24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ông Võ Quốc Thắng: “Điều mà chúng tôi cần lúc này là giảm lãi suất đối với các khoản đã vay”

Chia sẻ tại hội thảo “Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn COVID-19” các doanh nghiệp nhìn nhận được tính tích cực của chính sách giãn nộp thuế… mà Chính phủ đang áp dụng. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiến nghị về các chính sách cho vay và cho rằng gói hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng gì nhiều.

Không hạ chuẩn cho vay vì sẽ dẫn đến nhiều hệ quả xấu

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đồng Tâm đánh giá, điểm tích cực của chính sách hỗ trợ từ Chính phủ thời gian qua là giãn nộp thuế. Chính sách này rất thiết thực ở thời điểm này.

Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo “Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn COVID-19” vừa mới diễn ra tại TP.HCM, ông Thắng cũng cho rằng, với gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng vẫn chưa đến tay doanh nghiệp nhiều. Lý do là mức giảm lãi suất cho vay chỉ 0,2%-0,5%/năm thực sự không có ý nghĩa trước những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải.

“Điều mà chúng tôi cần lúc này là giảm lãi suất đối với các khoản đã vay. Hiện có một số ngân hàng chấp nhận hy sinh lợi nhuận để giảm mạnh lãi suất đối với các khoản vay của doanh nghiệp” - ông Thắng bày tỏ.

Trong khi đó theo ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM, chính sách giãn thuế giá trị gia tăng không áp dụng cho doanh nghiệp có hàng nhập khẩu. Điều này là không công bằng, vì hàng ngàn container vừa nhập về cảng phải đóng ngay loại thuế này, trong khi doanh nghiệp rất cần giãn thuế trong khi thời điểm khó khăn do dịch. Vì vậy, Chính phủ cần cho phép giãn thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu.

Về vấn đề vay vốn ngân hàng, ông Trần Việt Anh cho biết, điểm sáng trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát đối với ngành nhựa là sản phẩm khẩu trang, găng tay cao su… có nhu cầu tăng cao và giá tốt. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm này lại thiếu vốn để mua nguyên liệu và họ đã để tuột mất cơ hội này.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM, đối với các đơn vị phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, có xuất khẩu thì cần có chính sách cho họ vay USD để có thể nhanh chóng ổn định đầu vào, nhập máy móc kịp thời nhằm nắm bắt cơ hội mua nguyên liệu giá đang giảm rất mạnh. Ngân hàng chỉ cần xem quá khứ của doanh nghiệp đó một quý trước, nếu không có nợ xấu, dòng tiền tốt, có nguồn thu ngoại tệ thì có thể tăng hạn mức cho vay USD lên.

Liên quan đến câu chuyện cải thiện dòng tiền để tái kích hoạt cỗ máy kinh doanh, Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng Đại học quốc gia TP.HCM (VNUHCM-IBT) cũng đưa ra một đề xuất khá táo bạo, cần cân nhắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu lạm phát 4% của năm 2020 để giúp Ngân hàng Nhà nước có dư địa lớn cho việc nới lỏng tiền tệ và cắt giảm lãi suất.

Thậm chí, không chỉ dừng lại ở lãi suất liên ngành mà phải đảm bảo tác động làm giảm mạnh hơn nữa lãi suất cho vay kể cả lãi suất của các món nợ cũ.

Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp Ban kinh tế trung ương nhận định, lạm phát của 2020 ở mức thấp.

Dịch Covid-19 xảy ra, tín dụng tăng thấp và lạm phát cơ bản tiếp tục bị kéo xuống, vì thế, áp lực lạm phát 2020 không đáng kể. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ khó có thể nới lỏng bởi chính sách tiền tệ của ngân hàng luôn thận trọng và được kiểm soát. Và muốn kích cầu tín dụng trong bối cảnh dịch bệnh là không dễ. Do đó, quay lại vấn đề lãi suất có giảm tiếp nữa hay không còn tùy thuộc vào cung-cầu vốn của thị trường.

Trong khi đó, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, các ngân hàng cũng muốn đổ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng đa phần năng lực doanh nghiệp yếu, minh bạch tài chính không có nên ngân hàng không dám cho vay, bởi tiền lệ cũng đã xảy ra chuyện cho vay rồi để lại nợ xấu phải giải quyết.

“Ngân hàng Nhà nước cam kết đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế, có thể xem xét nới thêm hạn mức tín dụng, tạo khả năng cho vay cho các ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay vì sẽ dẫn đến nhiều hệ quả xấu, rủi ro cho nền kinh tế” - ông Tú nói.

Sẽ nghiên cứu cho phép doanh nghiệp chuyển lỗ về năm trước

Để giải quyết vấn đề khó tiếp cận vốn của doanh nghiệp, TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, đề xuất dịch chuyển rủi ro của chủ nợ về phía Chính phủ thông qua các chương trình bảo lãnh tín dụng; thực hiện bảo lãnh tín dụng đóng vai trò tương tự như bảo hiểm tiền gửi.

Đối với chính sách tài khóa ngắn hạn, TS Sơn khuyến nghị Chính phủ cần cho phép doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hạch toán đầy đủ chi phí và các khoản có liên quan đến tiền lương, tiền công phát sinh trong năm 2020. Điều kiện để được hưởng chính sách này là không được sa thải người lao động và không được giảm lương người lao động trong năm 2020 và 2021.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng cũng đề xuất, Bộ Tài chính nghiên cứu cho phép doanh nghiệp chủ động chuyển lỗ về năm trước (2019 và 2018) hoặc năm sau (2021, 2022 và 2023) trong hạn định 5 năm. Từ đó, góp phần tạo dòng tiền vào cho doanh nghiệp do được hoàn thuế và ngăn dòng tiền ra do giảm thuế thu nhập.

Trao đổi về đề xuất chuyển lỗ, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn - Tổng Cục thuế cho rằng: "Năm 2007, khi Bộ tài chính nghiên cứu về thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đã đặt ra vấn đề: Liệu có nên chuyển lỗ về trước? Tuy nhiên, chúng tôi đã không kiến nghị áp dụng vì trên thế giới có ít nước thực hiện cách này".

Ngoài ra, với xu hướng M&A diễn ra thường trực khiến doanh nghiệp thay đổi chủ sở hữu, kéo theo cách tính thuế cũng sẽ không còn giống nhau vì chủ sở hữu khác nhau. “Nếu doanh nghiệp không đổi chủ sở hữu thì quy định chuyển lỗ rất tốt, đảm bảo bền vững trong tương lai”, ông Phụng nói và cho biết, Tổng cục thuế sẽ nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Tại hội thảo, ông Phụng cũng cập nhật tình hình lũy kế thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2020 đạt 506.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 441.000 tỷ đồng. “Phải ghi nhận rằng doanh nghiệp lớn rất gương mẫu, chênh lệch quyết toán thuế quý I/2020 trong lúc dịch đã nhanh tay nộp cho ngân sách Nhà nước. Đây là sự chia sẻ của doanh nghiệp lớn đối đất nước”, ông Phụng nhấn mạnh.

Giải ngân đầu tư công năm 2020 lên đến 700.000 tỷ đồng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng giá trị đầu tư công của kế hoạch năm 2020 cộng với tất cả các nguồn được chuyển từ các năm trước sẽ giải ngân trong năm 2020 sẽ lên đến 700.000 tỷ đồng. Trong đó, kết quả giải ngân đầu tư 4 tháng đầu năm 2020 đạt trên 18% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Đầu tư là một trong các thành tố quan trọng cấu phần nên giá trị của GDP. Đầu tư bao gồm đầu tư của nhà nước, đầu tư của tư nhân và đầu tư của FDI. Trong bối cảnh dịch Covid -19 vừa qua, đầu tư của tư nhân có bị ảnh hưởng ít nhiều, đầu tư FDI cũng bị ảnh hưởng nhưng cũng có sự thay đổi trong trung hạn nếu có sự dịch chuyển dòng vốn trên thế giới vào Việt Nam, còn đầu tư công thì Chính phủ có thể điều hành trong ngắn hạn.

Đầu tư công sẽ tác động đến chi tiêu của Chính phủ và giá trị GDP trong ngắn hạn, còn trong dài hạn, việc đẩy mạnh đầu tư công đồng nghĩa với việc các dự án hạ tầng sẽ được đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành thúc đẩy phát triển nền kinh tế đặc biệt là các dự án hạ tầng lớn hạ tầng giao thông đường cao tốc hay cảng Long Thành…

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những chính sách rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Theo thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tín hiệu tích cực của giải ngân hàng đầu tư công trong 4 tháng đầu năm 2020 là do tác động tích cực từ Luật Đầu tư công năm 2019, hiệu lực từ 01/01/2020 đã tháo gỡ cơ bản được 2 vấn đề về giao và điều chỉnh kế hoạch linh hoạt hơn.

Để từ nay đến cuối năm có thể giải ngân 100% vốn đầu tư công của cả năm là 700.00 tỷ đồng, các chủ đầu tư phải đôn đốc các nhà thầu thúc đẩy thi công các dự án. Khối lượng công việc này phải thực hiện các thủ tục về thẩm định thẩm tra và hoàn thành hồ sơ…, các khâu trong mắt xích chuỗi thủ tục này không được chậm trễ. Chỉ cần một người không ký văn bản hay một khâu không thực hiện thì toàn bộ khối lượng công việc sẽ bị chậm lại.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn các cấp triển khai thực hiện phải hết sức quan tâm khâu thủ tục, có trách nhiệm hơn trong việc đẩy nhanh tiến độ các thủ tục để làm sao thực hiện được giải ngân nhanh hơn nữa”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả