Phân tích ‘lát cắt’ quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19
So với các nền kinh tế ở châu Á và trên thế giới, có 2 yếu tố giúp nền kinh tế Việt Nam có khả năng ứng phó với đại dịch Covid-19.
2 yếu tố chính
Theo công ty McKinsey&Company, so với các nền kinh tế ở châu Á và trên thế giới, Việt Nam có 2 yếu tố giúp nền kinh tế có khả năng ứng phó với đại dịch:
Thứ nhất, Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch bệnh. Trên thực tế, các báo cáo chỉ ra rằng đã 2 tháng Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Việt Nam chỉ đóng cửa nền kinh tế trong vòng 3 tuần và cũng là quốc gia đầu tiên mở cửa trở lại nền kinh tế.
Thứ hai, là thị trường tiêu dùng ở Việt Nam. Trong vài năm qua, Việt Nam là một điểm sáng trong khu vực châu Á về triển vọng kinh tế. Tỷ lệ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, chi tiêu tăng dẫn đến sự bùng nổ trong thị trường tiêu dùng quốc gia. Hiện chi tiêu trong nước chiếm gần 70% GDP của Việt Nam.
Rõ ràng, sự lây lan của đại dịch cũng như việc đóng cửa nền kinh tế là những yếu tố khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Theo báo cáo của McKinsey & Company, vào tháng 4, hơn một nửa người tiêu dùng Việt Nam đã cắt giảm chi tiêu. Tăng trưởng GDP trong quý II/2020 giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ. Tuy nhiên, may mắn là sự cắt giảm chi tiêu này thuộc về phần chi phí tùy ý, vốn chỉ chiếm hơn 1/4 GDP.
Trong khi đó, chi tiêu cho nhu yếu phẩm đóng góp hơn 40% GDP Việt Nam. Tỷ lệ chi này vẫn giữ vững trong suốt đợt khủng hoảng Covid-19 và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ổn định trong thời gian tới. Bruce Delteil, đồng tác giá báo cáo và là đối tác văn phòng McKinsey tại Hà Nội nhấn mạnh: "Đây là ‘lát cắt’ cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế đất nước".
Hai yếu tố trên giúp Việt Nam có thể từng bước vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề là tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc vào thương mại và du lịch, đồng nghĩa rất khó để thực sự hồi sinh nền kinh tế như trước khủng hoảng cho đến khi đại dịch thực sự “lắng xuống” trên toàn cầu.
Trong những năm gần đây, tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu đến từ ngành sản xuất, đặc biệt trong phân khúc thâm dụng lao động. Sản xuất tại Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể, tỷ lệ thương mại so với GDP cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, hơn Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Anh.
Dấu hiệu tăng trưởng tích cực
Theo McKinsey, ở thời điểm này, khủng hoảng vẫn tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế Việt Nam. Chuỗi cung ứng trên toàn cầu mất cân bằng, xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng do nền kinh tế Trung Quốc cũng như các thị trường trọng điểm khác đều đang đóng cửa. Kết quả là: trong 3 tháng đầu năm 2020, 21% vốn FDI vào Việt Nam giảm, các doanh nghiệp quốc tế đều hoãn các kế hoạch trước đó để ứng phó với khủng hoảng.
Chỉ khi thương mại quốc tế tăng tốc, Việt Nam mới có thể hoàn toàn khôi phục tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, McKinsey chỉ ra rằng, nhiều yếu tố đã giúp ổn định nền kinh tế Việt Nam trong suốt cuộc khủng hoảng lần này. Tăng trưởng GDP quý I/2020 của Việt Nam đạt gần 4%, mức tăng thấp nhất kể từ 2011 trở lại đây. Nhưng so với nhiều nền kinh tế khác, đây vẫn là một con số đầy hứa hẹn.
Hơn nữa, khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa, thị trường Việt Nam sẽ có vị thế tốt hơn trước. Trước khi khủng hoảng diễn ra, Trung Quốc đã rời khỏi ngành sản xuất thâm dụng lao động, khiến cho các nền kinh tế toàn cầu phải tìm kiếm thị trường thay thế. Ở mức độ nào đó, cuộc khủng hoảng Covid-19 và tác động của nó đối với chuỗi cung ứng đã thúc đẩy quá trình này.
Theo Deiteik, Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều lợi ích từ xu hướng này do ngành công nghiệp sản xuất quốc gia đang phát triển mạnh mẽ. Sau cuộc khủng hoảng, thị trrường Việt Nam có thể sẽ chiếm một phần đáng kể trong khoảng trống mà Trung Quốc để lại. Đây là dấu hiệu tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Một nền kinh tế mở sẽ giúp tăng doanh thu ngành du lịch của đất nước.
Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào hành vi của người tiêu dùng đối với ngành du lịch và sự phát triển của ngành công nghiệp này ở Việt Nam.
Hiện tại, Việt Nam vẫn phải chờ tới lúc đại dịch thực sự qua đi. Dự báo cho thấy hầu hết nền kinh tế trên toàn cầu sẽ gượng dậy và hoạt động trở lại vào cuối năm nay. Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh sẽ diễn ra chủ yếu vào giữa năm 2021. Việt Nam sẽ có rất nhiều tiềm năng để phát triển và đẩy mạnh kinh tế trong giai đoạn này với điều kiện đại dịch không bùng phát lại.
Trên thực tế, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều dự đoán, Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 7% vào năm 2021.
(theo Consultancy.asia )
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận