Ông chủ V+ ấp ủ dự án xây dựng chuỗi “đại siêu thị” hỗ trợ mặt bằng miễn phí cho hàng Việt
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình (Hòa Bình), sở hữu Trung tâm thương mại và siêu thị V+ đã đề xuất xây dựng một chuỗi các “đại siêu thị” V+ để cung cấp mặt bằng miễn phí cho các doanh nghiệp Việt bán hàng hóa nội địa tại 63 tỉnh, thành.
Tại Hội thảo khoa học “Liên kết - Hành động vì hàng Việt” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) tổ chức, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình (Hòa Bình) đã đề xuất xây dựng một chuỗi các trung tâm thương mại V+ để cung cấp mặt bằng miễn phí bán hàng hóa nội địa tại 63 tỉnh, thành.
Theo đó, từ năm 2015, Hòa Bình đã dành diện tích 25.000m2 tại tòa nhà Hòa Bình Green City tại 505 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội để làm Trung tâm thương mại và siêu thị (Trung tâm V+) cho các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng và miễn phí hoàn toàn tiền thuê mặt bằng. Việc này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có nơi trưng bày và tiêu thụ các sản phẩm của mình sản xuất. Toàn bộ diện tích Trung tâm thương mại V+ được thiết kế và xây dựng theo tư vấn của BigC, được Hòa Bình đầu tư xây dựng hết hơn 100 tỷ đồng.
Nói về lý do khiến Hòa Bình đưa ra kế hoạch hỗ trợ mặt bằng miễn phí cho các doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Đường cho biết, trên thế giới ai làm chủ hệ thống thương mại người đó sẽ điều tiết được sản xuất. Do đó, nếu người Việt Nam không nắm hệ thống phân phối thương mại, mà để cho các trung tâm phân phối nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài như Aeon, BigC thì Việt Nam sẽ không thể điều tiết được sản xuất.
“Từ tháng 1/2015, khi Trung tâm V+ đi vào hoạt động, hàng hóa ở đây được bán rẻ hơn so với BigC là 30%, việc miễn phí mặt bằng của trung tâm thương mại, siêu thị V+ đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh được với hệ thống siêu thị lớn như BigC”, ông Đường cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo khoa học “Liên kết - Hành động vì hàng Việt” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) tổ chức.
Sau khi thu được kết quả từ thực tiễn đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ sản phẩm, Công ty Hòa Bình đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội đề nghị được triển khai các trung tâm thương mại và siêu thị trên toàn quốc. Đồng thời, Công ty Hòa Bình cam kết miễn phí tiền thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp Việt, với giá trị hỗ trợ tương đương với 30% giá thành hàng hóa, do chi phí thuê mặt bằng tối thiểu là 30%.
Theo phân tích của ông Nguyễn Hữu Đường, nếu các doanh nghiệp Việt được hỗ trợ từ việc miễn phí mặt bằng, năm thứ nhất giá bán của hàng hóa nội địa sẽ được cân bằng với giá bán của hàng hóa nước ngoài. Từ năm thứ 2 chi phí sản xuất của hàng Việt sẽ giảm xuống 5%, năm thứ 3 giảm 10%, năm thứ 4 giảm 20%, năm thứ 5 chi phí sản xuất giảm được 30%. Như vậy chỉ sau 5 năm, khi chi phí sản xuất giảm 30%, đồng thời doanh nghiệp Việt được hỗ trợ miễn phí mặt bằng từ V+ (giá trị hỗ trợ tương đương 30%) thì giá thành của hàng hóa nội địa sẽ thấp hơn 30% so với hàng ngoại nhập cùng chủng loại.
Thêm vào đó, do chi phí nhân công ở Việt Nam thấp nhất châu Á, sau 5 năm hàng hóa Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh nhất trong khu vực. Tại các Trung tâm V+ cũng sẽ miễn phí mặt bằng cho các hàng hóa nhập khẩu mà Việt Nam chưa sản xuất được. Vì vậy tất cả các hàng hóa bán tại Việt Nam (cả hàng nội địa và nhập khẩu) sẽ rẻ nhất thế giới.
Cũng theo ông Đường, hệ thống V+ tại 505 Minh Khai, Hà Nội được BigC đặt hàng xây dựng và mua của Hòa Bình với giá 330 tỷ đồng xây thô, nhưng Hòa Bình làm chi phí chỉ hết 100 tỷ đồng, như vậy Hòa Bình có năng lực xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại với giá chỉ bằng 1/3 so với các doanh nghiệp đang làm.
Theo Đề án mà Công ty Hòa Bình xây dựng, Hòa Bình sẽ trả tiền đất và xây dựng các trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành theo chuẩn quốc tế. Toàn bộ các trung tâm thương mại và siêu thị sẽ sử dụng điện năng lượng mặt trời và địa nhiệt cho hoạt động. Các “đại siêu thị” sẽ xây dựng theo mô hình xanh, thân thiệt với môi trường. Vốn đầu tư hoàn toàn do doanh nghiệp bỏ ra. Nếu chủ trương đầu tư hệ thống siêu thị được chấp thuận, chỉ trong vòng 3-4 tháng sẽ xây dựng xong một siêu thị, trong cùng một thời gian Hòa Bình có thể xây dựng được 25 trung tâm thương mại, siêu thị. Tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM có thể xây dựng từ 2 đến 4 trung tâm thương mại, siêu thị lớn hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt đưa hàng hóa đến với người mua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận