Phát triển hệ thống logistics, tạo sức bật cho khu vực ĐBSCL
Do chưa phát triển dịch vụ logistics kết nối vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu nên khoảng 70% hàng hóa xuất khẩu vẫn phải chuyển về các cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép bằng đường bộ.
Logistics hiểu đơn giản là dịch vụ vận chuyển, cung ứng hàng hóa theo phương thức tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, đối với Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa, thủy sản và trái cây của cả nước, việc phát triển hệ thống logistics xứng tầm, đáp ứng hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản là hết sức cấp thiết.
Yêu cầu cấp bách
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đóng góp khoảng 40% giá trị sản xuất nông nghiệp, trên 54% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước.
Tiềm năng xuất khẩu nông thủy sản của vùng đặt ra nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics nhằm hướng đến phục vụ hàng nông thủy sản, với những dịch vụ logistics chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng. Đơn cử như dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ, hấp nhiệt đối với mặt hàng trái cây để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu cũng như hàng phân phối cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Trong khi đó, số liệu thống kê của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho thấy tổng nhu cầu vận chuyển các mặt hàng gạo, thủy sản và trái cây thuộc ngành hàng xuất khẩu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 17-18 triệu tấn/năm.
Do chưa phát triển dịch vụ logistics kết nối vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu nên khoảng 70% hàng hóa xuất khẩu vẫn phải chuyển về các cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bằng đường bộ, khiến các doanh nghiệp phải chịu chi phí vận tải cao hơn từ 10-40% tùy theo tuyến đường.
Dẫn chứng về sự cần thiết phải phát triển mạnh hệ thống logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phục vụ sản xuất và tiêu thụ các ngành nông nghiệp chủ lực của vùng, nhóm nghiên cứu gồm tiến sỹ Võ Hồng Tú và phó giáo sư Nguyễn Phú Son (Đại học Cần Thơ), phó giáo sư Từ Văn Bình (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh), tiến sỹ Nguyễn Thanh Hùng (Đại học Trà Vinh) và chuyên gia Trần Hoàng Tuyên thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp cho biết qua khảo sát thực tế tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, chi phí logistics mỗi năm của doanh nghiệp này để vận chuyển tôm từ hai nhà máy ở Hậu Giang và Cà Mau lên Thành phố Hồ Chí Minh xuất đi các nước tốn khoảng 60 tỷ đồng.
Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho rằng nếu có dịch vụ tiếp vận hậu cần hợp lý hơn, hàng hóa có thể xuất khẩu trực tiếp từ Đồng bằng sông Cửu Long, không phải đưa lên Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn, khoảng từ 30-40%. Khi đó, tính cạnh tranh của các mặt hàng nông sản cũng sẽ cao hơn.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, đưa ra so sánh chi phí vận chuyển một container hàng hóa từ Singapore về cảng Hải Phòng chỉ hơn 100 USD, nhưng cũng cùng một container như thế, vận chuyển từ Hà Nội ra cảng Hải Phòng với quãng đường chỉ 100km lại lên tới hơn 200 USD.
Tương tự, chi phí vận chuyển một lô hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Singapore chỉ từ 1-2 triệu đồng nhưng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu lại lên tới 5,3 triệu đồng, dù quãng đường chỉ có 120km.
Thực trạng này cho thấy việc giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu, phát triển kinh tế là yêu cầu rất cấp bách.
Cần phát triển đồng bộ
Đánh giá về hệ thống logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia cho rằng điểm mạnh dễ nhận thấy chính là hệ thống cảng của Đồng bằng sông Cửu Long trải dài trên khu vực sông Hậu và sông Tiền; 5 tuyến hành lang đường bộ nối đồng bằng với vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Mạng lưới đường thủy tại đây cũng dài và chất lượng cao hơn so với các vùng trong cả nước với hệ thống sông kênh dài 28.000km, trong đó 23.000km có khả năng khai thác vận tải, có 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu tải trọng lớn ra-vào sông Hậu. Hệ thống sân bay trong vùng Đồng bẳng sông Cửu Long đã và đang được nâng cấp và phát triển.
Tuy nhiên, hiện ở đây chưa có tuyến đường sắt kết nối khu vực này. Tình trạng tắc cầu cảng, tắc đường còn diễn ra. Chưa kể, chiều cao tĩnh không của các cây cầu ở Đồng bằng sông Cửu Long rất hạn chế; vùng nông thôn không cho xe có tải trọng lớn vào nên rất khó lấy hàng. Hệ thống cảng còn phân tán, quy mô nhỏ lẻ, năng lực thấp, ít cảng container chuyên dùng, chưa phát huy được lợi thế về giao thông đường thủy nội địa.
Tại khu vực này cũng còn thiếu hạ tầng kho hàng bến bãi logistics, thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh. Vùng sản xuất cách xa điểm tập kết, hạ tầng kém nên thời gian vận chuyển hàng hóa đến điểm tập kết kéo dài dẫn đến tổn thất hàng hóa nông sản sau thu hoạch lên tới 20-40%. Đây là những bất cập cần được tháo gỡ.
Nhằm hướng tới xây dựng trung tâm logistics cấp vùng, trở thành đầu mối tập trung các công ty logistics đến cung cấp các dịch vụ tạo thành chuỗi tích hợp, các dịch vụ logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới sẽ phát triển đa dạng và hướng tới phục vụ, xuất nhập khẩu bao gồm hàng container và hàng lẻ, hàng hóa thương mại nội địa, phân phối hàng hóa tiêu dùng trong vùng, kinh doanh thương mại điện tử...
Bên cạnh đó, định hướng phát triển kinh tế-xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 định hướng 2030, với tỷ trọng dịch vụ chiếm 65,7% GDP (năm 2030) cho thấy nhu cầu gia tăng dịch vụ logistics phục vụ cho ngành nông thủy sản của toàn vùng.
Coi trọng việc phát triển hạ tầng, Chính phủ, các bộ, ngành đã và đang đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều dự án về hạ tầng quan trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long; đưa ra định hướng phát triển mạnh hạ tầng logistics của vùng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông thủy sản của toàn vùng.
Ngoài ra, theo Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020, với ưu thế của vận tải thủy nội địa và xu hướng phát triển của hệ thống hạ tầng vận tải thủy nội địa của vùng, dự báo sẽ có sự gia tăng vận tải thủy nội địa đến năm 2030-2040 với tốc độ tăng trung bình 5%.
Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam của Bộ Giao thông Vận tải do Ngân hàng Thế giới tư vấn thực hiện đã cho thấy sự chuyển đổi từ vận tải bộ sang vận tải thủy nội địa của các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó gia tăng nhu cầu thực hiện các dịch vụ logistics phục vụ vận tải thủy nội địa cũng như nhu cầu nguồn lực tương xứng để đáp ứng xu thế phát triển trong tương lai.
Ở góc độ một địa phương cụ thể trong vùng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường cho biết Trà Vinh có vị trí thuận thuận lợi cho việc phát triển cảng biển gắn với các tuyến vận tải biển và ven biển, phát triển logistics…
Đặc biệt, việc có luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu xuyên qua địa phận Trà Vinh thông với biển Đông, nối liên cảng Cái Cui (Cần Thơ) giúp tỉnh trở thành đầu mối giao thương hàng hóa thuận lợi, thông qua các tuyến Quốc lộ 53, 60 và 1A, thông thương với quốc tế.
Trà Vinh huy động các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển kinh tế biển; phát triển hệ thống cảng biển trở thành trung tâm giao thương cả vùng. Tỉnh cũng tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và các nguồn lực khác đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông thủy, bộ, các tuyến Quốc lộ huyết mạnh như Quốc lộ 53, 60 đoạn từ cầu Cổ Chiên đi Khu kinh tế Định An và đường tỉnh 915, các cảng sông, cảng biển.
Bên cạnh đó, tỉnh mời gọi đầu tư vào khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật khu đô thị-dịch vụ-công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật khu kho ngoại quan-logistics, nhà máy đóng, sửa tàu thuyền và sản xuất gia công cơ khí…
Còn theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, địa phương đã đầu tư một số công trình quan trọng, nối liền các huyện vùng ven biển, ven sông, huyện vùng trũng với thành phố Sóc Trăng, kết nối vào hệ thống quốc lộ, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Tỉnh đầu tư đường tỉnh 940, đưa vào khai thác tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo (tuyến Trần Đề-Côn Đảo), bến xe liên huyện, tuyến đường trục phát triển kinh tế từ thành phố Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm-lúa của tỉnh, với mục tiêu tạo sự đồng bộ, thuận lợi trong vận chuyển nông sản, phát triển du lịch, dịch vụ cũng như phòng chống thiên tai.
Trong giai đoạn 2020-2025, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Sóc Trăng xác định thực hiện là khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển; kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng, cảng biển, khu logistics, phát triển các khu, cụm công nghiệp, thương mại và dịch vụ, du lịch ở địa phương./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận