PGS.TS. Trần Đình Thiên: 'Lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cũng cần định nghĩa thế nào là bình thường mới'
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, chính trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cũng cần định nghĩa thế nào là bình thường mới. Nếu không làm rõ được thì e rằng những lựa chọn chính sách trong tương lai sẽ dễ dãi, không thoát được lối quản lý cũ.
Vào sáng 9/6, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã tổ chức buổi tọa đàm "Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu COVID-19", với sự góp mặt của lãnh đạo Hiệp hội, các chuyên gia kinh tế vĩ mô, các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, kiến trúc, xây dựng, luật sư và lãnh đạo các doanh nghiệp.
Đại dịch COVID-19 khiến thị phần khách quốc tế giảm, nhưng xu thế tất yếu là sự gia tăng của thị phần du lịch nội địa, mở ra nhiều cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc..., khi có quy hoạch đồng bộ, tầm nhìn dài hạn, đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhìn về tiềm năng, thị trường ở những khu vực này còn dư địa phát triển rất lớn, do khả năng khai thác dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao, nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi thuế…
Trên cơ sở đó tọa đàm sẽ luận bàn, phân tích xu hướng phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, trong đó trọng tâm thảo luận về cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu COVID-19.
Thông qua đó, chia sẻ kinh nghiệm phát triển những sản phẩm bất động sản của các thương hiệu lớn, uy tín, tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc...
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, trong thời gian vừa qua, Việt Nam có những khu vực "lột xác" về hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, như Phú Quốc hay mới nhất là Vân Đồn. Kéo theo đó là sự sôi động của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở những khu vực này.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VNREA lưu ý rằng thị trường cần thêm nhiều sản phẩm đẳng cấp, các điểm đến hấp dẫn, các khu du lịch có thương hiệu mạnh với quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế để níu chân du khách.
Đồng thời, cần hoàn thiện hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế điều tiết cho thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, qua đó tạo ra một nền tảng vững chắc giúp thị trường phát triển nhanh chóng trong dài hạn.
Trong khi đó, PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng chính trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cũng cần định nghĩa thế nào là "bình thường mới". Nếu không làm rõ được thì e rằng những lựa chọn chính sách trong tương lai sẽ dễ dãi, không thoát được lối quản lý cũ.
"Cách hồi phục và tạo nền kinh tế mới rất quan trọng. Việc cứu doanh nghiệp có năng lực, doanh nghiệp mạnh là rất quan trọng. Hai lựa chọn ưu tiên của bình thường mới theo quan điểm của tôi là khác với cách truyền thống. Chúng ta cần nhìn nhận rằng, thời điểm này như một cơ hội khó tìm để đạt được sự thay đổi căn bản trong nền kinh tế", ông Thiên nói.
Theo ông Thiên, bình thường mới của Việt Nam chưa được định nghĩa một cách rõ nét. Bình thường mới có nghĩa là Việt Nam đang có những cơ hội gì? Những hấp dẫn đang có và có cơ hội vượt trước không? Thứ nữa là bình thường mới là có phù hợp với thế giới hay không, có xung đột và liên kết phát triển toàn cầu hậu COVID-19 sẽ thế nào?.
Ngoài ra, PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng lưu ý thêm rằng điều cần bàn không chỉ là hệ thống kết nối chuỗi gắn với không gian mà còn cần gắn với công nghệ nữa. Đặc biệt nghỉ dưỡng của Việt Nam phải gắn với chuỗi vừa về không gian, vừa về đẳng cấp.
Việt Nam 3 năm liền là điểm sáng thực sự giữa bối cảnh kinh tế bất ổn, thị trường ổn định, có sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Trong điểm sáng này, Quảng Ninh đang chính là tâm điểm với 3 năm liền tăng trưởng kinh tế là hai chữ số, thay Đà Nẵng trở thành điểm có nhiều sức hút với nhiều nhà đầu tư.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Quảng Ninh và cũng như đưa Vân Đồn trở thành điểm sáng và biểu tưởng quốc gia, ông Thiên khuyến nghị Nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ để các doanh nghiệp 'bơm' thêm vốn vào đầu tư ở Quảng Ninh trong khi chính quyền địa phương cũng phải lập ra các kế hoạch dài dạn để hiện thực hóa điều đó.
"Chúng ta phải mời những người có tiềm lực về tài chính, cũng phải đẳng cấp, chứ không thể thu hút người thu nhập thấp. Vân Đồn không thể làm du lịch cộng đồng được. Vân Đồn đã thay đổi rất nhiều khi Sun Group đầu tư sân bay tại đây. Nhưng sân bay Vân Đồn phải kết nối những toạ độ du lịch đẳng cấp nhất. Muốn Vân Đồn trở thành thương hiệu của Việt Nam thì nơi đây buộc phải thu hút du khách đẳng cấp. Muốn Vân Đồn trở thành biểu tượng du lịch quốc gia, cần phải có sự thay đổi mang tầm tư duy mới", ông Thiên khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận