menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mạnh Tưởng

Phố Wall vén 'mây đen' tìm cơ hội ở năm mới

Tạm biệt năm đáng quên 2022, giới đầu tư Phố Wall đang mong đợi những điều tốt lành cho năm 2023, dẫu biết nỗi lo suy thoái, lạm phát và nguy cơ tăng lãi suất sẽ còn đưa đến nhiều bất định.

Chứng khoán thế giới mất 33.000 tỷ USD, doanh nghiệp niêm yết lao đao

Cả ba chỉ số gồm: Dow Jones, S&P 500, và Nasdaq Composite đều đóng cửa giảm sàn trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, đánh dấu năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008, đồng thời chấm dứt chuỗi 3 năm thắng lợi liên tiếp của chứng khoán Mỹ.

Dow Jones mất 73 điểm (tương đương 0,2%) trong phiên giao dịch 30/12 - phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022. Tính cả năm 2022, Dow Jones tuột mất khoảng 9%.

Tương tự, S&P 500 giảm 0,3% trong phiên cuối năm, góp thêm vào mất mát khoảng 20% của chỉ số này trong năm 2022. Trong khi đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite trượt 0,1%, xuống gần mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Khép lại năm 2022, Nasdaq Composite thất bại nặng nề nhất với mức giảm tới 33%.

Chứng khoán châu Âu cũng kết thúc năm 2022 với mức giảm 11,8%, biến 2022 trở thành năm tồi tệ nhất kể từ năm 2018.

Theo đài CNN, chiến sự Nga - Ukraine, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và dịch Covid-19 tiếp tục dai dẳng đã khiến thị trường chứng khoán thế giới bị đảo lộn trong năm nay.

Lạm phát gia tăng trên toàn cầu và các ngân hàng trung ương buộc phải mạnh tay tăng lãi suất lên mức kỷ lục để giữ giá cả hàng hóa dịch vụ không vượt khỏi tầm kiểm soát.

Thêm vào đó, trong năm 2022, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thực hiện phong tỏa kéo dài ở nhiều thành phố nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Nguồn cung cấp năng lượng bị cắt giảm và nỗi lo suy thoái kinh tế ngày càng lớn đã khiến nhu cầu suy giảm trong nửa cuối năm.

Một loạt những bất ổn nêu trên đã khiến nhà đầu tư chuyển trạng thái sang “phòng thủ” và tìm nơi an toàn để giữ tiền.

Không riêng cổ phiếu, nếu nói cổ phiếu đã có một năm 2022 khốn khổ, thì trái phiếu thậm chí còn có kết quả tồi tệ hơn. Lạm phát, tăng lãi suất ồ ạt và đồng đô la Mỹ “siêu mạnh” khiến trái phiếu trở nên kém hấp dẫn nhà đầu tư.

Tỷ suất sinh lợi của chỉ số S&P trái phiếu kho bạc Mỹ năm 2022 là -10,7% trong khi mức sinh lời của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm giảm xuống mức tồi tệ nhất trong thế kỷ là -35%.

Trái phiếu doanh nghiệp cũng có một năm khốn khổ khi lợi tức trên trái phiếu do các công ty thuộc rổ S&P 500 phát hành là -14,2%. Đáng chú ý, Bloomberg US Aggregate Bond Index - chỉ số thị trường trái phiếu cơ sở rộng đại diện cho các loại trái phiếu cấp độ đầu tư trung hạn được giao dịch tại Mỹ - cũng hứng chịu năm tồi tệ nhất kể từ khi ra mắt vào năm 1977, theo FactSet.

Lạm phát Mỹ đã nhanh chóng đạt mức cao nhất trong 40 năm qua - trên 9%. Điều này đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ khi sức chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm, đồng thời kéo giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo ông John Butters, nhà phân tích cấp cao của FactSet, lợi nhuận của các công ty thuộc rổ S&P 500 ước tính chỉ tăng khoảng 5,1% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình hàng năm là 8,5% mà Phố Wall đã công bố trong 10 năm qua.

Nhờ giá dầu và khí đốt bùng nổ vào đầu năm 2022, các công ty năng lượng đã gánh toàn bộ lợi nhuận của Phố Wall. Theo ông Butters, nếu không tính đến các công ty năng lượng, lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 trong năm 2022 giảm 1,8%.

Các công ty niêm yết có triển vọng lợi nhuận ở mức trung bình đến các công ty gặp khó khăn đều chứng kiến cổ phiếu liên tục giảm sâu trong năm 2022. Tổng cộng, thị trường chứng khoán toàn cầu đã tuột mất 33.000 tỷ USD so với đỉnh giá.

Điển hình, Công ty giải pháp công nghệ năng lượng Generac Holdings có mã cổ phiếu hoạt động kém nhất rổ S&P 500 trong năm 2022 khi giá trị cổ phiếu “bay hơi” tới 74%. Theo sau là Công ty phát triển ứng dụng hẹn hò Match Group với cổ phiếu lao dốc 70%. Tiếp đến là cổ phiếu Tesla của tỷ phú Elon Musk với mức giảm khoảng 70%. Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng góp mặt trong nhóm 10 mã cổ phiếu trượt giá sâu nhất với mức giảm 64% trong năm 2022.

“Bức tranh” cổ phiếu cuối năm 2022 đã có sự thay đổi chóng vánh so với đầu năm - thời điểm mà Tesla vẫn còn là công ty có giá trị lớn thứ 5 trong rổ S&P 500 và Meta đứng thứ 6. Còn hiện nay Tesla đứng thứ 11 trong rổ S&P 500 về giá trị vốn hóa và Meta tụt sâu xuống vị trí thứ 19.

Ngay cả những cổ phiếu hấp dẫn như Amazon, Apple và Microsoft cũng bị chịu trận khi nhà đầu tư điều chỉnh danh mục để thích ứng với tình hình lãi suất tăng cao.

Năm 2023, nhẫn nại đợi thời cơ

Đối với triển vọng năm 2023, Deutsche Bank dự đoán chứng khoán toàn cầu sẽ còn giảm sâu khi một đợt suy thoái sâu và kéo dài tấn công kinh tế Mỹ. Ngân hàng này cảnh báo chứng khoán Mỹ sẽ giảm mạnh đến giữa năm 2023, thay vì một vài tháng đầu năm.

Kịch bản mà Deutsche Bank đưa ra là S&P 500 có thể tăng lên 4.500 điểm trong nửa đầu năm 2023, nhưng sau đó giảm hơn 25% trong quý III do các biện pháp thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến nền kinh tế này rơi vào suy thoái hoàn toàn và khi đó S&P 500 bị kéo lùi về mức 3.375 điểm.

Ông David Folkerts-Landau, nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank, cho biết: “Chúng tôi thấy Fed và ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu - BTV) cam kết tuyệt đối đưa lạm phát trở lại mức mong muốn trong vài năm tới”. "Mặc dù cái giá để thực hiện điều đó có thể thấp hơn so với trước đây vì những lý do chúng tôi nêu trên, nhưng (họ - BTV) sẽ không thể làm như vậy nếu không xuất hiện ít nhất một cuộc suy thoái kinh tế vừa phải ở Mỹ và châu Âu và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh", ông Folkerts-Landau lý giải.

Càng về cuối năm 2023, các nhà phân tích của Deutsche Bank tỏ ra lạc quan hơn về sự phục hồi của chứng khoán Mỹ nếu suy thoái kết thúc trong một vài quý và S&P 500 sẽ bật lại mốc 4.500 vào cuối năm 2023.

Trong khi đó, Wall Street Journal dẫn lời các nhà phân tích cho rằng hiệu suất thị trường năm 2023 sẽ phụ thuộc vào đường đi của lãi suất và sức mạnh của kinh tế Mỹ. Hiện có nhiều dự báo trái nhiều về việc Mỹ có rơi vào suy thoái hay không và mức độ nghiêm trọng của suy thoái ra sao; và liệu nó có thể khiến Fed phải “quay xe” cắt giảm lãi suất.

Không quá lạc quan nhiều như Deutsche Bank, các nhà phân tích tại JPMorgan tin rằng chỉ số S&P 500 sẽ vẫn nằm trong vùng thấp nhất của năm 2022 trong nửa đầu năm 2023, đồng thời dự đoán Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách khi nền kinh tế suy yếu.

Nhưng họ kỳ vọng nửa cuối năm 2023 tình hình sẽ tốt hơn, ít nhất là đối với thị trường chứng khoán, bởi tình trạng bán tháo, kết hợp với lạm phát chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tâm lý doanh nghiệp suy giảm, có thể khiến Fed bắt đầu phát tín hiệu cắt giảm lãi suất và từ đó thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi.

Nhóm chiến lược gia của JPMorgan nhận định, S&P 500 sẽ chốt năm 2023 ở mốc 4.200, tăng khoảng 9% so với mức đóng cửa ở phiên cuối cùng của năm 2022, nhưng mốc này vẫn chưa đủ lực để lập kỷ lục chốt phiên.

Phố Wall vén 'mây đen' tìm cơ hội ở năm mới

Giá trị cổ phiếu Trung Quốc đang thấp hơn so với các thị trường mới nổi. Nguồn: Bloomberg.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc có vẻ lạc quan hơn khi đang gặp những cơn gió thuận chiều trong lộ trình đi lên. Sau tổn thất 3.900 tỷ USD của thị trường Trung Quốc đại lục và Hong Kong trong năm 2022, những người đầu cơ chứng khoán Trung Quốc giá lên đang kỳ vọng vận may sẽ đến trong năm 2023 khi Bắc Kinh đột ngột mở cửa trở lại sau các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt chống dịch Covid-19, động thái này được cho là mở đường cho sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc.

Hang Seng China Enterprises, chỉ số theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong, vừa trải qua năm thứ 3 sụt giảm liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm kỷ lục kể từ khi ra mắt vào năm 1994. Những mất mát nặng nề đi kèm với biến động bất ngờ khiến năm 2022 trở thành năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009.

Tuy nhiên, các phân tích tài chính nói với hãng tin Bloomberg rằng năm 2023 đang định hình là một năm tốt đẹp hơn khi giờ đây các nhà chức trách Trung Quốc đã đặt ưu tiên hàng đầu là phục hồi kinh tế, gia tăng nỗ lực cứu vãn ngành bất động sản đang suy thoái, cùng với nhiều hỗ trợ hơn cho doanh nghiệp tư nhân. Dẫu vậy, đó sẽ không phải là một lộ trình phục hồi suôn sẻ, trước những thách thức từ đại dịch Covid-19 cho đến căng thẳng Mỹ - Trung kéo dài và suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập.

“Thị trường cần phải kiên nhẫn”, bà Vivian Lin Thurston, Giám đốc danh mục đầu tư tại Công ty quản lý đầu tư William Blair Investment Management, khuyến cáo. Nữ chuyên gia nói thêm rằng tâm lý đối với chứng khoán Trung Quốc có thể sẽ được cải thiện hơn nữa, nhưng quá trình này có thể diễn ra từ từ và “có thể có những thất bại và biến động”.

Sự lạc quan về kinh tế Trung Quốc cùng các dự báo tích cực về cổ phiếu Trung Quốc đã khiến nhiều ngân hàng ở Phố Wall thay đổi nhận định về chứng khoán Trung Quốc năm 2023.

Đơn cử, Credit Suisse Group vừa gia nhập danh sách các công ty đưa ra dự báo tích cực về chứng khoán Trung Quốc. Đơn vị này nhấn mạnh rằng "đã đến lúc" để cổ phiếu Trung Quốc chuyển sang trạng thái tích cực và nâng triển vọng cổ phiếu Trung Quốc lên “khả quan” (outperform) từ mức “trung lập” (neutral).

Mặc dù đà phục hồi chứng khoán Trung Quốc đã giảm đôi chút vào tháng 12/2022 do lo ngại rằng tình trạng lây nhiễm Covid-19 gia tăng sẽ làm gián đoạn hoạt động kinh tế, nhưng các công ty quản lý tài sản như Amundi SA vẫn tin rằng bất kỳ đợt giảm giá nào cũng là cơ hội để mua vào.

Ông Xiadong Bao, giám đốc quản lý quỹ tại Công ty quản lý tài sản Edmond de Rothschild Asset Management, cho biết: “Đối với Covid, trọng tâm chính sách trông có vẻ cứng rắn, đó là nỗi đau ngắn hạn trong 1 đến 2 tháng nhưng lợi ích dài hạn cho tiêu dùng và hoạt động công nghiệp” trong 6 đến 9 tháng.

Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2023, trong lúc nhiều quốc gia khác đang vật lộn với mối đe dọa kép là lạm phát gia tăng và tăng trưởng chậm lại.

Chính sách tiền tệ nới lỏng của Bắc Kinh, tương phản với quan điểm “diều hầu” hiện nay của Fed, cộng với chính sách mềm mỏng hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân, có thể mang lại cơn gió thuận chiều cho chứng khoán Trung Quốc.

“Lộ trình chứng khoán Trung Quốc trong năm 2023 có vẻ tốt với tỷ lệ đặt cược vẫn hướng tới xu hướng tăng giá hơn nữa, nhưng tôi không kỳ vọng về một lộ trình suôn sẻ”, ông Ng Xin-Yao, Giám đốc đầu tư chứng khoán châu Á tại Công ty đầu tư toàn cầu Abrdn plc (Vương quốc Anh), nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

38,460.92

-42.77 (-0.11%)

Biểu đồ mã Dow 30

15,712.75

+16.11 (+0.10%)

Biểu đồ mã Nasdaq
Xem thêm Xem thêm
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại