24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ồ ạt sản xuất điện mặt trời, rác thải pin mặt trời sẽ về đâu?

Các doanh nghiêp và cơ quan chức vẫn chưa tìm được cách xử lý…

Được đánh giá là một quốc gia đang dẫn đầu về tăng trưởng năng lượng tái tạo NLTT trong khu vực ASEAN Đồng nghĩa với việc Việt Nam phải đối mặt với vấn đề rác thải các tấm pin năng lượng mặt trời ngày càng cao .

Ồ ạt sản xuất điện mặt trời

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời (ĐMT) đã dẫn đến "cơn sốt" điện mặt trời trong thời gian qua để hưởng giá cao. Hơn nữa, nhiều dự án ĐMT cũng nhanh chóng được bổ sung thêm vào quy hoạch để tiến tới đấu thầu trong thời gian tới.

Tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000 MW. Trong đó, ĐMT khoảng 11.200 MW; Điện gió khoảng 11.800 MW…

Tính đến nay, toàn quốc đã đưa vào vận hành 102 dự án ĐMT với tổng công suất 6.314 MWp (tương đương 5.245 MWac). Trong đó, chỉ riêng trong quý II/2019 có gần 90 dự án ĐMT với tổng công suất khoảng 4.000 MWp được đưa vào vận hành. Đây là con số kỷ lục trong quá trình phát triển của ngành điện Việt Nam từ trước đến nay.

Theo đánh giá của ngành điện, Việt Nam là quốc gia đang dẫn đầu về tăng trưởng NLTT trong khu vực ASEAN. Bên cạnh đó là kỳ tích dẫn đầu Đông Nam Á về công suất điện mặt trời trong thời gian qua.

Đặc biệt, Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đối với điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), với cơ chế giá khuyến khích đã giúp Việt Nam đạt được hơn 1.000 MW chỉ trong vòng 2 năm qua đồng thời đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm..., góp phần làm cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết.

Dự kiến, tiềm năng ĐMTMN có thể lên tới gần 50.000 MW công suất; Tổng công suất điện mặt trời nói chung đã là trên 400 GWp…

Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh của EVN cho biết, điện mặt trời mái nhà tập trung phát triển ở một số khu vực, nhất là miền Trung và Nam đang khiến tập đoàn này gặp khó khăn về giải tỏa lưới. "Không dưới hai lần EVN đã phải cảnh báo về nguy cơ vượt khả năng giải tỏa công suất lưới điện ở các khu vực có nhiều dự án điện mặt trời nhỏ đầu tư ồ ạt", vị này nói.

Phương án xử lý pin rác thải còn mịt mờ

Ông Luyện Văn Hoạt, một nhà thầu chuyên xây lắp các hệ thống ĐMT cho biết, hầu hết các dự án ĐMT ở Việt Nam đều chưa có hệ thống xử lý rác thải Pin mặt trời (PMT) vì đây là một mô hình đầu tư mới, chưa có nhiều kinh nghiệm. Hơn nữa, trên thế giới cũng đang rất khó khăn về vấn đề này.

Phần lớn, khó khăn ở chỗ, PMT được cấu tạo phức tạp, chứa các kim loại như chì, đồng, nhôm với các tế bào năng lượng mặt trời làm từ tinh thể silicon và được bọc trong lớp nhựa dày để bảo vệ nên việc phân loại và xử lý rác phải đầu tư chi phí lớn, chưa kể các hóa chất sinh ra trong quá trình tái chế gây hại cho môi trường.

Vì vậy, doanh nghiệp chọn cách "cứ làm trước tính sau" bởi tuổi thọ của PMT lên đến 20-30 năm. "Biết đâu, trong thời gian đó chúng ta lại tìm ra phương án; Còn hiện tại, ưu tiên theo phương án số rõ nhất là trả lại phần rác thải PMT về nơi sản xuất sau khi hết hạn sử dụng’, ông Hoạt nói và cho biết thêm, để thỏa thuận trả rác thải PMT về nơi sản xuất, nhà đầu tư phải chi thêm một khoản tiền trong hợp đồng và điều khoản rõ ràng khi mua bán.

Ồ ạt sản xuất điện mặt trời, rác thải pin mặt trời sẽ về đâu?
Vẫn chưa có phương án hữu hiệu nhằm xử lý Pin mặt trời

Ông Hoạt cũng bày tỏ, việc xử lý rác thải PMT, cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng bởi đây không phải trách nhiệm của riêng dự án, nhà đầu tư mà là một tương lại phát triển ĐMT bền vững của đất nước.

Tương tự, EVN cũng cho biết, các dự án ĐMT của EVN đều ký hợp đồng với đơn vị cung cấp tấm pin với điều khoản nhà cung cấp sẽ thu hồi các tấm pin khi hết hạn sử dụng. "Hiện tại, Việt Nam đang nghiên cứu ứng dụng tái chế rác thải PMT, tuy nhiên, cần phải có lộ trình nên trả lại nơi sản xuất là phương án tốt nhất bây giờ", đại diện EVN chia sẻ.

Phân tích về vấn đề này, GS-TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã có công nghệ xử lý hiệu quả tấm pin NLMT. Theo nguyên lý, việc xử lý rác thải PMT giống như xử lý chất thải của thiết bị điện và điện tử hiện nay. Vì thế, nó không đến mức quá khó để thực hiện khi vấn đề này có thể là trở ngại của việc đầu tư ĐMT trong tương lai.

Theo GS-TS Long, phát triển ĐMT nhằm hỗ trợ bổ sung cho các nguồn điện khác trong giai đoạn thiếu hụt là đặc biệt cần thiết do thời gian thực hiện nhanh chóng, lại không phát thải như nhiệt điện; Không gây mất rừng, ảnh hưởng dòng chảy như thủy điện. Do vậy, việc quan tâm thúc đẩy phát triển công nghệ xử lý rác thải PMT sẽ giúp nguồn năng lượng này phát huy giá trị lớn.

Ngược lại, chủ quan, lơ là thì hệ lụy khôn lường bởi trong quy trình sản xuất các tấm pin mặt trời đều sử dụng các chất liệu nguy hiểm như acid sulfuric và khí phosphine độc hại, khi hết hạn sử dụng, nếu rò rỉ ra bên ngoài sẽ gây tác hại khó lường. Điều đáng nói, cho đến nay hầu như vẫn chưa có phương pháp nào để giảm những vấn đề về chất thải độc của pin mặt trời mà vẫn chỉ tính đến phương án trả rác thải PMT về nơi sản xuất…Dẫn chứng về sự độc hại, ông Long nêu rõ: Theo một kịch bản ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế, chất thải pin mặt trời sẽ lên tới 1,7 triệu tấn vào năm 2030 và tăng lên tới 60 triệu tấn vào 2050. Với nhiều kịch bản khác, lượng chất thải còn lớn hơn.

Chẳng hạn, từ năm 2012, tất cả quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã đưa quy định xử lý pin mặt trời vào luật với tên gọi "chương trình tuân thủ sản xuất". Trong đó, việc tái chế phải bảo đảm sử dụng công nghệ cho phép loại bỏ chì kim loại hoặc hàn chì, loại bỏ các chất độc hại trong lớp bán dẫn… Tại Mỹ, tuy không đưa vào luật nhưng các bang đều khởi động quá trình xây dựng quy định tái chế các tấm pin mặt trời khi kết thúc vòng đời.

Nhận định rác thải PMT gây ô nhiễm rất lớn, hơn cả ni-lông nếu không được xử lý, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: Không phải nhà sản xuất nào cũng cung ứng tấm pin chất lượng cao, đặc biệt, trong tình trạng đầu tư ồ ạt khó kiểm soát chất lượng như hiện nay khi vẫn chưa có đánh giá một cách chính xác về chất lượng PMT.

Mặt khác, kết hợp với khí hậu khắc nghiệt của Việt Nam dẫn đến tuổi thọ thực sự của tấm pin thường ngắn hơn cam kết. "Không loại bỏ trường hợp những tấm PMT kém chất lượng có tuổi thọ thực chỉ 2-3 năm thì cam kết sau 20 năm không còn ý nghĩa, điều này cũng tác động lớn đến việc xử lý rác thải", ông Ngãi bày tỏ.

Theo ông Ngãi, hiện công nghệ tái chế pin mặt trời của Việt Nam chưa đạt hiệu quả nên chỉ có một phương án được tính đến là chôn lấp, đòi hỏi rất nhiều đất. Theo tính toán, với 100 MW điện mặt trời thì cần 100 ha đất để chôn lấp, trong khi đó, tài nguyên đất đai ngày càng hạn hẹp. Ngoài ra, việc này ảnh hưởng mạnh đến nguồn nước, từ đó gây ảnh hưởng sức khỏe và môi trường. "Cần phải tính toán và lên phương án trong ngắn hạn, nếu không sẽ "trở tay không kịp" khi tình huống bất ngờ xẩy đến", ông Ngãi nhấn mạnh.

Trao đổi về vấn đề phát triển năng lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) Nguyễn Việt Dũng nhìn nhận: Nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng tăng cao với xu hướng phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức.

Thực tế cho thấy, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng. Trong cơ cấu năng lượng sơ cấp, tỷ lệ nhập khẩu năng lượng tăng ở mức 20% vào năm 2020 sẽ tăng lên 50% từ năm 2030. Để đáp ứng nhu cầu nêu trên, ngành năng lượng đòi hỏi phải đi trước một bước và phát triển bền vững. "Phát triển NLTT là một hướng đi đúng, tuy nhiên, vấn đề rác thải PMT đang là vấn đề khó khăn cần giải quyết, Bộ Công thương đã giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu để triển khai", ông Dũng cho hay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả