Ông Tất Thành Cang và những sai phạm tại 3 dự án nghìn tỷ ở TP.HCM
Ông Tất Thành Cang đã đồng ý bán rẻ 9 triệu cổ phiếu SADECO, ký tắt, duyệt “ẩu” 4 tuyến đường nghìn tỷ ở KĐT Thủ Thiêm, bán rẻ 32ha đất Phước Kiểng.
Chiều 16/12, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang, Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP Hồ Chí Minh, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM để điều tra hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Liên quan vụ án này, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với ông Phạm Nhật Vinh và ông Nguyễn Hữu Thành (cả hai đều là cổ đông của SADECO). Đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố tổng cộng 20 bị can để điều tra liên quan đến vụ việc.
Trước đó, HĐND TP.HCM cũng đã vừa tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Tất Thành Cang.
Theo hồ sơ điều tra của Công an TP.HCM, ông Tất Thành Cang với tư cách là Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) bán cổ phần tại công ty con SADECO.
SADECO là công ty có vốn góp của các cổ đông nhà nước gồm: công ty IPC, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Tân Thuận, Văn phòng Thành ủy TP.HCM và các tổ chức khác. Bên cạnh đó, SADECO có cổ đông chiến lược là công ty Nguyễn Kim.
Năm 2017, từ đề xuất tăng vốn, SADECO đã bán 9 triệu cổ phiếu giá rẻ của mình cho đối tác chiến lược Nguyễn Kim để thu về 360 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này được SADECO gửi ngân hàng lấy lãi. Trong khi đó, về sự việc này, năm 2018, cơ quan Thanh tra TP.HCM đã có kết luận chỉ ra rằng việc bán với giá chỉ có 40 ngàn đồng/cổ phiếu đã gây thiệt hại vốn nhà nước ít nhất 153 tỉ đồng.
Đồng thời, việc bán cổ phần này sai so với đề án tái cơ cấu của IPC nhưng lại được Phó Bí thư trường trực Thành ủy Tất Thành Cang chấp thuận.
Đáng nói là việc chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu cũng không thông qua đấu giá công khai, giá cổ phần cũng không được thẩm định hợp pháp. Thanh tra TP kết luận đây là việc chỉ định đối tác cổ đông chiến lược và chỉ định giá bán cổ phần.
Phi vụ bán chỉ định cổ phiếu giá rẻ nói trên còn giúp Nguyễn Kim sở hữu 34,6% vốn, thâu tóm hoạt động kinh doanh có lời của SADECO. Ngược lại, nhóm cổ đông nhà nước thì tỉ lệ sở hữu vốn tại SADECO đã giảm sâu.
Cụ thể: trước khi bán 9 triệu cổ phiếu, tỉ lệ sử hữu của IPC, Công ty Tân Thuận và Văn phòng Thành ủy lần lượt là 44%, 14,1%, 2,6%. Sau khi bán 9 triệu cổ phiếu, tỉ lệ còn lần lượt là 28,8%, 9,2%, 1,7%.
Ông Tất Thành Cang liên quan thế nào đến 32 ha đất Phước Kiển?
Năm 2009, UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) đầu tư dự án khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè). Đây là công ty có 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP. HCM.
Công ty Tân Thuận đã bồi thường được hơn 32ha đất. Tuy nhiên văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư của Công ty Tân Thuận hết thời hạn vào năm 2013. Tháng 4/2017, Công ty Tân Thuận gửi công văn đến Văn phòng Thành ủy TP. HCM xin hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai của Cường Đô la để thực hiện dự án.
Hai tháng sau khi công văn được gửi, Văn phòng Thành ủy TP.HCM có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang về chuyển nhượng 32ha đất ở Phước Kiển.
Theo đó, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang (khi đó) đã chấp thuận chủ trương giao hội đồng thành viên và tổng giám đốc Công ty Tân Thuận quyết định và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện việc chuyển nhượng 32ha đất cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai của gia đình Cường Đô la.
Công văn có lưu ý việc chuyển nhượng phải đảm bảo ngang giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng và tuân theo quy định pháp luật hiện hành.
Được sự chấp thuận trên, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai 32ha đất với giá bèo là 1.290.000 đồng/m2, tổng giá trị hơn 419 tỉ đồng. Giá chuyển nhượng này do Công ty Tân Thuận tự thẩm định.
Cuối năm 2017, cơ quan chức năng phát hiện giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thấp hơn so với giá thị trường, thấp hơn cả giá do Công ty Tân Thuận lập phương án bồi thường tiếp cho dân ở dự án khu dân cư Phước Kiển.
Cụ thể giá hai bên chuyển nhượng thấp hơn giá thị trường 478.000 đồng/m2. Sau đó, Văn phòng Thành ủy TP.HCM làm việc với Công ty Quốc Cường Gia Lai để điều chỉnh giá chuyển thành 1.768.000 đồng/m2 (chưa có VAT).
Thời điểm khu đất được bán, TP.HCM trống vị trí Bí thư Thành ủy do ông Đinh La Thăng được Bộ Chính trị điều động làm Phó ban Kinh tế Trung ương, còn ông Nguyễn Thiện Nhân chưa về TP HCM. Thành ủy lúc này do Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang điều hành.
Theo kết luận của Ban kiểm tra Thành ủy, ông Tất Thành Cang với vai trò phó bí thư thường trực Thành ủy đã đồng ý cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không báo cáo cho tập thể Thường trực Thành ủy và tập thể Ban thường vụ Thành ủy theo quy định về quy chế quản lý, sử dụng tài sản tại các công ty TNHH MTV thuộc sở hữu của Đảng bộ TP.HCM.
Việc chuyển nhượng đất không qua đấu giá trái với quy định tại nghị định 91 năm 2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và không đúng với nghị định 44 về giá đất.
Liên quan đến vụ việc, hôm 8/12, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, bắt giam đối với Trần Tấn Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Thuận và 3 đồng phạm.
Trước đó, hồi tháng 1/2020, 2 nguyên lãnh đạo Công ty đầu tư Tân Thuận là ông Trần Công Thiện, nguyên tổng giám đốc và ông Nguyễn Văn Minh, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tân Thuận cũng bị bắt về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Duyệt ẩu 4 tuyến đường nghìn tỷ ở Thủ Thiêm: Ông Tất Thành Cang chỉ bị phê bình
Tháng 8/2020, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM có thông tin báo chí về kết quả xem xét, thi hành kỷ luật đảng đối với vụ việc tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo đó, thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm liên quan quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm của 66 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm.
Ông Tất Thành Cang khi đó là Giám đốc Sở Giao thông vận tải bị xác định có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, nhưng do đến nay đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng nên Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM thống nhất kết luận phê bình.
Cụ thể, hồi 2013, khi còn làm giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ông Tất Thành Cang đã ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tư cách ủy viên UBND TP.HCM, thừa ủy quyền Chủ tịch UBND TP.HCM.
Theo quyết định phê duyệt dự án, bốn tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm có tổng chiều dài gần 12km, tổng mức đầu tư 12.182 tỉ đồng bao gồm cả chi phí dự phòng và chi phí lãi vay. Trong quyết định phê duyệt dự án, phần chi phí dự phòng có thêm mục dự phòng do thay đổi mức lương và bù giá nhiên liệu chiếm 634 tỉ đồng trong tổng mức đầu tư. Đây là phần chi phí được đưa vào sai quy định.
Ngoài ra, quyết định còn đưa vào tổng mức đầu tư một số chi phí khác không phù hợp với quy định pháp luật, tính toán khối lượng một số hạng mục công việc không đúng quy định, làm tăng tổng mức đầu tư của dự án hàng chục tỉ đồng.
Theo quy định, UBND cấp tỉnh chỉ được phê duyệt đầu tư cá
c dự án BT có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỉ đồng nhưng ông Tất Thành Cang thừa ủy quyền của chủ tịch UBND TP.HCM lại phê duyệt dự án 4 tuyến đường chính ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư trên 12.000 tỉ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận