Phạt đến 200 triệu đồng với vi phạm trong lĩnh vực đặt cược, trò chơi có thưởng
Các đơn vị, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng phạt tiền từ 180 – 200 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm về phạm vi kinh doanh, quản lý đối tượng được phép chơi đặt cược và trò chơi có thưởng.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 và thay thế toàn bộ các quy định về xử phạt vi phạm hành chính tại các Nghị định về kinh doanh đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng.
Các hình thức xử phạt trong lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng, gồm: cảnh cáo; phạt tiền tối đa 200 triệu đồng với tổ chức và 100 triệu đồng với cá nhân; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với thời hạn tối đa 24 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Cụ thể, phạt tiền 180 – 200 triệu đồng với các hành vi vi phạm về điều kiện tổ chức kinh doanh, phạm vi kinh doanh, quản lý đối tượng được phép chơi đặt cược và trò chơi có thưởng, số lượng máy trò chơi, bàn trò chơi và chủng loại, loại hình trò chơi có thưởng. Bên cạnh việc phạt tiền, cơ sở kinh doanh có thể bị xử phạt bổ sung bằng hình thức tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với thời gian tối đa là 24 tháng.
Chính phủ cũng nâng mức phạt tiền với các hành vi vi phạm hành chính về hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh về thể lệ trò chơi/thể lệ đặt cược…nhằm phản ánh đúng tính chất, mức độ vi phạm và đảm bảo tính răn đe, nghiêm khắc của pháp luật.
Theo đó, phạt tiền 40 – 60 triệu đồng với hành vi tự ý sửa chữa, tẩy xóa các tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng với hành vi lập, xác nhận hồ sơ, tài liệu giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Phạt tiền 40 – 50 triệu đồngvới hành vi không gửi thể lệ trò chơi/thể lệ đặt cược cho cơ quan nhà nước.
Phạt tiền từ 90 – 100 triệu đồng với hành vi không công bố công khai thể lệ trò chơi/thể lệ đặt cược.
Phạt tiền 180 – 200 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng và ban hành thể lệ trò chơi/thể lệ đặt cược.
Cũng tại Nghị định, Chính phủ đã bổ sung 2 nhóm hành vi vi phạm hành chính là vi phạm về quảng cáo và vi phạm về phòng chống rửa tiền.
Với hành vi vi phạm về quảng cáo, các cơ quan chức năng áp dụng hình thức phạt tiền 60 – 80 triệu đồng nếu cơ sở, đơn vị kinh doanh quảng cáo hoạt động kinh doanh đặt cược và trò chơi có thưởng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh hoặc nội dung và hình thức quảng cáo không đúng quy định của pháp luật.
Với hành vi vi phạm về phòng chống rửa tiền, các cơ quan chức năng áp dụng hình thức phạt tiền 40 – 60 triệu đồng với hành vi không cập nhật thông tin nhận biết khách hàng.
Phạt tiền 60 – 100 triệu đồng với hành vi không áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng, không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch đáng ngờ.
Phạt tiền 180 – 200 triệu đồng với hành vi không giám sát đặc biệt đối với các giao dịch có giá trị lớn bất thường, tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính, Chính phủ quy định Chánh Thanh tra Sở Tài chính có quyền phạt tiền tối da 100 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính với giá trị tối đa 200 triệu đồng.
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tài chính có quyền phạt tiền tối đa 140 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính với giá trị tối đa 280 triệu đồng.
Còn Chánh Thanh tra Bộ Tài chính có quyền phạt tiền đến 200 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh danh có thời hạn.
Với lực lượng công an, Chính phủ quy định Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Trưởng phòng Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 40 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính với giá trị tối đa 80 triệu đồng.
Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 100 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Còn Cục trưởng thuộc Bộ Công an có quyền phạt tiền đến 200 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Với chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 200 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh danh có thời hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận