24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Vũ Tường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ồ ạt cho vay ngang hàng: Lo ngại biến tướng, rửa tiền, lừa đảo

Không thể phủ nhận những mặt tích cực mà P2P lending trong thời gian qua nhưng còn nhiều lo ngại biến tướng từ mô hình này như rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro gia tăng nợ xấu…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến Dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế” trước khi trình Chính phủ trong đó có đề cập đến hoạt động cho vay ngang hàng P2P Lending.

CÔNG TY TRUNG QUỐC TRÀN SANG VIỆT NAM

Ở Việt Nam, hoạt động cho vay ngang hàng bắt đầu xuất hiện từ 2016 nhưng có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng. Hiện nay cả nước có khoảng 100 công ty bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan ... Trong đó, một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia ...

Đặc biệt, các công ty P2P Lending của Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam.

Đáng lưu ý, các công ty P2P Lending ở Việt Nam hiện nay hầu như không hoạt động theo mô hình truyền thống, vốn được lưu chuyển thông qua nền tảng trung gian là P2P Lending.

Đối với khoản vay cá nhân, các công ty đưa ra các gói sản phẩm vay rất đa dạng như vay tín chấp theo lương, vay theo sổ hộ khẩu, vay theo đang ký xe máy, vay trả góp, vay theo hóa đơn điện nước, vay theo đăng ký xe ôtô, cầm ôtô, cầm sổ đỏ .... Đối với các khoản vay doanh nghiệp nhỏ như: Tài trợ các khoản phải thu, tài trợ bên mua hàng, tài trợ vốn lưu động, tài trợ thương mại điện tử ...

Đối tượng vay vốn trong mô hình P2P Lending chủ yếu là nhóm người lao động trẻ tuổi, có thu nhập thấp, không tiếp cận được tín dụng chính thức.

Theo thông tin của Công ty Tima, người đi vay từ công ty P2P Lending thường là lao động trẻ tuổi (86% khách hàng có độ tuổi 20-39 tuổi, 14% có độ tuổi 40-60); có thu nhập thấp (từ 3-dưới7 triệu đồng/tháng), chưa tiếp cận được vay vốn ngân hàng.

LO NGẠI BIẾN TƯỚNG, RỬA TIỀN, LỪA ĐẢO

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, hoạt động của mô hình P2P lending thời gian qua đã mang lại nhiều các ảnh hưởng tích cực như: Cung cấp thêm giải pháp tiếp cận nguồn vốn cho người có nhu cầu vay và đáp ứng nhu cầu vay linh hoạt của người vay; Đa dạng hóa kênh đầu tư với nguồn thu hấp dẫn; Góp phần mạnh mẽ đẩy lùi tín dụng đen.

Đẩy mạnh cải cách chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng trong lĩnh vực tài chính cũng như góp phần vào cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Tuy nhiên, có hiện tượng một số công ty P2P lending là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho công ty cầm đồ hoặc công ty cầm đồ hợp tác với công ty công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để công ty cầm đồ tìm kiếm người đi vay và thực hiện cho vay.

Một số đối tượng có thể lợi dụng sự biến dạng của mô hình kinh doanh chia sẻ P2P lending để thực hiện hành vi tội phạm, bất hợp pháp như rửa tiền, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính theo kiểu kinh doanh đa cấp…, đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay ở Việt Nam chưa có căn cứ luật pháp (Luật Đầu tư 2014, sửa đổi bổ sung 2020 không có quy định hoạt động cho vay ngang hàng) để điều chỉnh đối với hoạt động của đa phần các công ty Fintech, các công ty P2P lending chưa được cấp phép đầu tư và đăng ký kinh doanh.

Do chưa được cấp phép nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng thường đăng ký ngành nghề kinh doanh là kinh doanh dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện) tư vấn tài chính, môi giới tài chính và tự nhận là công ty P2P lending cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

Khuôn khổ quản lý pháp lý lĩnh vực Fintech ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình rà soát, sửa đổi bổ sung; Hệ sinh thái hoạt động đổi mới, sáng tạo công nghệ tài chính chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể (chính phủ, tổ chức tài chính và các doanh nghiệp Fintech, quỹ đầu tư, hạ tầng tài chính-viễn thông…).

“Mô hình P2P Lending nếu như không được quản lý, giám sát chặt chẽ thì có thể phát sinh các loại hình biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội. Nếu không được đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đúng mức thì có thể gia tăng rủi ro về các sự cố liên quan đến công nghệ thông tin. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ các chỉ số đảm bảo an toàn hoạt động thì có thể gia tăng rủi ro nợ xấu”, Báo cáo nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả