24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Nga
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Phân bổ SDR: Điều hiếm khi xảy ra của kinh tế toàn cầu

IMF và LHQ đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nợ từ thị trường mới nổi, khi kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi sau đại dịch và tỷ lệ lãi suất tăng lên.

Phân bổ SDR: Điều hiếm khi xảy ra của kinh tế toàn cầu
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Viện nghiên cứu an ninh (ISS) ngày 12/4, một động thái đáng chú ý gần đây là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định xóa bỏ quyền phủ quyết của Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đối với việc cho phép Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) được phân bổ 650 tỷ USD theo điều khoản Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) để giúp các quốc gia chống lại đại dịch COVID-19 và phục hồi sau suy thoái kinh tế.

IMF và Liên hợp quốc (LHQ) vừa qua đều lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nợ từ thị trường mới nổi, khi kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi sau đại dịch và tỷ lệ lãi suất tăng lên, cũng như việc rút vốn khỏi các quốc gia đang vay nợ quá mức.

Việc phân bổ SDR là rất hiếm khi xảy ra. Lần xảy ra gần đây nhất là trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2009. Khi đó, tổng số tiền được phân bổ lên tới 293 tỷ USD, trong khi đó, con số đề xuất hiện nay có thể tăng hơn gấp đôi.

Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã ủng hộ việc phân bổ 650 tỷ USD tại cuộc họp hồi tháng Ba vừa qua. Bộ Tài chính Anh sau đó cho biết quyền rút vốn đặc biệt bổ sung sẽ giúp các nước nghèo hơn “chi trả cho những nhu cầu thiết yếu như vaccine và nhập khẩu thực phẩm, đồng thời cải thiện vùng đệm của các thị trường mới nổi và các nước có thu nhập thấp”.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, người chủ trì cuộc họp, nói rằng thỏa thuận này “mở đường cho một hành động điều phối quan trọng nhằm hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới, nhằm đảm bảo rằng không quốc gia nào bị bỏ lại trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19”.

Ban điều hành IMF dự kiến sẽ thống nhất về biện pháp này tại cuộc họp mùa Xuân đang diễn ra. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ bao nhiêu trong tổng số 650 tỷ USD sẽ được phân bổ đến các nước đang phát triển, bao gồm cả các nước ở châu Phi - những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc đóng cửa biên giới trên toàn cầu, khiến nhiều nước rơi vào cảnh nợ nần dường như không thể trả được.

Phân bổ quyền rút vốn đặc biệt là các giao dịch tài chính phức tạp. SDR là một loại tiền tệ trên lý thuyết của IMF, sự kết hợp của một rổ gồm 5 loại tiền tệ quốc gia chính trong thế giới thực – đó là các đồng USD, euro, nhân dân tệ, yen Nhật và bảng Anh. IMF sử dụng loại tiền tệ này làm cơ sở cho các khoản vay khẩn cấp của mình.

Việc phân bổ các SDR mới có hiệu lực giống như cung cấp hạn mức tín dụng cho các quốc gia. Các nước chỉ cần đưa khoản SDR được phân bổ vào nguồn dự trữ của mình mà không cần phải chi tiêu. Điều này có nghĩa là các nước này sẽ không phải trả lãi suất cho khoản tiền phân bổ này hoặc họ có thể thanh lý chúng. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, họ sẽ phải trả lãi suất.

SDR được phân bổ dựa theo quy mô nền kinh tế của một quốc gia và đóng góp của quốc gia đó vào dự trữ của IMF, vì vậy, các quốc gia giàu hơn sẽ nhận được nhiều hơn. Tuy nhiên, những quốc gia giàu có hơn không cần khoản phân bổ này có thể chuyển chúng cho những quốc gia nghèo hơn.

Đã có 6 quốc gia giàu có quyết định quyên góp SDR của họ ngay cả trước khi đề xuất mới về việc phân bổ được đưa ra, theo đó những nước này cung cấp 9,6 tỷ USD trong tổng số 16,9 tỷ USD được huy động để hỗ trợ các nước đang phát triển với lãi suất bằng 0 thông qua một sáng kiến của IMF.

Mặc dù vậy, việc phân bổ SDR trị giá 650 tỷ USD đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số thì hoan nghênh, trong khi số khác cho rằng số tiền này quá nhỏ. Ví dụ như LHQ muốn nâng khoản tiền này lên tới 2.000 tỷ USD, trong khi Diễn đàn châu Phi và Mạng lưới Nợ và Phát triển cùng với 250 tổ chức phi chính phủ và các công ty khác kêu gọi phân bổ 3.000 tỷ USD. Họ nhấn mạnh rằng đây là điều cần thiết để giải quyết các khoản nợ liên quan đến đại dịch COVID-19 của thế giới đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi.

Tuy nhiên, số tiền 650 tỷ USD rõ ràng là mức tối đa mà Mỹ với quyền phủ quyết có thể thông qua mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội. Đảng Cộng hòa kiên quyết phản đối điều này vì cho rằng nó sẽ mang lại lợi ích không cân xứng cho những nước như Iran và Trung Quốc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả