Phí thăm quan di tích Hà Nội tăng cao: Du khách khó quay lại lần hai
Nhiều ý kiến cho thấy Hà Nội tăng giá vé tại các di tích, danh thắng đã tác động trực tiếp tới du khách cũng như nhiều công ty du lịch, lữ hành.
Theo Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về việc thay đổi giá vé tại các khu di tích được áp dụng từ ngày 1/1/2024. Cụ thể tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám tăng từ 30.000 đồng lên 70.000 đồng (tăng 2,3 lần); Hỏa Lò từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng, đền Ngọc Sơn từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng (tăng 1,6 lần); Trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ 30.000 đồng lên 100.000 đồng (tăng 3,3 lần); Cổ Loa từ 10.000 đồng lên 30.000 đồng (tăng 3 lần); chùa Hương tăng từ 78.000 đồng lên 120.000 đồng (tăng 1,5 lần)… so với mức quy định năm 2020.
Việc tăng giá vé tại các di tích, danh thắng ở Hà Nội đến nay đã được 3 tháng, không chỉ tác động trực tiếp đến du khách mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới các công ty du lịch, lữ hành vì họ phải phải tính toán lại chi phí cho các tour, tuyến du lịch một cách hợp lý.
Trao đổi với Người Đưa Tin, nhiều du khách bày tỏ những địa điểm gìn giữ văn hóa và lịch sử tại Hà Nội chưa có gì thay đổi nên nếu bỏ ra gần 100.000 đồng sẽ rất khó quay lại lần hai.
“Gần đây, gia đình tôi có đi tham quan tại Nhà tù Hỏa Lò, tôi khá sốc khi biết giá vé bắt đầu có sự thay đổi, theo tôi hiểu nếu tăng giá vé thì sẽ đi kèm những quyền lợi xứng đáng cho khách tham quan nhưng tôi thấy vẫn chưa có gì thay đổi. Vì thế nếu không còn gì mới thì có lẽ gia đình tôi sẽ không đến thêm lần hai”, chị Ngọc Hân, Quan Hoa, Cầu Giấy chia sẻ.
Bạn Ma Minh Hiếu - sinh viên Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội cũng kêu than vì giá vé tham quan sẽ tăng lên quá nhiều.
“Trước đây khi đến khu di tích sinh viên được hưởng những ưu đãi nhất định, bởi vậy mà chúng mình sẽ lựa chọn những nơi đó làm điểm đến tham quan cuối tuần. Nhưng giờ phí tăng cao khiến mình đắn đo và thay đổi quyết định đến những địa điểm thăm quan nào rẻ hơn”, Hiếu cười nói.
Nhiều công ty lữ hành cho rằng, việc tăng giá vé chưa thật sự phù hợp bởi nhiều địa điểm di tích không có sự thay đổi về chất lượng cũng như dịch vụ.
Ở thời điểm này tình hình kinh tế chung còn khó khăn, các doanh nghiệp du lịch đang phải tiết giảm chi phí, cá nhân phải thắt chặt chi tiêu, thì lại “gánh” thêm việc tăng chi phí.
Có đại diện doanh nghiệp thậm chí còn cho rằng, lẽ ra Hà Nội nên giảm giá vé ở thời điểm này và có các chương trình khuyến mại để kích cầu du lịch thay vì tăng giá vé.
Còn dưới góc độ chuyên gia PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế nhận định, phần lớn các di tích thắng cảnh ở Hà Nội hiện nay hoạt động theo cơ chế tự chủ, không được thành phố bao cấp. Việc bảo tồn, tu bổ di tích, bảo đảm vệ sinh môi trường thường xuyên đòi hỏi nguồn kinh phí lớn.
Ông cho rằng việc tăng giá vé tham quan theo biến động của trượt giá và giá cả thị trường là cần thiết.
Kim Thoa
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận