Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo “khoe” thành tích tái cơ cấu
Phó Chủ tịch HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, sau 6 năm thực hiện việc mua lại công ty tài chính tiêu dùng Việt Société Générale (SGVF) và sáp nhập ngân hàng Đại Á (DaiABank) vào năm 2013 đã mang lại kết quả tích cực cho nhà băng này, với tăng trưởng cao bền vững, tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất ngành ngân hàng.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2020, trước sự chứng kiến của 3.800 đại biểu, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank “khoe” những kết quả mà nhà băng nay đạt được sau 6 năm tái cơ cấu.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, về cơ bản HDBank đã hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2019 với tăng trưởng cao bền vững, tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất ngành ngân hàng.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã chủ động triển khai chiến lược M&A để tăng quy mô, tăng chất lượng hoạt động, giảm định chế nhỏ và yếu.
Bà Thảo dẫn chứng, khi HDBank mua lại công ty tài chính tiêu dùng Việt Société Générale (SGVF) vào năm 2013, công ty này trong tình trạng lỗ lũy kế và trên bờ vực phá sản, tổng tài sản chưa tới 1.000 tỷ đồng. Sau khi về 1 nhà với HDBank, công ty này đã có trên 12.000 tỷ đồng tổng tài sản và tạo gần 9.000 việc làm, với 14.000 điểm giới thiệu dịch vụ góp phần mang đồng vốn lành mạnh tới vùng sâu vùng xa đẩy lùi tín dụng đen.
Chưa hết, HDBank cũng đã chủ động sáp nhập vào ngân hàng Đại Á. Theo tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, động thái này đã tạo điều kiện thuận lợi cho HDBank mở rộng quy mô xâm nhập sâu rộng vào khu vực Đông Nam Bộ. Từ đó, góp phần phát triển tín dụng nông nghiệp nông thôn của toàn ngân hàng.
“Năm đầu sáp nhập, tỷ lệ nợ xấu nổi lên trên 3%, năm tiếp theo lập tức káo xuống 1,5% và đến nay tỷ lệ nợ xấu bình quân chung của HDBank chỉ trên 1%”, Phó Chủ tịch HDBank kể thành tích.
Cũng theo bà Thảo, sau sáp nhập, khu vực ngân hàng Đại Á cũ luôn là đơn vị xuất sắc trong hệ thống. Cả hai chương trình M&A của HDBank đều đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho khách hàng nên nhận được sự đồng thuận cao và có kết quả tích cực.
HDBank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo được đánh giá là ngân hàng có tốc độ phát triển nhanh trong thời kỳ hậu M&A.
Sau khi sáp nhập DaiABank năm 2013 và mua lại Công ty TNHH Một thành viên tài chính Việt- Socíeté Générale (SGVF), vốn điều lệ của HDBank là 8.100 tỷ đồng, tổng tài sản trên 85.000 tỷ đồng, mạng lưới hoạt động hơn 210 điểm giao dịch trên cả nước.
Tính đến hết năm 2015, vốn điều lệ của HDBank vẫn là 8.100 tỷ đồng, song tổng tài sản tăng lên 106.486 tỷ đồng, tăng 25% sau 2 năm thực hiện sáp nhập DaiABank.
Năm 2017, sau khi HDBank tăng vốn điều lệ từ 8.100 tỷ đồng lên 9.810 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cũng tăng 48% và đạt 14.759 tỷ đồng. Cũng tính đến 31/12/2017, HDBank có tổng tài sản hợp nhất trên 191.000 tỷ đồng.
Đến 30/9/2019, dù vốn điều lệ của nhà băng này vẫn giữ ở mức 9.800 tỷ đồng kể từ đợt tăng vốn điều lệ năm 2017, song quy mô vốn chủ sở hữu của HDBank gần chạm ngưỡng 20.000 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng tài sản của HDBank đạt 217.245 tỷ đồng.
Về chỉ tiêu lợi nhuận, sau sáp nhập, đỉnh điểm là năm 2017, lãi trước thuế của HDBank gấp đôi năm 2016, ghi nhận 2.417 tỷ đồng. Và sau 1 năm niêm yết, con số này tăng trưởng 66%, đạt 4.005 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh năm 2019, đại diện nhà băng này cũng cho biết chưa có con số cụ thể nhưng kế hoạch lợi nhuận đề ra tại đại hội cổ đông trước đó đã hoàn thành, thậm chí có khả năng vượt kế hoạch. Trước đó, nhà băng này đã đề ra kế hoạch lợi nhuận năm 2019 là 5.077 tỷ đồng, tăng 27% so với 2018.
Kế thúc 9 tháng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.448 tỷ đồng, tăng 20% so với 9 tháng năm 2018 – đạt cao nhất từ trước đến nay. Tổng thu nhập hoạt động vượt 8.044 tỷ đồng, tăng 19%, trong đó thu nhập lãi thuần đóng góp 6.859 tỷ đồng, tăng 25%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận