Phát giác nhiều chiêu gian lận khi đấu thầu qua mạng
Trong thời gian qua, nhiều nhà thầu bị “sờ gáy” do kê khai không trung thực khi dự thầu qua mạng. Từ đây bộc lộ ra các chiêu gian lận của nhà thầu.
Có thể nói, chưa bao giờ hành vi gian lận của các nhà thầu bị phát giác, lật tẩy nhiều và chính xác như thời gian gần đây, khi đấu thầu qua mạng đã đi vào cuộc sống. Năm 2018, Công ty Điện lực Bắc Giang đã ra quyết định cấm Trung tâm Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường tham gia hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu thuộc các dự án, dự toán mua sắm do Công ty Điện lực Bắc Giang làm chủ đầu tư trong vòng 5 năm. Lý do là Trung tâm Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường đã gian lận khi dự thầu qua mạng.
Tại Gói thầu số 11 (C1-BD-GĐ2-W1) Thi công xây dựng 3 hồ chứa nước Cự Lễ, Lỗ Môn và Hố Cùng thuộc Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), tỉnh Bình Định, chủ đầu tư cũng đưa ra ánh sáng Công ty TNHH Đức Hải làm giả Quyết định số 4570/QĐ-UBND ngày 10/10/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật: Sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Hồ Trung, xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Kiểm tra những thông tin được kê khai trong hồ sơ dự thầu, chủ đầu tư phát hiện việc nhà thầu này đã tự ý sửa đổi một chi tiết nhỏ trong Quyết định từ “quy mô công trình cấp IV” thành “quy mô công trình cấp III”.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, một loạt nhà thầu như: Công ty TNHH Trang Khuê, Công ty TNHH Thanh Việt, Công ty TNHH Hiền Tấn Tài… có hành vi gian lận khi dự thầu qua mạng với các biểu hiện như: cung cấp bằng đại học giả của nhân sự chủ chốt, làm giả hợp đồng tương tự ký kết với tổ chức khác và nâng khống giá trị hợp đồng, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo tài chính trong hồ sơ đề xuất không đúng với số liệu tương ứng với các kỳ kế toán đã hoàn thành trong báo cáo tài chính nộp cho cơ quan thuế có chữ ký điện tử…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai, đấu thầu qua mạng giúp cho các chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi hơn trong việc kiểm tra tính xác thực của tài liệu cung cấp bởi nhà thầu.
Ngoài ra, một số nhà thầu cho biết, đấu thầu qua mạng tạo ra những cuộc cạnh tranh minh bạch giữa các nhà thầu.
Tuy vậy, không phải chủ đầu tư/bên mời thầu nào cũng đủ quyết tâm vạch mặt hành vi gian lận của nhà thầu. Khi một bên mời thầu tại Đắk Nông tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng gói thầu mua sắm thiết bị, một nhà thầu dự thầu đã phát giác dấu hiệu gian lận của nhà thầu trúng thầu và gửi đơn kiến nghị. Tuy nhiên, suốt ba tháng với hai lần gửi đơn kiến nghị, chủ đầu tư vẫn phớt lờ những tố cáo này. Do đó, dấu hiệu gian lận vẫn không được làm sáng tỏ, gói thầu được giải ngân và triển khai bình thường.
Thậm chí, cơ quan có thẩm quyền tại TP.HCM từng phải “than trời” do thiếu sự hợp tác của một số chủ đầu tư khi giải quyết kiến nghị. “Đối với đấu thầu qua mạng, các tài liệu đều là bản scan, do đó rất cần sự xác nhận, đối chiếu của các chủ đầu tư trước đó để làm rõ giá trị của hợp đồng tương tự, năng lực của nhà thầu. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư chậm trễ, thậm chí thoái thác, bất hợp tác gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan có chức năng xử lý kiến nghị về đấu thầu”, một Bên mời thầu chia sẻ với Báo Đấu thầu.
Hành vi gian lận trong đấu thầu, theo quy định, bị xử lý rất nặng với khả năng bị cấm thầu rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sự “sống còn” của nhà thầu. Bên cạnh đó, nếu chiểu theo quy định tại Điều 222 của Bộ luật Hình sự, người nào có hành vi gian lận trong đấu thầu, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì có nguy cơ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Thậm chí, có thể bị phạt tù cao nhất đến 20 năm nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận