Ông chủ mới của đội bóng Sông Lam Nghệ An kinh doanh thế nào?
Nhà tài trợ mới của CLB bóng đá Sông Lam Nghê An có hiệu quả kinh doanh cực thấp, giá vốn cao, tỷ lệ tài sản tiềm ẩn rủi ro cao nhưng vẫn liên tiếp trúng thầu.
Tập đoàn Tân Long trở thành nhà tài trợ mới của Sông Lam Nghệ An kể từ tháng 6/2021, và ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long cũng đồng thời giữ chức Chủ tịch CLB Sông Lam Nghệ An.
Trước đó, SLNA lâm vào một cơn khủng hoảng từ rất nhiều phía. Thế nhưng kể từ khi có Tân Long, đội bóng đã có thêm nền tảng về kinh tế và con người để thực hiện các mục tiêu của mình. Nhân sự việc này, Dân Việt phác họa đôi nét về bức tranh kinh tế của Tập Đoàn Tân Long.
Doanh nghiệp "số má" trong lĩnh vực xuất khẩu gạo Việt Nam
CTCP Tập đoàn Tân Long (Tân Long Group) tiền thân là Công ty Tân Long Vân, được thành lập từ năm 2000. Tại ngày 22/5/2018, số vốn điều lệ của công ty này ở mức 1.200 tỷ đồng. 5 tháng sau, doanh nghiệp tăng vốn lên mức 2.200 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến hiện tại. Trong đó ông Bá nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 88% vốn.
Năm 2018, Tập đoàn Tân Long đã vượt qua nhiều doanh nghiệp nổi tiếng về xuất khẩu gạo trên thế giới, qua đó thắng thầu xuất sang Hàn Quốc một gần 130.000 tấn gạo Japonica chất lượng cao, chiếm hơn 60% gạo nhập khẩu tại quốc gia này.
Trước đó, năm 2016, Tập đoàn Tân Long thắng gói thầu cung cấp gạo chất lượng cao cho chính phủ Hàn Quốc. Hợp đồng đầu tiên mang tính thăm dò thị trường chỉ ở mức 3.000 tấn gạo Japonica.
Đầu năm 2017, doanh nghiệp xuất tiếp gạo Japonica đi Hàn Quốc, quy mô gấp 10 lần đợt đầu tiên. Đợt hàng thứ hai mang về cho Tập đoàn Tân Long lợi nhuận khoảng ba triệu đô la Mỹ. "Làm gạo chưa ai lãi như vậy," ông Bá nói.
Ngoài ra, một trong những hợp đồng thương mại lớn Tập đoàn Tân Long thực hiện là mua 176.000 tấn điều thô từ Tanzania, quốc gia đông Phi. Tổng lượng mua hàng của Tập đoàn Tân Long ước tính chiếm khoảng 18% lượng điều thô nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018, theo thống kê của tổng cục Hải Quan.
Qua đó Tập đoàn Tân Long mau chóng trở thành nhà xuất nhập khẩu điều nguyên liệu lớn nhất Việt Nam, sản lượng 250.000 tấn trong năm 2019.
Việc liên tục trúng các gói thầu giá trị cao giúp cho doanh thu của Tập đoàn Tân Long trong những năm trở lại đây luôn duy trì ở mức hàng chục nghìn tỷ đồng, riêng năm 2019 đã lên đến 50.223 tỷ đồng (tương đương 2,1 nghìn usd) , tăng 32% so với năm 2018.
Tuy nhiên, dù doanh thu cao vút nhưng lợi nhuận Tập đoàn Tân Long trong năm 2019 chỉ vỏn vẹn 64 tỷ đồng tương đương đạt tỷ lệ LNTT/DT là 0,12%.
Tập đoàn Tân Long kinh doanh thế nào?
Vấn đề của Tập đoàn Tân Long ở chỗ giá vốn bán hàng quá cao, ở ngưỡng 49.334 tỷ đồng bào mòn hết lãi gộp, chỉ còn 890 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 1,77%, bằng khoảng 1/5 của các doanh nghiệp cùng ngành.
Lưu ý rằng, cùng năm 2019, chỉ số biên lợi nhuận gộp của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác như Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (UPCoM: VSF) là 8,75%, hay "vua gạo" An Giang (CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (HOSE: AGM)) là 8,49%, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) là 8,64%.
Ngoài ra, chi phí tài chính cũng là yếu tố mà Tập đoàn Tân Long cần phải lưu tâm, đặc biệt là khoản chi phí ngoài lãi vay lớn bất thường.
Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2019 Tập đoàn Tân Long cho thấy, chi phí tài chính gần 582 tỷ đồng (tăng 26% so với năm trước), trong đó chi phí ngoài lãi vay chiếm đến 86%, ở ngưỡng 468 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí bán và chi phí quản lí doanh nghiệp neo cao lần lượt ở mức 717 tỷ và 120 tỷ đồng khiến tổng chi phí hoạt động/doanh thu thuần 1,66%, thấp hơn rất nhiều so với các đơn vị cùng ngành như VSF (8,9%), AGM (6,79%), TAR (2,5%), LTG (12,7%)
Kết thúc năm 2019, Tập đoàn Tân Long ghi nhận lãi ròng 64 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2018. Tỷ suất sinh lợi trên doanh thu bình quân đạt 0,12%.
Tỷ suất sinh lợi thấp là điều doanh nghiệp không mong muốn. Nhưng xét ở khía cạnh khác, việc tạo ra lợi nhuận mỏng manh của Tập đoàn Tân Long đã hạn chế phần nào độ lớn của hóa đơn thuế. Chi phí cao bao gồm giá vốn hàng bán, chi phí hoạt động và chi phí tài chính đã đánh bay gần hết lợi nhuận của Tân Long. Nhờ đó, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ của Tân long chỉ 0 đồng.
Cùng kỳ năm 2019, khoản mục này tại VSF gần 5 tỷ đồng, AGM là 7 tỷ đồng, TAR là 8 tỷ đồng..
Về tài sản, tính tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản Tập đoàn Tân Long có hơn 23.834 tỷ đồng (khoảng 1,05 tỷ USD), cao hơn 5.241 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn gần 14.587 tỷ đồng, chiếm 62% tổng tài sản. Chiếm chủ yếu là khoản mục phải thu ngắn hạn khác với 5.924 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, nợ phải trả của Tập đoàn Tân Long lên đến 21.816 tỷ đồng, tăng 5.176 tỷ đồng, tương đương 31,1% so với cuối năm 2018. tỷ lệ nợ/vốn lên đến 11 lần.
Doang nghiệp không ghi nhận vay nợ dài hạn. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 3.061 tỷ đồng, trong năm 2019, công ty phải chi ra 114 tỷ đồng lãi vay.
Mặc dù duy trì tỷ lệ vay nợ ngân hàng thấp, khoảng 3,7% năm, nhưng các khoản phải trả, chiếm dụng vốn ngắn hạn của Tập đoàn Tân Long lớn, qua đó làm méo mó bức tranh tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra, với khoản phải thu ngắn hạn khác chiếm 24,85% tổng tài sản, cho thấy những rủi ro tài chính mà tập đoàn này đang phải đối mặt.
Bức tranh tài chính trên cho thấy, Tập đoàn Tân Long có hiệu quả kinh doanh cực thấp, giá vốn cao, tỷ lệ tài sản tiềm ẩn rủi ro cao nhưng nhiều người băn khoăn câu chuyện nhờ đâu Tân Long liên tiếp trúng thầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận