Ông Trump thắng cử, nhóm cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi?
Thật tình cờ là thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có diễn biến tốt trong thời kỳ ông Trump nắm quyền, tương tự thị trường Mỹ. Vậy trong giai đoạn này, các nhóm cổ phiếu nào đã lên ngôi?
3 rủi ro với thị trường
Chia sẻ tại Hội thảo "Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm" do Báo Đầu tư tổ chức, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết: "Tôi lạc quan về thị trường chứng khoán cho nửa cuối năm, xuất phát từ 4 yếu tố tích cực".
Thứ nhất, chúng ta đang tiến gần tới thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Thứ hai, nền kinh tế đang phục hồi.
Thứ ba, đồng pha với sự phục hồi của nền kinh tế, các doanh nghiệp niêm yết, tạm gọi là nhóm doanh nghiệp tốt nhất của nền kinh tế hiện nay, cũng sẽ phục hồi lợi nhuận. Chúng tôi ước tính trong năm 2024, các doanh nghiệp niêm yết sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20% và khoảng 15% trong năm 2025.
Thứ tư, yếu tố cuối cùng, dù lãi suất có xu hướng tăng lên nhưng mức độ tăng lên từ nay tới cuối năm không quá nhiều. Nếu lãi suất từ nay tới cuối năm có tăng thêm từ 50-70 điểm cơ bản thì vẫn thấp hơn giai đoạn Covid.
"Như vậy, trong giai đoạn mà các kênh đầu tư khác chưa có sự phục hồi mạnh mẽ thì chứng khoán vẫn là kênh mà nhà đầu tư cá nhân lựa chọn. 4 yếu tố này theo tôi sẽ giúp VN-Index duy trì đà tăng lên mức 1.350 điểm", bà Hiền nhấn mạnh.
Tuy nhiên có 3 rủi ro cần lưu ý: lạm phát, tỷ giá và nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ đầu năm tới nay, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng khỏi thị trường 1,6 - 1,7 tỷ USD. Điều này xuất phát từ việc tỷ giá đang yếu đi và lãi suất của Fed vẫn cao hơn, đồng thời xuất phát từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam không có nhiều hàng hoá.
"Điểm hấp dẫn khẩu vị đầu tư chính là hàng hoá trên thị trường. Trong 2 - 3 năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng cổ phiếu thuộc các nhóm bán dẫn, công nghệ thì thị trường chúng ta gần như không có hàng hoá. Tôi lo ngại vấn đề này sẽ không được giải quyết trong tương lai gần. Vì vậy, rủi ro nhà đầu tư nước ngoài rút ròng sẽ là một gánh nặng với thị trường", bà Hiền cho biết.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Ông Trump đắc cử và các tác động
Thảo luận về một trong những vấn đề được giới đầu tư quan tâm bậc nhất hiện nay là việc cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử thì thị trường sẽ như thế nào, khối nghiên cứu MBS đã thực hiện thống kê cho thấy, các nhà đầu tư phố Wall rất kỳ vọng ông Trump tái đắc cử, bởi trong 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump, chỉ số S&P 500 có diễn biến tốt hơn rất nhiều so với các nhiệm kỳ tổng thống khác.
Hiện nay, nhà đầu tư phố Wall đang có trào lưu mang tên “Trump trade”, tức là đầu tư theo những ngành hưởng lợi dưới thời kỳ ông Trump nắm quyền, bao gồm các lĩnh vực bất động sản, tài chính, năng lượng truyền thống. Các nhà đầu tư hạ kỳ vọng tại các ngành năng lượng tái tạo, nhóm ngành tiện ích - utilities (khí đốt, nước, điện…).
"Thật tình cờ là thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có diễn biến tốt trong thời kỳ ông Trump nắm quyền. Chúng tôi thống kê, trong năm đầu tiên ông Trump đắc cử, VN-Index tăng 58%, 2 năm sau đó tăng 46% và cuối nhiệm kỳ của ông Trump thì Covid bùng phát nhưng tổng kết sau 4 năm, VN-Index vẫn tăng 65%.
Sau 2 năm ông Trump đắc cử, các ngành diễn biến tốt tại thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là các ngành ngân hàng, dầu khí và công nghiệp… Tức là các ngành cổ phiếu truyền thống", bà Hiền chia sẻ.
Những điều diễn ra trong quá khứ không chắc sẽ diễn ra trong tương lai, nhưng các nhà đầu tư sử dụng số liệu trong quá khứ để dự đoán tương lai, nên đây cũng là thống kê thú vị để nhà đầu tư theo dõi.
Quay trở lại câu chuyện đầu tư gì trên thị trường chứng khoán trong nửa sau năm 2024, bà Hiền cho rằng, ngoài yếu tố phục hồi, qua đáy, cần tập trung vào yếu tố định giá. Nhiều nhóm ngành sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận bằng lần, gấp 2-3 lần so với nền thấp của năm trước, nhưng những thông tin này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.
"Tôi nghĩ rằng đó không phải cơ hội hấp dẫn. Thay vào đó có những cổ phiếu cơ bản, mức độ tăng trưởng ổn định khoảng 20% mỗi năm, nhưng khi thị trường điều chỉnh đã giúp định giá ở mức hấp dẫn. Chúng ta nên lưu ý những cổ phiếu này", bà Hiền chia sẻ.
CTCK MBS ước tính, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang rơi vào khoảng PE 14,5 lần. Các cổ phiếu vốn hoá lớn PE khoảng 13 lần, vốn hoá vừa và nhỏ PE 17 lần. Điều này có nghĩa là trong các đợt tăng mạnh vừa qua của thị trường, nhà đầu tư đã phần nào bỏ quên các cổ phiếu vốn hoá lớn với mức độ tăng trưởng lợi nhuận ổn định, khiến các cổ phiếu này có định giá thấp hơn.
"Tôi cho rằng về cuối năm, các cổ phiếu vốn hoá lớn, tăng trưởng ổn định, định giá thấp hơn thị trường chung sẽ là cơ hội đầu tư, tích luỹ trong thời điểm này", bà Hiền cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận