Ông Hun Sen thúc giục Chính phủ Campuchia đẩy nhanh dự án Funan Techo
Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đề nghị chính phủ nước này đẩy nhanh việc xây dựng kênh đào Funan Techo để phát triển kinh tế.
“Tôi khuyến nghị thủ tướng và chính phủ mới không chờ đợi quá lâu. Nếu có thể sớm động thổ, hãy làm như vậy. Chúng ta cần nghĩ cho nền kinh tế. Chúng ta cần nghĩ về sự độc lập”, Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 16/5.
Ông cũng phủ nhận thông tin nói rằng kênh Funan Techo nằm trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.
“Dự án này hoàn toàn không liên quan gì đến sáng kiến Vành đai Con đường. Nó do Campuchia khởi động 100%”, ông nói.
Chủ tịch Thượng viện Campuchia khẳng định, kênh đào với mức đầu tư 1,7 tỷ USD sẽ mang lại nhiều lợi ích, như tiết kiệm thời gian đi lại và vận tải, tưới tiêu nước cho nông nghiệp, kiểm soát lũ, tạo sinh kế cho người dân địa phương và thúc đẩy du lịch ở vùng tây nam đất nước.
Kênh Funan Techo sẽ kết nối thủ đô Phnom Penh với tỉnh Kep. Dự án dự kiến được động thổ vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới, và sẽ hoàn tất sau 4 năm.
Công trình được triển khai theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT), sử dụng vốn của Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc, sẽ đi qua các tỉnh Kep, Kandal, Takeo và Kampot để tới thủ đô Phnom Penh.
Đầu tháng này, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol nói rằng dự án sẽ chỉ hút 5 m3 nước mỗi giây, tương đương 0,053% dòng nước sông Mekong.
Chủ tịch Thượng viện Campuchia cũng gạt bỏ cáo buộc rằng tuyến đường thủy này sẽ tiếp nhận các tàu chiến Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 9/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, những thông tin Việt Nam có được cho đến thời điểm này về dự án kênh đào Funan Techo chưa đủ để có thể đánh giá đầy đủ tác động của dự án.
“Chúng tôi mong muốn Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong, chia sẻ đầy đủ thông tin về dự án và tiến hành đánh giá chi tiết các tác động của dự án này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong, cũng như các biện pháp quản lý trung và dài hạn để bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia ven sông, quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên nước sông Mekong”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận