OCB đặt mục tiêu lớn cho nhiệm kỳ mới
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra vào ngày 30/6 tới, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) sẽ trình cổ đông những mục tiêu kinh doanh rất lớn cho nhiệm kỳ mới 2020-2025.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vào ngày 30/6 tới đây. Tại sự kiện này HĐQT OCB sẽ trình cổ đông nhiều nội dung lớn đáng chú ý liên quan tới vấn đề nhân sự và kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Cụ thể, tại Báo cáo quản trị của HĐQT OCB, mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025 là đưa OCB vào nhóm Top 10 ngân hàng và phấn đấu là ngân hàng tốt hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ tiếp tục tăng đà tăng trưởng ở mức bình quân 20%/năm cho những năm tới, duy trì nợ xấu dưới 2%. Đồng thời, HĐQT cũng đặt mục tiêu duy trì dòng cổ tức tương đương 15-25%/năm cho các cổ đông. Một mục tiêu khác là kiện toàn mô hình quản trị doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế, đẩy mạnh việc phối hợp giữa công tác quản trị - điều hành - kiểm soát.
Đáng chú ý, kế hoạch kinh doanh nêu trên của OCB được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những tác động mạnh mẽ tới kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Về nhân sự, hiện nay cơ cấu HĐQT của OCB gồm 5 thành viên: ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT, ông Phan Trung - thành viên HĐQT, ông Ngô Hà Bắc - thành viên HĐQT, ông Lê Quang Nghĩa - thành viên HĐQT, ông Phan Vũ Tuấn - thành viên HĐQT độc lập.
Dự kiến nhiệm kỳ 2020-2025 HĐQT OCB sẽ có 8 thành viên, trong đó có tối thiếu 1 thành viên độc lập. Ban kiểm soát gồm 3 thành viên, trong đó có 2 thành viên chuyên trách. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, nhiệm kỳ của HĐQT và Ban Kiểm soát hiện nay sẽ kết thúc và cổ đông OCB sẽ bầu các thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát OCB nhiệm kỳ 2020-2025.
Ngoài ra, năm 2020, OCB đặt các mục tiêu kinh doanh cụ thể như sau: dự kiến tổng tài sản đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2019. Dư nợ thị trường 1 tăng 25% lên 90.549 tỷ đồng, tổng huy động vốn thị trường 1 tăng 21% lên 103.284 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến tăng 36% lên 4.400 tỷ đồng.
OCB cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 11.275 tỷ đồng, tức tăng 43% so với cuối năm 2019. Tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu là 25%.
Mới đây, OCB đã chào bán riêng lẻ cổ phần cho các nhà đầu tư với tổng giá trị 1.184 tỷ đồng. Trong đó, 868 triệu cổ phiếu phát hành cho Ngân hàng Aozora Nhật Bản (đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục với cơ quan nhà nước) và 316 triệu cổ phiếu đang được tiếp tục chào bán cho các đối tác khác.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, OCB cũng sẽ tiếp tục trình cổ đông phê duyệt thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), giao và ủy quyền cho HĐQT tất cả các thủ tục và ký kết giấy tờ liên quan đến việc niêm yết.
OCB sẽ trình cổ đông về việc thành lập công ty quản lý nợ và khai thác tài sản để tiếp nhận, quản lý và thu hồi các khoản nợ tồn đọng, đảm bảo kinh doanh an toàn và bền vững…. Công ty này dự kiến hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên, là công ty con do OCB đầu tư 100% vốn với số điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng.
Có thể thấy những mục tiêu kinh doanh nêu trên của OCB là vô cùng tham vọng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế thế giới và Việt Nam, hầu hết các ngân hàng đều đã điều chỉnh mục tiêu kinh doanh năm 2020 theo hướng thận trọng để phù hợp với tình hình thực tiễn, có ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận giảm, có ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận rất thấp hoặc không nhắc gì tới vấn đề cổ tức cho năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận