Phó thống đốc: Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tiềm ẩn có thể lên xấp xỉ 8% cuối năm nay
Phó Thống đốc: Tỷ lệ nợ xấu có thể lên xấp xỉ 8% vào cuối năm nay
Như BizLIVE đề cập ở bài viết trước, tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành ngày 29/9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh thông tin thêm về tình hình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và diễn biến nợ xấu.
Và như lãnh đạo NHNN từng trình bày với Quốc hội về kết quả điều hành chính sách tiền tệ trước đây khi kết năm 2020, yếu tố bất thường của đại dịch COVID-19 đã khiến nợ xấu bật trở lại cũng như tái cơ cấu hệ thống gặp khó khăn.
3 mục tiêu chưa hoàn thành
Tại phiên thẩm tra nói trên, nội dung chính mà đại diện NHNN trình bày là kết quả thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ, nhận định về xu hướng của giai đoạn 2021-2025.
Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, nhìn lại giai đoạn tái cơ cấu 2016-2020 theo Quyết định 1088 của Chính phủ, NHNN đánh giá cơ bản hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt được; tuy nhiên, còn 3 chỉ tiêu chưa hoàn thành.
Thứ nhất là tỷ lệ thu nhập phi tín dụng/tổng thu nhập ngân hàng.
“Năm 2016 khi xây phương án thì tỷ lệ thu nhập phi tín dụng/tổng thu nhập ngân hàng đạt khoảng 7,8%. Chúng tôi đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ tăng gấp đôi, tức khoảng 15%. Tuy nhiên, trên thực tế đến năm 2020, con số này chỉ đạt xấp xỉ 12%, như vậy là không đạt”, Phó thống đốc cho biết.
Cũng theo lãnh đạo NHNN, xét về số tương đối thì không đạt nhưng xét về số tuyệt đối, thu phi tín dụng cuối năm 2020 đã gấp khoảng 3,3 lần so với năm 2015.
NHNN đặt ra chỉ tiêu này nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) phát triển các dịch vụ phi tín dụng, tránh tình trạng độc canh tín dụng, quá tập trung vào tín dụng và thu nhập từ hoạt động tín dụng, khuyến khích các ngân hàng phát triển các dịch đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
“Số tuyệt đối tăng lên rất nhiều nhưng số tương đối lại không đạt là do trong giai đoạn này, tăng trưởng tín dụng mạnh, nhu cầu vốn tín dụng trong nền kinh tế tăng lên mạnh mẽ, các ngân hàng đẩy mạnh cho vay nên tổng thu nhập tăng mạnh, trong khi tăng trưởng thu nhập phi tín dụng không theo kịp. Mặc dù không đạt chỉ tiêu nhưng đây cũng là sự tăng trưởng, phát triển rất mạnh của nguồn thu nhập phi tín dụng”, Phó Thống đốc đánh giá.
Chỉ tiêu thứ 2 là phấn đấu tất cả các NHTMCP phải niêm yết, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn đang còn 6 - 7 ngân hàng chưa lên sàn được với nhiều lý do. Trong đó, Phó thống đốc cho rằng, nguyên nhân quan trọng là trong năm 2019 và đặc biệt là năm 2020, toàn ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Chỉ tiêu thứ 3 là nợ xấu. Mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2020, tỷ lệ nội xấu nội bảng cộng nợ xấu tiềm ẩn về dưới 3%/tổng dư nợ; tuy nhiên, đến cuối năm 2020, tỷ lệ này vẫn trên 3%.
“Nếu không có COVID-19 thì chắc chắn đạt được chỉ tiêu này. Chúng ta thường ví von ngành ngân hàng là con thuyền còn nền kinh tế là dòng sông. Nước nổi thì thuyền nổi mà nước xuống thì thuyền cũng xuống theo. Khi nền kinh tế phát triển tốt, doanh nghiệp làm ăn tốt thì nợ xấu thấp, khi nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn thì đương nhiên nợ xấu sẽ tăng”, Phó thống đốc dẫn giải.
Vẫn còn 1 cặp sở hữu chéo
Về việc thoái vốn nhà nước của các ngân hàng có vốn Nhà nước, Phó thống đốc cho biết, từ 2016-2020, NHNN đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt.
Các ngân hàng có vốn Nhà nước đã thoái thốn tại các lĩnh vực không liên quan đến ngân hàng tổng số tiền 5.807 tỷ đồng, cơ bản những chỗ nào thoái vốn được sẽ thoái triệt để.
Về sở hữu chéo giữa các ngân hàng, ông Kim Anh cho biết, NHNN muốn xử lý triệt để vấn đề vì mối quan hệ phức tạp giữa các nhà băng.
Theo đó, nếu như năm 2012, số cặp sở hữu chéo là 7 cặp thì đến 2017 chỉ còn 1 cặp đến cuối 2018 đã xử lý xong.
Về vấn đề sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp, Phó thống đốc cho biết hiện chỉ còn 1 cặp là ngân hàng ACB và công ty BĐS Á châu – Hòa phát chưa xử lý xong do còn liên quan đến thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu ở mức nhỏ khi ACB sở hữu 2,84% công ty BĐS trong khi công ty này chỉ sở hữu 0,04% vốn ngân hàng. NHNN sẽ tiếp tục xử lý trong thời gian tới.
Nợ xấu có thể tăng mạnh cuối năm nay
Về vấn đề nợ xấu, lãnh đạo NHNN cho biết, nhờ việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42, cùng với quyết tâm chính trị của cả hệ thống, nợ xấu đã được xử lý tương đối mạnh trong thời gian qua.
Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 2,46%, năm 2017 giảm xuống còn 1,99%, năm 2018 còn 1,91%, năm 2019 là 1,63% và năm 2020 là 1,76%. Nếu tính cả khoản nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn thì năm 2016 là 10,58%, năm 2017 là 7,36%, năm 2018 là 5,85%, năm 2019 là 4,43% và sang đến năm 2020 là 3,81%.
“Chúng ta có thể thấy, nợ xấu, kể cả nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn giảm mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi COVID-19 đến trong năm 2020 và đặc biệt năm 2021, NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn”, Thống đốc cho biết.
Theo đó, NHNN đã lên kịch bản kỹ lưỡng và báo cáo Chính phủ về xu hướng nợ xấu trong thời gian tới. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Đấy là kết quả được dự báo khi các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.
“Chúng tôi thấy điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe hệ thống ngân hàng, khi các nhà băng vừa đáp ứng vốn cho nền kinh tế đồng thời phải có các biện pháp đảm bảo an toàn, sức khỏe của toàn hệ thống”, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận