24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Kim Oanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú: Điều chỉnh tăng hạn mức BHTG để bảo vệ người gửi tiền tốt hơn

Hạn mức BHTG nên được điều chỉnh lên mức 125 triệu đồng cho phù hợp với thông lệ, chuẩn mức quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới cũng như thực tế hoạt động của hệ thống các TCTD Việt Nam.

Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là tổ chức bảo vệ người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng không thể thực hiện các nghĩa vụ đối với người gửi tiền, góp phần giảm thiểu rủi ro cho người gửi tiền và đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Theo Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), hạn mức BHTG áp dụng tại mỗi quốc gia nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền, phù hợp với mục tiêu chính sách công và đặc điểm liên quan của hệ thống BHTG của quốc gia đó.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú.

Thưa Phó Thống đốc, hạn mức BHTG là một công cụ chính sách hữu hiệu được Chính phủ các nước sử dụng nhằm củng cố niềm tin của người gửi tiền. Xin Phó Thống đốc cho biết rõ hơn về vấn đề này?

BHTG bắt đầu được thành lập tại Mỹ từ sau cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1930 và tính đến nay đã có 146 quốc gia trên thế giới thành lập tổ chức này. Mặc dù hoạt động của các tổ chức BHTG trên thế giới đã có nhiều thay đổi so với thời điểm mới xuất hiện, nhưng vai trò bảo vệ người gửi tiền vẫn luôn là chức năng cơ bản và quan trọng nhất của các tổ chức BHTG. Khi các ngân hàng không thể thực hiện nghĩa vụ đối với người gửi tiền thì tổ chức BHTG sẽ thực hiện chức năng bảo vệ người gửi tiền thông qua việc chi trả tiền gửi cho người gửi tiền theo hạn mức BHTG được quy định tại từng quốc gia. Chức năng này giúp người gửi tiền yên tâm hơn khi gửi tiền vào ngân hàng.

Theo IADI, hạn mức BHTG nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền, phù hợp với mục tiêu chính sách công và đặc điểm liên quan của hệ thống BHTG của quốc gia đó.

Ngoài ra, khi xảy ra khủng hoảng tài chính, nhiều quốc gia sẽ nâng cao hạn mức bảo hiểm hoặc tạm thời áp dụng cơ chế bảo hiểm toàn bộ nhằm duy trì niềm tin của công chúng, ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt, gây đổ vỡ hệ thống ngân hàng. Thực tế, Chính phủ các nước sẽ không phải thực hiện cam kết này nếu như không để ngân hàng nào phải áp dụng biện pháp phá sản nhưng giải pháp tình thế này sẽ giúp trấn an người dân và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính và kinh tế, xã hội của đất nước. Sau khủng hoảng, các nước sẽ dần rút về cơ chế bảo hiểm có giới hạn như trước khi xảy ra khủng hoảng.

Có thể nói, việc xây dựng một hạn mức BHTG phù hợp là nhân tố quan trọng góp phần củng cố niềm tin công chúng và ổn định kinh tế vĩ mô. Vậy, cần có những tiêu chí, cơ sở nào để thiết lập hạn mức BHTG, thưa Phó Thống đốc?

Theo IADI, các tiêu chuẩn cơ bản để xây dựng hạn mức và phạm vi bảo hiểm phù hợp tại từng quốc gia gồm:

Thứ nhất, hạn mức và phạm vi bảo hiểm cần có giới hạn để giảm thiểu rủi ro rút tiền ngân hàng và duy trì kỷ luật thị trường, đảm bảo phần lớn người gửi tiền ở các ngân hàng được bảo vệ (chiếm tỷ lệ từ 90-95% người gửi tiền) nhưng có một tỷ lệ nhất định giá trị tiền gửi không được bảo vệ.

Thứ hai, đảm bảo công bằng cho tất cả các ngân hàng thành viên.

Thứ ba, điều chỉnh định kỳ (khoảng 5 năm một lần) để đáp ứng mục tiêu chính sách công.

Ngoài ra, hạn mức BHTG cần được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, như: lạm phát, thu nhập của người dân, năng lực tài chính của tổ chức BHTG, tình hình hệ thống tài chính - ngân hàng, hiệu lực của cơ chế giám sát...

Theo khảo sát thường niên của IADI năm 2018, Thái Lan và Indonesia có hạn mức BHTG ở mức rất cao so với GDP bình quân đầu người, lần lượt là 62,8 lần và 38,5 lần với tỷ lệ bảo vệ toàn bộ người gửi tiền lên đến 99,9%. Đa số các quốc gia còn lại quy định hạn mức BHTG không quá 5 lần GDP bình quân đầu người.

Nhiều ý kiến cho rằng, hạn mức BHTG 75 triệu đồng hiện nay tại Việt Nam còn thấp và cần thiết được điều chỉnh trong thời gian tới để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như nguyện vọng của người dân. NHNN có ý kiến như thế nào về nhận định này, thưa Phó Thống đốc?

Tại Việt Nam, tổ chức BHTG được thành lập vào năm 1999 theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 9/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Để tạo điều kiện cho BHTG Việt Nam hoạt động an toàn, hiệu quả, từ khi thành lập BHTG Việt Nam đến nay, hành lang pháp lý về hoạt động BHTG luôn được Chính phủ, Quốc hội quan tâm hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đến năm 2012, cơ sở pháp lý về BHTG đã được luật hóa bởi Luật BHTG số 06/2012/QH13 ngày 18/6/2012 và quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, đồng bộ, toàn diện hơn về BHTG.

Mặc dù được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều lần, nhưng quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách BHTG là nhằm mục đích bảo vệ người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền quy mô nhỏ và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Cùng với quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý, hạn mức BHTG cũng được quy định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam trong từng thời kỳ. Theo đó, từ năm 1999-2005 (6 năm), hạn mức BHTG là 30 triệu đồng, từ 2005-2017 (12 năm), hạn mức là 50 triệu đồng và từ 2017 đến nay là 75 triệu đồng.

Từ thông lệ quốc tế và thực tế Việt Nam cho thấy, hạn mức BHTG 75 triệu đồng hiện nay không còn phù hợp với 3 yêu cầu xây dựng hạn mức BHTG phù hợp cho mỗi quốc gia nêu tại Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả (2014) và hướng dẫn của IADI. Cụ thể:

Thứ nhất, đối với yêu cầu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ/tổng số người gửi tiền được bảo hiểm:

Như đã nêu ở trên, tỷ lệ này ở Việt Nam đang là 87,72%, thấp hơn so với mức khuyến nghị 90-95% của IADI. Nếu nâng mức BHTG lên 125 triệu đồng, gấp 2 lần GDP bình quân đầu người thì tỷ lệ này mới tăng lên mức 90,94%, nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI.

Thứ hai, đối với yêu cầu đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức BHTG.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, năng lực tài chính của BHTG Việt Nam cũng gia tăng đáng kể. Từ nguồn vốn được cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng, đến nay tổng tài sản của BHTG Việt Nam đã tăng lên hơn 64 nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng nghiệp vụ (thể hiện khả năng chi trả của BHTG Việt Nam theo quy định của Luật BHTG) đạt hơn 58 nghìn tỷ đồng. Đây là nền tảng quan trọng giúp BHTG Việt Nam có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.

Bên cạnh nguồn vốn tự có, Luật BHTG còn cho phép BHTG Việt Nam được tiếp nhận thêm các nguồn vốn hỗ trợ khác, gồm: (i) tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc vay của TCTD, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ trong trường hợp nguồn vốn của BHTG Việt Nam tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm; (ii) tiếp nhận các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để tăng cường năng lực hoạt động. Như vậy, trong trường hợp nguồn vốn của BHTG tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền thì BHTG Việt Nam có thể huy động thêm nguồn vốn khác phục vụ yêu cầu chi trả.

Thứ ba, đối với yêu cầu đảm bảo phù hợp với các điều kiện kinh tế vĩ mô.

Những năm gần đây, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục khả quan. GDP bình quân đầu người danh nghĩa (chưa tính đến yếu tố lạm phát) của Việt Nam tăng trưởng tốt, năm 2019 đạt tương đương 2.600 USD. Theo đó, hạn mức BHTG 75 triệu đồng hiện nay chỉ bằng 1,25 lần GDP bình quân đầu người năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức 2 lần theo thông lệ quốc tế.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, với triển vọng tăng trưởng tích cực trong trung hạn của Việt Nam và sự gia tăng đáng kể về năng lực tài chính cũng như các nguồn hỗ trợ của BHTG Việt Nam, việc điều chỉnh tăng hạn mức BHTG là hoàn toàn khả thi và cần thiết để bảo vệ tốt hơn cho người gửi tiền theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các TCTD Việt Nam và tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả.

Theo Phó Thống đốc, hạn mức BHTG nên điều chỉnh lên mức bao nhiêu là phù hợp?

Thời gian qua, triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, NHNN và các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD. Nhờ đó, hoạt động của hệ thống các TCTD đã từng bước được củng cố, chấn chỉnh và hoạt động an toàn, hiệu quả, trong đó các NHTM có xu hướng tăng trưởng và phát triển ổn định hơn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, hoạt động của hệ thống QTDND vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại, hạn chế. Một số QTDND hoạt động yếu kém, xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương và an toàn hoạt động của cả hệ thống QTDND, điển hình là một số quỹ tại các tỉnh Đồng Nai, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa...

Thực trạng này đặt ra đồng thời 2 yêu cầu cấp bách là vừa phải tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, vừa phải nâng cao hơn nữa vai trò của BHTG Việt Nam trong việc bảo vệ người gửi tiền tại các QTDND là những người gửi tiền quy mô nhỏ và dễ bị tổn thương nhằm bảo đảm an sinh và trật tự, an toàn xã hội.

Theo tính toán của NHNN, nếu nâng hạn mức BHTG lên mức 125 triệu đồng, tương đương 2 lần GDP bình quân đầu người thì quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% QTDND.

Từ những phân tích và tính toán nêu trên cho thấy, hạn mức BHTG nên được điều chỉnh lên mức 125 triệu đồng cho phù hợp với thông lệ, chuẩn mức quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới cũng như thực tế hoạt động của hệ thống các TCTD Việt Nam.

Vì vậy, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để giúp người dân yên tâm hơn khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, nhất là người dân gửi tiền tại các QTDND.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc thường trực!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả