NTP tiếp tục "kéo trần" khi SCIC chốt danh sách thoái vốn
Cổ phiếu NTP - Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong tiếp tục "kéo trần" trong phiên giao dịch ngày 23/5, khi SCIC nắm hơn 37% tại doanh nghiệp và có kế hoạch thoái vốn.
Phiên giao dịch ngày 23/5 cổ phiếu NTP tiếp tục tăng trần cán mốc 59.200 đồng/cp với khối lượng 757 ngàn đơn vị cổ phiếu. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp tăng trần của NTP sau khi vào danh sách thoái vốn đợt 2/2024 của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Chỉ sau 4 phiên, thị giá NTP đã tăng 28%, cao nhất trong vòng 26 tháng. Tạm tính theo mức thị giá chốt phiên 23/5 này, số cổ phần NTP trong tay SCIC (37,1% vốn) có giá trị gần 4.000 tỷ đồng. Câu chuyện thoái vốn Nhà nước được kỳ vọng sẽ giúp NTP tiếp tục dẫn đầu danh sách các cổ phiếu đạt mức tăng giá ngoạn mục trong danh sách của SCIC công bố.
NTP vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu thuần đạt 948,7 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Trong kỳ, hầu hết các chi phí đều được tiết giảm. Trong đó, chi phí tài chính đạt 20,7 tỷ đồng, giảm 54,5%. Chi phí bán hàng cũng giảm 42% so với cùng kỳ, xuống còn 94,2 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 22,3% lên mức 47,9 tỷ đồng.
Kết quả, NTP báo lãi trước thuế đạt 130,5 tỷ đồng và lãi sau thuế quý I/2024 đạt hơn 109 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,6% và 8% so với cùng kỳ quý I/2023.Tại thời điểm ngày 31/3/2024, quy mô tài sản của NTP hơn 5.188 tỷ đồng, chiếm phần lớn là tài sản ngắn hạn với 3.263 tỷ đồng, còn lại 1.925 tỷ đồng là tài sản dài hạn.
Tổng số nợ phải trả của NTP là 1.964 tỷ đồng, trong đó toàn bộ là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu của công ty tính đến hết quý I/2024 đạt khoảng 3.224 tỷ đồng, tăng 3,5% so với số đầu năm. Được biết, năm 2023, NTP ghi nhận 5.176 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại tăng 16,7% so với năm 2022, đạt hơn 659 tỷ đồng. Lãi ròng mà NTP thu về hơn 559 tỷ đồng tăng 16,5% so với năm 2022. Có thể nói, đây là mức lợi nhuận cao nhất doanh nghiệp này đạt được trong một năm kể từ khi niêm yết.
NTP dự kiến trình ĐHĐCĐ mục tiêu lãi trước thuế 2024 đi lùi 13% so với năm trước. Công ty đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 (bao gồm công ty con là Công ty TNHH Nhựa Thiếu niên Tiền Phong Miền Trung, không bao gồm công ty liên kết liên doanh), NTP đặt mục tiêu doanh thu bán sản phẩm đạt 5.400 tỷ đồng, sản lượng sản phẩm tiêu thụ 104.500 tấn, hai chỉ tiêu này cùng tăng 6% so với thực hiện năm trước. Song lãi trước thuế của NTP đi lùi 13%, đạt 555 tỷ đồng.
Việc đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng của NTP được thiết lập dựa trên kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 tăng 6% cũng như tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2018-2023 của NTP gần 3%.
Hiện giá nguyên vật liệu nhựa đầu vào đang tiếp tục giữ ở mức thấp và thấp. Bên cạnh đó, NTP còn đang tồn kho khoảng 1.160 tỷ đồng, trong đó khoảng 670 tỷ đồng là nguyên vật liệu đầu vào giá thấp và 300 tỷ đồng tồn kho thành phẩm sản xuất (xấp xỉ giá vốn hàng bán 900-1.000 tỷ đồng/quý).
Bên cạnh đó, sản lượng nhựa tiêu thụ của NTP thấp hơn dự kiến khi ngành xây dựng dân dụng suy yếu bởi thị trường bất động sản mới được giã băng. Kỳ vọng trong năm 2024, nền kinh tế trong nước dần hồi phục nhờ việc đảo chiều chính sách tiền tệ ở Mỹ và Châu Âu sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, cũng như mảng xây dựng bất động sản phục hồi trở lại giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ của NTP.
Đánh giá về tiềm năng của NTP khi SCIC thoái vốn, các chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng NTP đang sở hữu 3 nhà máy hoạt động hết công suất ngày đêm tại Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương với tổng năng lực sản xuất khoảng 190.000 tấn/năm. Hệ thống phân phối rộng khắp cả nước với 9 trung tâm phân phối cùng 300 đại lý và trên 16.000 điểm bán hàng trên toàn thị trường.
NTP hiện có vốn điều lệ gần 1.300 tỷ đồng. Ngoài SCIC, doanh nghiệp còn có 3 cổ đông lớn khác là Sekisui Chemical (15%), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam (14,27%) và Chủ tịch HĐQT Đặng Quốc Dũng (6,87%).
Đánh giá về việc SCIC thoái vốn, các chuyên gia cho rằng, thoái vốn là quá trình bán hoặc giảm tỷ lệ sở hữu của một doanh nghiệp trong một công ty. Doanh nghiệp thực hiện thoái vốn để tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính, thu hồi vốn đầu tư nhằm tăng lợi nhuận hoặc giảm nợ.
Việc thoái vốn của một doanh nghiệp như NTP sẽ có tác động tới giá cổ phiếu của công ty đó theo xu hướng tăng lên, thậm chí tăng "nóng". Cổ phiếu thoái vốn được nhiều nhà đầu tư săn đón, bởi các công ty thường có xu hướng muốn thoái vốn giá cao nhằm tạo mặt bằng giá mới. Nhà đầu tư cũng kỳ vọng doanh nghiệp thoái vốn sẽ có tăng trưởng tốt trong tương lai, vì khoản tiền thu được sau khi thoái vốn sẽ được đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Được biết, trong giai đoạn 2007-2008 và 2015-2016, Nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp cùng với thoái vốn Nhà nước đã giúp cho thanh khoản thị trường chứng khoán tăng mạnh. Cụ thể, năm 2009, thanh khoản thị trường tăng 226% so với 2008 từ mức 720 tỷ đồng lên tới 1.623 tỷ đồng một phiên. Đến năm 2018, con số này đạt trên 5.000 tỷ đồng một phiên.
Một số cổ phiếu tăng nóng nhờ thoái vốn như cổ phiếu VNM của Vinamilk, sau khi thoái vốn Nhà nước vào cuối năm 2017, đã tăng mạnh từ 130.000 đồng một cổ phiếu lên 214.000 đồng một cổ phiếu tại thời điểm tháng 3/2018, giá thoái vốn là 190.000 đồng một cổ phiếu. Cổ phiếu SAB đã tăng gần 50% sau thông tin Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 36% vốn tại Sabeco.
Tuy nhiên, dòng tiền chảy vào cổ phiếu thoái vốn chủ yếu là dòng vốn đầu cơ tiềm ẩn rủi ro đối với nhà đầu tư ít kinh nghiệm. Do vậy, nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia "săn" cổ phiếu thoái vốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận