menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Phi Điệp

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Đường Lê Văn Lương là điển hình của quy hoạch bất cập

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Duy Hưng lưu ý, vấn đề phát triển vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn nhiều hạn chế.

Chiều 19/7, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54 ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (Ban chỉ đạo 54) và Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Phát triển công nghiệp và đô thị vùng ĐBSH.

Quy hoạch bất cập dẫn đến mưa to là ngập lụt, tắc đường

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo 54 cho biết, sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết 54 và 11 năm thực hiện Kết luận 13 của Bộ Chính trị, phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế; vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước được phát huy.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Duy Hưng lưu ý, vấn đề phát triển vùng ĐBSH vẫn còn nhiều hạn chế, vấn đề phát sinh mới, nhất là bất cập về quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương dẫn chứng, gần đây, dư luận nhắc đến nhiều về quy hoạch Thủ đô Hà Nội, đường Lê Văn Lương là điển hình của việc quy hoạch bất cập, không đồng bộ hạ tầng dẫn đến tình trạng mưa to là ngập lụt, tắc đường.

Ông Hưng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, tác động ngày càng lớn cần phải đánh giá lại những gì đã làm được, chưa làm được sau 17 năm qua ở vùng ĐBSH trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị; cần thay đổi nhận thức, tư duy về vấn đề liên kết vùng.

Nhắc lại câu nói của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi trong một hội thảo về liên kết vùng phía Nam “thể chế vùng của chúng ta như một câu lạc bộ”, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, Ban Chỉ đạo rất muốn nghe những ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học để có những phương án tối ưu về liên kết vùng, liên kết nội vùng, tạo động lực cho phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSH.

Từ đó có những tổng kết, báo cáo, đánh giá để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, đặt ra những vấn đề chiến lược, dài hạn trong thời gian sắp tới.

Trong tham luận gửi đến hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong vấn đề phát triển hạ tầng vùng ĐBSH. Cụ thể, hệ thống hạ tầng đô thị của vùng còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo sự kết nối giữa đô thị và vùng, nhất là về hạ tầng khung, tình trạng ngập úng vẫn còn, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội chậm được giải quyết. Hạ tầng cấp thoát nước còn nhiều bất cập, chưa có giải pháp hữu hiệu.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị, cần đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, quy hoạch vùng ĐBSH, quy hoạch vùng Thủ đô, quy hoạch tỉnh để tái cấu trúc hệ thống đô thị phù hợp với xu thế phát triển liên kết lãnh thổ, hành lang kinh tế, mạng lưới hạ tầng trong khu vực giữa ĐBSH và các tỉnh phía Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia và Thái Lan, Singapore và khối châu Á – Thái Bình Dương.

Cứ làm xong quy hoạch nhưng nhà đầu tư vào lại thay đổi

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trong quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trong vùng vẫn còn nhiều hạn chế; mối liên kết vùng còn yếu. Bên cạnh đó, kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.

Ông Chính lưu ý, phát triển đô thị xanh văn minh phải có bản sắc, phải có quy hoạch bài bản và thực hiện nghiêm quy hoạch. Quy hoạch phải trên cơ sở mật độ dân cư và sự phát triển đồng bộ của hạ tầng, quản lý phát triển đô thị.

"Cứ làm xong quy hoạch nhưng nhà đầu tư vào thì lại thay đổi, điều chỉnh, lái thế này, thế kia", ông Chính nêu câu chuyện đường Lê Văn Lương, Hà Nội, nhà cứ chồng lên chỉ có lợi cho nhà đầu tư, còn người dân thì khổ. Con đường này đang thành điểm nóng và Chính phủ cũng nhìn thấy điều này.

Ông cũng nêu dẫn chứng từ khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội, diện tích chỉ 3ha nhưng làm hàng chục nhà cao tầng, trong khi chỉ 3 cái nhà như thế dân số bằng một phường.

Theo KTS Trần Ngọc Chính, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh, có Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với mục tiêu đưa học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng lên ở nhưng mười mấy năm không di chuyển được các trường, các cơ quan, nhà máy ra khỏi nội đô.

"Tôi nghĩ vấn đề quản lý quy hoạch địa phương rất quan trọng”, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề quan trọng ở đô thị là lo nhà ở, nhất là nhà ở cho người thu nhập thấp.

Ông lưu ý, nhà ở xã hội ra đời để phục vụ công nhân, cho những người nghèo chứ không bỏ ra 30.000 tỉ đồng rồi cuối cùng người có ô tô xếp hàng mua, không đến tay những người nghèo. "Ta có chủ trương chính sách nhưng có đi vào cuộc sống hay không”, ông Chính đặt vấn đề.

Ngoài ra, ông Chính cũng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Lấy việc phát triển kinh tế đô thị làm động lực phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, các vùng địa phương. Đồng thời tái cấu trúc và tổ chức không gian, xây dựng hệ thống đô thị thống nhất, hiệu quả, toàn diện, năng động, có sức cạnh tranh cao, tăng cường liên kết vùng và kết nối đô thị - nông thôn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại