Nước sạch Sông Đà nhiễm dầu: Đủ căn cứ khởi tố vụ án “lừa dối khách hàng”?
Liên quan vụ nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - thành viên Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, có căn cứ để xem xét khởi tố vụ án “lừa dối khách hàng” đối với người đại diện pháp luật của Công ty nước sạch Sông Đà(Viwasupco).
Hơn một tuần sau khi sự cố đổ trộm dầu thải ở nguồn nước đầu vào Nhà máy nước sông Đà, nằm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, ngày 16/10/2019 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ/CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ Luật Hình sự.
Đủ căn cứ khởi tố vụ án “lừa dối khách hàng”
Luật sư Nguyễn Thế Truyền
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết, việc khởi tố vụ án liên quan đến tội danh “gây ô nhiễm” phần nào đã làm “thoả mãn” một phần cơn bức xúc của người dân. Cũng có thể, trong thời gian tới cơ quan chức năng sẽ “chỉ mặt, đọc tên” những cá nhân tổ chức đứng sau vụ việc khi cơ quan điều tra làm rõ được động cơ mục đích, ý thức chủ quan của những người có liên quan.
Tuy nhiên, động thái này vẫn chưa giải quyết được vấn đề và chưa đủ mạnh để củng cố lại niềm tin của người dân. Bởi trên thực tế, chúng ta chưa dám trực diện cái gốc của vấn đề và đấu tranh với hành vi vi phạm trong việc hàng nghìn hộ dân phải dùng nước styren tại Hà Nội trong những ngày qua.
Theo ông Truyền, việc hàng nghìn hộ dân tại Hà Nội phải dùng nước nhiễm styren, công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà có trách nhiệm chính nhưng không thể xử lý theo hành vi “Gây ô nhiễm môi trường” như Công an Hoà Bình đang làm với vụ án xả dầu nhớt.
“Một một số luật sư đề xuất xem xét hành vi “hàng giả” nhưng cũng rất khó khi khái niệm này chưa thật sự minh. Trong khi đó, một số khác thì đề nghị xem xét “thiếu trách nhiệm”. Tuy nhiên, nếu xử lý Công ty Sông Đà đà theo tội hành vi này sẽ không thuyết phục, và không loại trừ khả năng diễn biến của vụ việc sẽ trở nên phức tạp vì một lý do nào đó. Thiệt hại này khó xử lý hình sự đến vậy sao?”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền đặt vấn đề.
Vậy tại sao vẫn phải có xử lý hình sự?
Ông Truyền phân tích, việc Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà bán nước sạch sinh hoạt cho người dân – đó là quan hệ hợp đồng. Tuy nhiên, nước mà người dân dùng do công ty nước sạch Sông Đà cấp đã không đảm bảo theo thoả thuận trong hợp đồng và theo quy định pháp luật về nước sạch.
Vấn đề nằm ở chỗ, Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà phát hiện ra nước cấp cho dân bị nhiễm dầu từ ngày 8/10. Sông Đà cũng đã tăng cường hoá chất để xử lý việc nhiễm dầu thải này. Chưa dừng lại, biết chất lượng nước không đảm bảo chất lượng nhưng doanh nghiệp vẫn bao biện cho việc xử lý hoá chất, công bố bảng xét nghiệm của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà đảm bảo chỉ tiêu chất lượng nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Theo điều 198 Bộ Luật hình sự 2015 “tội lừa dối khách hàng” có thể được hiểu rằng “Người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình là gây thiệt hại cho khách hàng, nhưng vẫn thực hiện.
“Động cơ, mục đích của người phạm tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội lừa dối khách hàng bao giờ cũng vì động cơ tư lợi”, luật sư Nguyễn Thế Truyền nhấn mạnh.
Còn theo Thông tư 41/2018/TT-BYT ban hành “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt” thì trường hợp này phải xét nghiệm đầy đủ chỉ tiêu nước sinh hoạt.
Bởi vì, quy định nêu rõ, 1 trong 4 trường hợp phải làm xét nghiệm đầy đủ tiêu chí là “Khi có nghi ngờ về chất lượng nước thành phẩm qua theo dõi báo cáo tình hình chất lượng nước định kỳ hoặc đột xuất của đơn vị cấp nước”.
Chiếu theo quy định này, từ ngày 8/10, khi Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà phát hiện sự cố môi trường có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước thì Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà buộc phải cho xét nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu theo TCVN 01-1:2018/BYT.
Tất nhiên, không thể khẳng định rằng Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà có hay không làm xét nghiệm này nhưng theo lãnh đạo công ty nước sạch Sông Đà tự công bố, nguồn nước này vẫn đảm bảo chất lượng. Điều này không trùng khớp với kết luận của cơ quan chức năng thì “tội càng thêm nặng”.
Hơn thế nữa, cho dù lãnh đạo công ty cấp nước cho rằng, việc cung cấp nước sạch là vì cái tâm, vì thương dân thì cũng không thể phủ nhận là dù bán nước pha dầu và nồng độ clo đậm đặc thì phía công ty cũng chưa có bất kỳ thông báo nào cho dân là “do không đủ chất lượng nên công ty không thu tiền nước”. Đây cũng là một minh chứng đủ để xác định việc bán nước nhiễm bẩn để “thu lợi bất chính” của doanh nghiệp. Cũng không thể nói rằng, "tôi là nạn nhân thiệt hại lớn nhất" được.
“Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng có căn cứ để xem xét khởi tố vụ án “lừa dối khách hàng”. Tuy nhiên, tội “lừa dối khách hàng” không xử lý đối với pháp nhân, mà sẽ áp dụng đối với người đại diện pháp luật của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà”, luật sư Nguyễn Thế Truyền bày tỏ quan điểm.
Người dân bị thiệt hại sẽ được bồi thường như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, việc đòi bồi thường thiệt hại cho dân là khó nhưng không phải không có tiền lệ, điển hình như vụ Vedan xả thải ra sông Thị Vải làm ảnh hưởng đến người dân 3 tỉnh, doanh nghiệp này đã phải bồi thường,
Còn trong vụ nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn, trước hết, cần bám vào hợp đồng cung cấp nước sạch của Công ty Sông Đà.
Nhiều người dân phản ánh nước sạch dùng cho sinh hoạt của gia đình do Viwasupco có mùi lạ.
Cũng phải nói thêm rằng, hợp đồng cung cấp nước sạch là một trong những loại hợp đồng buộc phải đăng ký tại cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (bộ Công Thương). Hợp đồng này là hợp đồng theo mẫu, phải tuân thủ theo điều kiện giao dịch chung.
Hay nói cách khác, đây là loại hợp đồng bị quản lý chặt chẽ, “chứ không phải muốn soạn ra sao thì soạn” ông Truyền cho hay.
Do đó, người dân có quyền làm đơn đề nghị giải quyết việc bồi thường thiệt hại đến hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng hoặc tại cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương).
Trong trường hợp còn lại, nếu người dân không làm đơn khởi kiện thì doanh nghiệp, Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 28 luật Bảo vệ người tiêu dùng, quy định nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội: “Đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng;”.
Về căn cứ tố tụng, theo khoản 3 Điều 187 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định như sau: “Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, Luật sư này cho rằng, việc xác định thiệt hại để đòi bồi thường rất khó khăn, vì toà án khó thụ lý những vụ kiện tập thể.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận