Nóng tuần qua: Sắp có khu phi thuế quan lớn nhất Việt Nam
Dự án Khu phi thuế quan Phú Quốc do Tập đoàn IPPG đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, với điểm nhấn là Trung tâm bán hàng giảm giá quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.
Khu phi thuế quan lớn nhất Việt Nam tổng đầu tư gần 7.000 tỷ đồng
Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) vừa chính thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG Group) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu phi thuế quan Phú Quốc tại Ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh (Phú Quốc, Kiên Giang).
Dự án này có tổng vốn đầu tư trên 6.830 tỉ đồng và dự kiến sau khi đi vào hoạt động trong năm 2028 sẽ hình thành nên một khu phi thuế quan, khu thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí và sinh hoạt đáp ứng nhu cầu về thương mại dịch vụ, giải trí của người dân. Dự án cũng hy vọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương lân cận, nhất là tạo công ăn việc làm cho người lao động trong suốt quá trình thực hiện và hoàn thành dự án.
Khu phi thuế quan Phú Quốc có quy mô 101 ha, dự kiến gồm 12 hạng mục chính, với 20 mục tiêu hoạt động như: Trung tâm bán hàng giảm giá (Factory Outlet), khu vực siêu thị miễn thuế gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu từ nhiều nơi trên thế giới như Australia, Mỹ, châu Âu ...và hàng chất lượng cao Việt Nam, Cửa hàng miễn thuế, Khu thương mại dịch vụ ăn uống với nhiều thương hiệu fast food, cafe bar, nhà hàng nổi tiếng, Khu vui chơi giải trí độc đáo trong nhà và ngoài trời chưa từng có tại Việt Nam. Bên cạnh đó là Khu khách sạn, resort dịch vụ 5 sao, khu vực tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại, kho bãi và lưu giữ hàng hóa...
Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ còn hơn 800 tỷ đồng
Tại báo cáo mới nhất về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết tính đến hết quý III năm nay, số dư quỹ này chỉ còn hơn 824 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ so với quý II liền trước và thấp hơn 8.400 tỷ đồng so với số dư đầu năm.
Tính riêng quý III, tổng số tiền các doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu trong nước trích quỹ bình ổn giá là 502 tỷ. Ở chiều ngược lại, số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá mặt hàng thiết yếu này trong giai đoạn tháng 7-9 là 803 tỷ đồng.
Kết quả là số dư quỹ đã giảm từ mức 1.123 tỷ vào cuối quý II xuống 824 tỷ đồng đến hết tháng 9.
Với việc Quỹ bình ổn giá xăng dầu tiếp tục giảm trong quý III, đây đã là quý thứ 4 liên tiếp ghi nhận giảm số dư quỹ, kéo dài từ quý IV/2020 đến nay.
Đề xuất gia hạn thuế TTĐB với ôtô lắp ráp trong nước tháng 10-11
Trên cơ sở những kết quả đạt được khi thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 109/2020, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã nghiên cứu soạn thảo Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tương tự trong năm 2021, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật quản lý thuế 38/2019.
Theo dự thảo đã được trình Chính phủ, cơ quan quản lý thuế đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh trong tháng 10 và 11 năm nay đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp theo quy định.
Trong đó, thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh trong tháng 10 chậm nhất là ngày 20/12 và thời hạn nộp thuế phát sinh trong tháng 11 chậm nhất sau đó 10 ngày, tức 30/12.
Theo phương án đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt này, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính ước tính sẽ có khoảng 4.400 tỷ đồng tiền thuế phát sinh trong giai đoạn tháng 10 và 11 được gia hạn.
Thanh toán không tiền mặt tăng mạnh
Theo Ngân hàng Nhà nước, người dân giờ không chỉ đơn thuần dùng ứng dụng Mobile Banking hay ví điện tử để chuyển tiền, vấn tin mà đã sử dụng cho hầu hết nhu cầu mua sắm, cả trực tuyến lẫn trực tiếp hàng ngày.
Theo đó, họ sử dụng cho mọi dịch vụ như thanh toán hóa đơn, học phí, viện phí, thương mại điện tử, các dịch vụ trực tuyến (đi chợ, siêu thị, gọi xe giao hàng, đặt mua vé máy bay, tour du lịch khách sạn, vé tàu xe)...
Bên cạnh đó, thanh toán qua Internet 9 tháng qua cũng tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị.
Trong cùng giai đoạn này, giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị. Giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị.
Cho đến nay, 95% tổ chức tín dụng đã, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Khoảng 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internet Banking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90.000 điểm thanh toán QR và gần 298.000 POS.
TP HCM sẽ dành gần 38.000 tỷ xây nhà ở xã hội 5 năm tới
Sở Xây dựng TP HCM vừa trình UBND thành phố chương trình phát triển nhà ở từ nay đến năm 2025 trong đó bổ sung nhiều mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp cho người lao động sống trong các khu nhà trọ, trên kênh rạch chưa đảm bảo điều kiện sinh hoạt và phòng chống dịch Covid-19. Chương trình nhà ở này đã lấy ý kiến của 12 sở ngành, được 20 trên 22 UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức góp ý.
Theo tính toán của Sở Xây dựng, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đến năm 2025 là 23,5 m2 một người (tính đến cuối tháng 6, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 20,65 m2 một người). Để đạt được chỉ tiêu này, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại từng khu vực phải đạt từ 23,9 m2 một người đến 25,6 m2 một người.
Giai đoạn 2021-2025 dự kiến quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội khoảng 173,5 ha, đất làm nhà ở thương mại khoảng 800,9 ha. Tổng nguồn vốn để phát triển nhà ở tại TP HCM giai đoạn này khoảng 566.983 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư nhà ở thương mại khoảng 239.748 tỷ đồng, nhà ở xã hội khoảng 37.693 tỷ đồng, còn lại là vốn xây nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận