống thì phải “an cư lạc nghiệp”, khi chết thì phải “nhập thổ vi an”.
Không chỉ áp dụng trong lĩnh vực bất động sản
Thuật xem tử vi và phong thủy dựa vào Kinh Dịch để phát triển. Nó vận dụng thuyết âm dương và ngũ hành vào thực tiễn cuộc sống. Ở đây cần lưu ý một chút về cái tên phong thủy. Nó đã khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng phong thủy chỉ có thể ứng dụng trong lĩnh vực bất động sản. Bản thân người viết cũng nằm trong số này.
Theo định nghĩa đơn giản của dân gian thì tử vi và phong thủy là những phương pháp nhằm mưu cầu điều may mắn tránh né chuyện rủi ro (xu cát tị hung). Xét theo nghĩa rộng thì nó bao hàm rất nhiều thứ chứ không chỉ có mỗi việc xem nhà, xem đất hay xem tuổi như ta vẫn thường nghĩ.
Việc đeo trang sức loại gì để đem lại may mắn hay đầu tư vào ngành nào (sector) trên thị trường chứng khoán để dễ thành công cũng có thể dựa vào phong thủy để xác định.
Kết luận
Nhìn chung, các nền tảng mà tử vi, phong thủy sử dụng khá tương đồng với các lý thuyết về chu kỳ (cycle) trong phân tích tài chính. Dĩ nhiên, sẽ chẳng có ai dám đi lấy tử vi và phong thủy làm nền tảng cốt lõi cho quá trình đầu tư của mình. Nhưng nếu nghiên cứu lĩnh vực này và xem nó như một công cụ phụ trợ thì có thể giúp nhà đầu tư gia tăng tỷ suất sinh lợi và phòng tránh các rủi ro bất thường trên thị trường chứng khoán.
Trong các kỳ tới, người viết sẽ đi sâu hơn vào các vấn đề cụ thể như sử dụng trang sức để mạng lại may mắn, lựa chọn ngành, chọn cổ phiếu và dự báo xu hướng biến động thị trường chứng khoán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận