OceanBank 'chật vật' xử lý hàng ngàn tỷ đồng nợ xấu
Có khoản nợ xấu khiến Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) phải rao bán tài sản đảm bảo không dưới 10 lần, và giảm giá hơn 70% vẫn chưa xử lý được.
Khoản nợ xấu dai dẳng nhất mà OceanBank đang phải xử lý nằm tại Công ty TNHH Phát triển Việt Hiền khi đây là lần thứ 14 Ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu của Công ty này với giá khởi điểm gần 67 tỷ đồng, giảm 74% so với mức giá khởi điểm 262 tỷ đồng trong lần rao bán đầu tiên.
Tài sản bảo đảm của khoản vay này là toàn bộ hơn 6 triệu cp của CTCP Dệt may Đông Á thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát triển Việt Hiền cùng với ông Cao Minh Sơn và ông Trần Văn Vinh.
Việc khó xử lý khoản nợ xấu của Công ty TNHH Phát triển Việt Hiền là điều dễ hiểu khi OceanBank cũng đang phải rao bán tài sản đảm bảo lần thứ 4 để xử lý khoản nợ xấu hơn 1,025 tỷ đồng của CTCP Dệt may Đông Á với giá khởi điểm 730 tỷ đồng, giảm 27% so với mức giá khởi điểm 999 tỷ đồng trong lần rao bán đầu tiên.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này gồm 3.6 triệu cp của CTCP Đầu tư Phúc Thịnh do CTCP Dệt may Đông Á cầm cố; toàn bộ tài sản, các quyền tài sản đã, đang và sẽ hình thành trong tương lai từ dự án Đầu tư xây dựng khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở cao tầng, có địa điểm thực hiện dự án tại số 185 -189 Âu Cơ, phường 14, quận 11, TP HCM (HM:HCM) với diện tích 27,620 m2 do CTCP Dệt may Đông Á là chủ đầu tư; cùng với quyền sử dụng 50,000 m2 đất thuê trong khu công nghiệp dệt may Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra còn có quyền sử dụng đất nông nghiệp với tổng diện tích 78,430 m2 tại huyện Củ Chi theo 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên 7 hộ nông dân.
Bên cạnh đó, để xử lý khoản nợ xấu của CTCP Sản xuất Nhật Minh, OceanBank cũng thông báo đấu giá tài sản đảm bảo lần thứ 2 với giá khởi điểm gần 587 tỷ đồng, giảm 10% so với lần rao bán đầu tiên.
Khoản nợ xấu này được thế chấp bằng toàn bộ tài sản hình thành trên đất thuê của Dự án "Trung tâm đào tạo và huấn luyện thuyền viên" tại phường Long Bình, quận 9, TP HCM theo hợp đồng thế chấp tài sản giữa ba bên là CTCP Đông Phong, OceanBank và CTCP Sản xuất Nhật Minh.
Tài sản thế chấp thứ hai là toàn bộ 18 triệu cp của CTCP Đông Phong thuộc sở hữu của ông Trần Kim Thắng, bà Trần Bạch Lý và ông Trần Tiến Bình (tương đương 100% vốn điều lệ của CTCP Đông Phong).
OceanBank hiện tại là hậu quả đến từ những sai phạm của ông Hà Văn Thắm. Ngày ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank (thời bấy giờ là Ngân hàng TMCP Đại Dương) và Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) bị bắt đã để lại khoản nợ xấu hơn 14,000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 2.5 lần. Ngày 06/05/2015, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng và chuyển đổi loại hình từ Ngân hàng TMCP thành Ngân hàng TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và được giao cho Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) hỗ trợ tái cơ cấu. Đến đầu năm 2020, Oceanbank cho biết đã xử lý 1,766 tỷ đồng nợ xấu, vượt 47% kế hoạch trình NHNN phê duyệt. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận