Ông Trần Trương Mạnh Hiếu (KIS): “Thị trường sẽ duy trì xu hướng tăng trong quý 3/2019”
“GDP vẫn đang tăng trưởng trong môi trường lạm phát thấp hàm ý về sự hỗ trợ cho giai đoạn phục hồi hiện tại. Do đó, tôi cho rằng thị trường sẽ duy trì xu hướng tăng trong quý 3/2019, mục tiêu với VN-Index trong ngắn hạn là vùng 990-1,000 điểm”, ThS Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm Chiến lược hị trường, CTCK KIS Việt Nam chia sẻ.
GDP vẫn đang tăng trưởng trong môi trường lạm phát thấp hàm ý về sự hỗ trợ cho giai đoạn phục hồi hiện tại. Do đó, tôi cho rằng thị trường sẽ duy trì xu hướng tăng trong quý 3/2019, mục tiêu với VN-Index trong ngắn hạn là vùng 990-1,000 điểm. Trong trung và dài hạn có thể quay lại vùng đỉnh tháng 07/2018 và tháng 10/2018, tức vùng 1,010-1,050 điểm.
Trong một kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt lại vùng đỉnh cũ tháng 3/2019 từ 1,000-1,020 điểm trong quý 3 và HNX-Index có thể quay lại đỉnh tháng 3/2019 vùng 110-112 điểm. Thanh khoản dự kiến sẽ được cải thiện so với đầu năm và có thể đạt trên 4,500 tỷ đồng/phiên.
Ông có thể chia sẻ rõ hơn những yếu tố nào sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán trong quý 3?
Tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm sẽ là yếu tố ảnh hưởng chính đến thị trường. Trong năm 2019, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vào khoảng 6.8%, xếp thứ 2 trong khối ASEAN sau Campuchia (7%), đây cũng là mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ. Tuy nhiên trước áp lực từ các yếu tố bên trong và bên ngoài (như chiến tranh thương mại) có thể tạo áp lực không nhỏ với tốc độ tăng trưởng hiện tại.
Diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ là yếu tố bên ngoài ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán trong quý 3. Hiện, Mỹ và Trung Quốc đã nối lại đàm phán thương mại và cho thấy những tín hiệu tích cực về khả năng sẽ có một thỏa thuận giữa hai nước, qua đó chấm dứt tranh chấp.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nhận định hai bên có thể nhanh chóng đạt được thỏa thuận, rủi ro đến từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung còn rất lớn và khó lường, vì thế nhà đầu tư cần thận trọng và nên chuẩn bị những kịch bản khác nhau.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần theo dõi liệu tốc độ tăng trưởng GDP có đạt mục tiêu của chính phủ đề ra hay không? Nếu tăng trưởng chững lại hoặc yếu đi sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường.
Thị trường chứng khoán nửa đầu năm nay không mấy sôi động, ông nhận định đâu là nguyên nhân xảy ra tình trạng này?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thanh khoản thị trường nửa đầu năm không mấy sôi động.
Thứ nhất, trong nửa đầu năm thị trường chứng khoán thường đi ngang trong quá trình tích lũy với giai đoạn tăng giảm đan xen, qua đó tạo khó khăn không nhỏ cho nhà đầu tư trong quá trình dự đoán xu hướng. Vì thế, nhà đầu tư trở nên thận trọng và quan sát thị trường, vô hình chung làm ảnh hưởng đến thanh khoản.
Thứ hai, sự sôi động của thị trường bất động sản cũng góp phần không nhỏ ảnh hưởng đến thanh khoản. Bất động sản và chứng khoán là những kênh đầu tư, nếu xu hướng của thị trường chứng khoán là đi ngang thì hiện tượng “sốt đất” từ đầu năm lại tạo ra cơ hội không nhỏ với nhà đầu tư. Theo đó, một bộ phận nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch từ chứng khoán qua bất động sản.
Theo ông thì quý 3/2019, yếu tố nào sẽ kích thích thị trường sôi động trở lại?
Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ tạo tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư và thu hút dòng vốn quay trở lại thị trường.
Bên cạnh đó, chứng quyền có đảm bảo (CW), hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ được giao dịch sẽ tạo nên những sản phẩm mới đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhà đầu tư. Với tỷ lệ đòn bẩy cao, đây có thể là những sản phẩm thu hút dòng tiền không nhỏ trong tương lai tới.
Theo tôi, nếu so sánh về chỉ số P/E thì hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá rẻ hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia. Khả năng cao là khối ngoại sẽ tiếp tục mua ròng trong quý 3/2019.
Với Hiệp định EVFTA, ông đánh giá nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi ?
Hiệp định EVFTA sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các sản phẩm từ Việt Nam có thể xuất khẩu vào thị trường châu Âu với thuế suất hấp dẫn, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh so với các nước. Tuy nhiên, cần hiểu rằng các mặt hàng khác nhau sẽ được hưởng lợi khác nhau với hiệp định này.
Trong ngắn hạn, hiệp định này chưa mang lại những lợi thế lớn cho sản phẩm từ Việt Nam. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn khi thuế suất được giảm về 0% thì câu chuyện lại hoàn toàn khác, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Tôi cho rằng các ngành dệt may, da giày, và nông sản - rau quả sẽ được hưởng lợi chính.
Xin cám ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận