Nước sạch Sông Đà bị ô nhiễm: Bộ Xây dựng thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định?
Từ sự cố nước sạch Sông Đà cho thấy nhiều lỗ hổng an ninh nguồn nước, trong đó có liên quan đến quản lý quy hoạch nguồn nước, trong đó, Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thẩm định và phê duyệt đối với quy hoạch nhà máy nước sạch sông Đà lại không phát hiện ra lỗ hổng này.
Thiếu giám sát, kiểm tra
Sự cố nước sông Đà bị ô nhiễm của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) minh chứng cho thấy, vấn đề an ninh nguồn nước cần được đặc biệt đề cao bởi nó liên quan đến tính mạng, sức khỏe của hàng triệu người. Hay nói cách khác, an ninh nguồn nước cũng chính là an ninh quốc gia.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, chia sẻ sự cố nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu, trước hết phải khẳng định, hệ thống pháp luật hiện quy định khá đầy đủ về vấn đề quy hoạch; điều kiện, tiêu chuẩn của vùng nước vào đầu nguồn; khi lấy nước mặt thì thế nào; lấy nước ngầm được thực hiện ra sao... đã có hết trong các văn bản quy phạm pháp luật. Còn về nguyên tắc, chủ đầu tư phải tuân thủ đúng luật.
“Khi người dân kêu rất nhiều về nguồn nước, nếu là chủ đầu tư có trách nhiệm thì sẽ cử người xuống kiểm tra ngay thế nào, lấy mẫu nước kiểm tra và cần thiết phải có ngay giải pháp lấy nguồn nước thay thế. “Sông Đà đã không làm được việc đấy. Anh là người bán hàng, anh sản xuất ra sản phẩm, anh bán ra cái sản phẩm không đúng chất lượng. Đương nhiên đó là sự gian dối”, bà An nói.
PGS.TS Bùi Thị An.
Ngoài ra, theo bà An, về mặt quy hoạch nước, Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng, sau đó thực hiện thì có thể liên quan đến Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Y tế... Đáng ra cơ quan quản lý địa phương cấp cho ai, Bộ Xây dựng phân cấp cho Cục nào hay đơn vị nào là phải báo cáo, nhưng trên thực tế lại không báo cáo. “Tôi nghĩ không những chỉ có sự việc Sông Đà, mà còn có thể ở nhiều nơi khác nữa, nhưng chuyện này hãy để cho cơ quan quản lý trả lời”, bà An nói.
Đặc biệt, theo bà An, sự cố nước Sông Đà này cũng cho thấy nhiều lỗ hổng an ninh nguồn nước, trong đó có liên quan đến quản lý quy hoạch nguồn nước. “Về câu hỏi quy hoạch được thực hiện ra sao, chúng tôi mới kiến nghị cần có sự giám sát của Quốc hội đối với các vấn đề liên quan đến nước bắt đầu từ quy hoạch, sau đó là chất lượng nước. Đây là những việc lớn nhưng lại thiếu giám sát, kiểm tra. Thậm chí, cơ quan quản lý cũng chưa bao giờ báo cáo Quốc hội là ở đâu thực hiện đúng quy hoạch, các công việc của công ty kinh doanh nước có đúng quy hoạch, quy chuẩn không? Trách nhiệm của họ là phải kiểm tra và báo cáo, thậm chí là báo cáo định kỳ hoặc đột xuất”, bà An nhấn mạnh.
Bộ Xây dựng phải chịu trách nhiệm?
Liên quan tới sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân thủ đô Hà Nội, nhiều chuyên gia nhận định, ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có trách nhiệm. Trong đó, ngành dọc là Bộ Xây dựng; cơ quan quản lý địa phương là tỉnh Hoà Bình; cơ quan liên đới là TP. Hà Nội.
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), cho rằng các cơ quan quản lý ở Việt Nam, ở đây cụ thể là Bộ Xây dựng - Cơ quan được giao nhiệm vụ “chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước tại các đô thị” (Khoản 2 Điều 60 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP) đang xử lý theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.
Luật sư Trần Tuấn Anh.
“Dân ăn dầu thải chán chê rồi, đơn vị cấp nước sạch mới nghĩ ra cách chống dầu xâm nhập vào nguồn nước dùng để sản xuất nước sạch. Trong khi đó, rõ ràng rằng, biện pháp ngăn nước thải độc hại xâm nhập nguồn nước mặt hay nói cách khác là phương án cách ly nguồn thải ra khỏi nguồn nước lấy để sản xuất nước sạch chắc chắn phải có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc trong đề án xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch Sông Đà khi trình các cơ quan chức năng phê duyệt, thẩm định dự án”, luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Vị luật sư này cũng đặt ra nghi vấn, tại sao Bộ Xây dựng - Cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thẩm định và phê duyệt đối với quy hoạch nhà máy nước sạch Sông Đà lại không phát hiện ra “lỗ hổng” này, trong khi pháp luật đã quy định rất rõ “Bộ Xây dựng chủ trì thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch cấp nước đô thị loại đặc biệt” (Điểm a, khoản 2 Điều 26 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP)?
“Có thể thấy rằng, Bộ Xây dựng đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định đối với dự án nhà máy nước sạch Sông Đà, cụ thể là đã không yêu cầu nhà máy này có những biện pháp thích hợp để cách ly nguồn thải ra khỏi hồ chứa nước nguyên liệu để sản xuất nước sạch khi xem xét, thẩm định dự án trước khi cấp phép”, luật sư Trần Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, cũng theo luật sư này, ở Việt Nam, việc quy định trách nhiệm trong các văn bản đã có, song trong trường hợp các cơ quan nhà nước không làm hết trách nhiệm của mình theo quy định thì lại không có một chế tài nào cụ thể để xử lý. Đơn cử như vụ trong vụ việc này, chắc chắn rằng, việc xử lý trách nhiệm của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Hòa Bình, UBND TP. Hà Nội sẽ gần như không được đặt ra, bởi không có chế tài cụ thể, có chăng, chỉ là sự kiểm điểm, rút kinh nghiệm và nặng hơn có thể là một vài đồng chí cán bộ phụ trách trực tiếp bị kỷ luật công vụ với hình thức cảnh cáo, nhắc nhở.
“Đây có lẽ chính là lỗ hổng lớn trong công tác quản lý trách nhiệm công vụ trong các cơ quan Nhà nước ở nước ta hiện nay. Điều này dẫn đến một thực tế: Các Công ty vì lợi nhuận mà bất chấp các quy định pháp luật, người dân cứ bị thiệt hại, một số cơ quan nhà nước cứ nhận trách nhiệm, nhưng rồi chẳng ai bị kỷ luật, xử lý một cách thích đáng”, luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trao đổi với báo Dân Việt, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đã tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn của các nhà máy nước trên phạm vi toàn quốc. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn được thực hiện thông qua nhiều hình thức như trực tiếp đi kiểm tra; tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn; yêu cầu địa phương báo cáo, phối hợp; thông qua đó, công tác thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn được nâng cao. “Trong thời gian qua, một số đơn vị cấp nước đã giảm được tỷ lệ thất thoát thất thu, đã lắp đặt được hệ thống giám sát online, ứng dụng các công nghệ quản lý thông minh. Tuy nhiên, vẫn còn những đơn vị cấp nước còn chưa chủ động, lúng túng trong thực hiện, tỷ lệ thất thoát thất thu chưa giảm, các nguy cơ ô nhiễm, xâm nhập mặn vẫn còn tiềm ẩn. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Chương trình cấp nước an toàn được bảo đảm và đạt hiệu quả”, Bộ Xây dựng thông tin. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận