24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Huyền An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nút thắt 'thể chế'

Những thay đổi để giải quyết các điểm nghẽn trên sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Thập niên 1960, khi cả nước áp dụng mô hình hợp tác xã tập thể hóa, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - Kim Ngọc - đã sớm nhận ra những hậu quả của cách “quản lý bằng tiếng kẻng, rong công phóng điểm”, dẫn đến những cánh đồng chung xơ xác, nguy cơ thiếu đói hiển hiện.

Ông táo bạo thử nghiệm "khoán hộ", bản chất là trao ruộng đất trở về cho từng hộ nông dân; coi hộ nông dân là đơn vị cơ bản của sản xuất nông nghiệp, nhằm cải thiện tình hình sản xuất lương thực.

Giới chức trung ương ban đầu đã coi thử nghiệm "khoán hộ" của ông Ngọc là hành động trái với chủ trương chung và yêu cầu ngừng thực hiện mô hình này. Dù vậy, những kết quả tích cực mà nó mang lại cho nông nghiệp Vĩnh Phúc đã chứng minh hiệu quả của cách làm mới. Đến năm 1981, khi nền kinh tế Việt Nam đối diện với khủng hoảng nghiêm trọng, Chỉ thị 100 CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp được ban hành. Năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, hay còn gọi là Khoán 10. Khoán 10 thừa nhận "hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ" trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất đến phân phối, sử dụng sản phẩm.

Những quyết định quan trọng này đã giúp Việt Nam từ chỗ thiếu gạo ăn vươn mình thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Đó là một ví dụ sinh động cho việc cải cách thể chế.

Lý thuyết về thể chế cho rằng các thể chế chính thức gồm những quy định và chuẩn mực pháp lý như hiến pháp, luật pháp, và các chính sách. Chúng thiết lập khung pháp lý và hướng dẫn hành vi của các cá nhân, tổ chức, nhằm đảm bảo ổn định, thúc đẩy kinh tế và hỗ trợ phát triển xã hội. Những thể chế này không phải bất biến mà cần thay đổi và cải tiến để phù hợp với các nhu cầu của xã hội trong những tình huống cụ thể và bối cảnh mới.

Giải Nobel Kinh tế năm nay cũng trao cho các nhà kinh tế nghiên cứu những giải pháp giảm nghèo đói. Từ ví dụ thực tế tại những vùng lãnh thổ hay những quốc gia nếu được áp dụng các thể thức khác nhau cũng hình thành những sự giàu nghèo và trật tự xã hội khác nhau, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng bằng cách hiểu rõ bản chất của nghèo đói và áp dụng cải cách chính sách thiết thực, quốc gia có thể tạo ra các cải tiến đáng kể về kinh tế - xã hội. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của thể chế và sự linh hoạt trong việc điều hành để hỗ trợ phát triển toàn diện một đất nước, một quốc gia hay một vùng lãnh thổ.

Việt Nam đã nhiều lần cải cách thể chế, cụ thể hóa trong các lần sửa đổi Hiến pháp, mà sự ra đời của các bản Hiến pháp đều nhằm thích nghi với nhu cầu xã hội, những bối cảnh lịch sử, tình hình kinh tế chính trị cũng như quan hệ quốc tế của Việt Nam với các nước từng giai đoạn cụ thể. Điều này khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng điều chỉnh thể chế để thúc đẩy sự phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh xã hội luôn biến động.

Thể chế tốt đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển quốc gia. Tuy nhiên, nếu khâu thực thi không đảm bảo thì vẫn có thể để lại nhiều hậu quả khôn lường. Việt Nam từng tiến hành cải cách ruộng đất với mục tiêu "dân cày có ruộng", nhưng cách thức triển khai không phù hợp. Từ những bài học về thực tế điều hành trong cả những thành công hay thất bại như vậy, Việt Nam đã tiến hành cải cách thể chế thông qua chủ trương "Đổi mới" những năm 1980, giúp kinh tế - xã hội có những bước phát triển vượt bậc, đưa đất nước vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình.

Việc nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng và đưa ra các sửa đổi khách quan, phù hợp là bước đi cần thiết giúp Việt Nam vươn mình mạnh mẽ trong tương lai. Lãnh đạo Nhà nước đã nhìn nhận, bên cạnh hạ tầng và nhân lực, thể chế đang là điểm nghẽn lớn nhất, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của đất nước. Theo tôi, có rất nhiều nút thắt cần cải cách:

Nâng cao tính linh hoạt trong pháp luật kinh tế: Các khung pháp lý cần đảm bảo hỗ trợ tối đa cho người dân đầu tư vốn để khởi nghiệp, tham gia sản xuất kinh doanh, cũng như quản lý dòng vốn để người dân đầu tư kinh doanh trên bình diện quốc tế, đặc biệt là trong các chính sách ngành công nghệ cao và năng lượng tái tạo.

Các thành phố lớn, địa phương là trung tâm kinh tế trọng điểm, có những đặc điểm kinh tế chính trị xã hội khác nhau có thể cho thử nghiệm những chính sách mới phù hợp với địa phương, thành công hay thất bại đều là cơ hội để đánh giá kinh nghiệm, hay tiến hành nhân rộng, giống như chúng ta đã nhân rộng mô hình Khoán 10.

Tăng cường minh bạch và giảm thiểu thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy môi trường kinh doanh. Một ví dụ điển hình là sáng kiến Cổng Dịch vụ công Quốc gia, ra mắt vào năm 2019. Đây là một nền tảng trực tuyến tập trung, cho phép người dân và doanh nghiệp truy cập các dịch vụ công một cách nhanh chóng, tiện lợi và minh bạch hơn. Nền tảng này đã giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm thời gian xử lý và tăng cường tính công khai trong quản lý nhà nước. Hàng triệu giao dịch trực tuyến được thực hiện đã nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ công. Tuy cổng thông tin này chưa hoạt động trơn tru, thói quen của người dân cũng chưa hình thành nhưng nó đã bắt đầu giúp giảm tham nhũng vặt.

Một mảng nữa cần cải cách là hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện đại, tập trung vào công nghệ và kỹ năng nghề nghiệp. Giáo dục Việt Nam cần tạo ra một đội ngũ nhân sự lành nghề hơn, thay vì chỉ dừng lại ở chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành và kết nối với nhu cầu thị trường lao động.

Việt Nam cũng cần áp dụng các tiêu chuẩn và luật pháp mới nhằm bảo vệ môi trường, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nặng và năng lượng, để đảm bảo phát triển bền vững và ngăn chặn những thảm họa môi trường. Đầu tư vào công nghệ xanh và khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế sẽ là bước đi chiến lược để Việt Nam phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước xanh, sạch, và thân thiện với môi trường trong mắt bạn bè quốc tế.

Những thay đổi để giải quyết các điểm nghẽn trên sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả