Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Doanh nghiệp FDI cần đồng hành với khối SMEs Việt Nam”
Doanh nghiệp FDI đang tạo việc làm cho khoảng 4,51 triệu lao động trực tiếp và 5,6 triệu lao động gián tiếp.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững cũng là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam, Việt Nam muốn phát triển nhanh nhưng phải song hành với phát triển bền vững. Xây dựng phát triển xanh với tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển năng lượng sạch tái tạo.
2019 là năm thành công trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP đạt 7,02% vượt kế hoạch đặt ra 6,8%, thuộc nhóm các nước phát triển cao của khu vực, lạm phát được kiểm soát ở mức 2,79% - thấp hơn so với kỳ vọng và thấp nhất trong 3 năm vừa qua. Xuất siêu ước tính 9,9 7 tỷ USD, đây là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.
Phó Thủ tướng khẳng định, từ nhiều năm nay, đầu tư nước ngoài là động lực tăng trưởng quan trọng của cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Năm 2019, vốn FDI thực hiện đạt trên 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, chiếm 20% GDP và đóng góp quan trọng 23,7% trong tổng nguồn vốn đầu tư xã hội. Cũng trong năm này, Việt Nam ghi nhận số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục là 138.000 doanh nghiệp. Ngoài ra, 18 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.
Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đầu tư nước ngoài đóng góp động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tỷ trọng FDI trong GDP tăng chóng mặt, từ 2,1% vào năm 1989 lên 21,8% vào năm 2017 và tiếp tục tăng cao hơn nữa cho đến nay.
Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn từ 1994 đến 2000 cho đến 23,7 tỷ USD từ 2011 đến 2015 và chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước và đến năm 2018 tỷ lệ này là 20,79%. Doanh nghiệp FDI đang tạo việc làm cho khoảng 4,51 triệu lao động trực tiếp và 5,6 triệu lao động gián tiếp.
Những năm gần đây, chính bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng phát triển mạnh về công nghệ, đầu tư, dùng robot trong sản xuất kinh doanh, phần mềm, công nghệ thiết kế… Các thay đổi này đã tạo ra quy mô thay đổi chất lượng lao động và cải thiện chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã có chiến lược phát triển kinh doanh bền vững, thân thiện với môi trường, thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, theo Phó Thủ tướng.
Cũng theo Phó Thủ tướng, hơn 100 doanh nghiệp quốc tế lớn đã có mặt tại Việt Nam, đã có những công đoạn sản xuất trình độ cao được thực hiện tại Việt Nam. Mặc dù đạt được những kết quả khả quan trong năm qua, nhưng Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức trong mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Xu hướng mới sẽ tác động tới việc kinh doanh khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ.
Thủ tướng cho rằng để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tiếp thu để hoàn chỉnh các quy định pháp luật, cải thiện thủ tục hành chính, thuận lợi hoá quan hệ đầu tư tạo môi trường thuận lợi cho huy động các nguồn đầu tư cho phát triển. Trước tiên, Việt Nam cần tạo hạ tầng đồng bộ, nâng cao sức cạnh tranh, chú trọng phát triển giáo dục và khoa học công nghệ.
Thứ hai, triển khai các chủ trương, giải pháp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ cùng phát triển. Song song với đó, thực hiện nghị quyết về phát triển doanh nghiệp tư nhân, tái cấu trúc doanh nghiệp mà trọng tâm là doanh nghiệp Nhà nước. Thực hiện Nghị quyết về định hướng phát triển thể chế cho đầu tư nước ngoài 2030. Coi môi trường pháp lý, hạ tầng và nhân lực là 3 nhân tố cho đầu tư phát triển.
Phó Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp cần chú ý hơn nữa đến đổi mới sáng tạo. Gắn phát triển với đổi mới khoa học công nghệ; tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng đầu tư. Kiến tạo hạ tầng cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập.
“Hoàn thiện thể chế cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo lấy doanh nghiệp là trung tâm. Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ nút thắt liên quan đầu tư, kinh doanh; giảm 20% các thủ tục hành chính”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các nhà đầu tư nước ngoài chủ động kết nối doanh nghiệp trong nước để chỉ dẫn doanh nghiệp trong nước phát triển công nghiệp phụ trợ. Gắn kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) Việt Nam để những doanh nghiệp này có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cùng với doanh nghiệp FDI.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo rằng việc tương tác giữa VBF giữa các Bộ ngành diễn ra thường xuyên giữa các tổ công tác.
Việt Nam đang trên đà tăng trưởng, cải cách và hội nhập của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, những biến động của kinh tế thế giới khiến Việt Nam sẽ chịu tác động.
Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh điều doanh nghiệp đang lo lắng là những chồng chéo trong thủ tục gây khó cho doanh nghiệp; trong năm 2020, Chính phủ nên tập trung Chương trình 25 để giải quyết, tháo gỡ 25 điểm chồng chéo mà doanh nghiệp đã kiến nghị; cùng với việc sửa đổi hoàn thiện thể chế, cần tăng cường kỷ luật thực thi Chương trình 20; tiếp tục cắt giảm 20% thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Chương trình 50 là tăng cường chất lượng đầu tư nước ngoài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận