Nông trường Sông Hậu lỗ hơn 450 tỉ đồng, mất an toàn về tài chính
Từ chỗ là một đơn vị mạnh với doanh số sản phẩm trên 1.000 tỉ đồng/năm, Nông trường Sông Hậu hiện đang nợ hàng trăm tỉ đồng và đang sản xuất cầm chừng.
Ngày 6-9, tin từ UBND TP Cần Thơ cho biết đơn vị vừa có báo cáo giám sát tài chính của chủ sở hữu đối với Công ty TNHH một thành viên độc lập, tổ chức tài chính nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước do UBND TP Cần Thơ làm đại diện chủ sở hữu.
Trong đó, đáng chú ý, 2 công ty TNHH một thành viên độc lập là Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ "có dấu hiệu mất an toàn về tài chính" và Nông trường Sông Hậu "mất an toàn về tài chính".
Cụ thể, theo báo cáo này, 6 tháng đầu năm 2019, Nông trường Sông Hậu có tổng doanh thu khoảng 25,9 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ là 22 triệu đồng.
UBND TP Cần Thơ kết luận: đến ngày 30-6-2019, lỗ lũy kế của Nông trường Sông Hậu là 452 tỉ đồng, lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu (đang âm hơn 363 tỉ đồng).
Hiện Nông trường Sông Hậu nợ quá hạn ngân hàng chưa được xử lý hơn 409 tỉ đồng, trong đó nợ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Cần Thơ gần 260 tỉ đồng, nợ Ngân hàng Thương mại cổ phần công thương VN chi nhánh Cần Thơ hơn 149 tỉ đồng.
Theo UBND TP Cần Thơ, hiện Nông trường Sông Hậu chủ yếu sản xuất lúa giống, kinh doanh mua bán gạo tuy có hiệu quả nhưng chỉ đủ bù đắp chi phí tạm thời chờ chuyển đổi (đang xử lý về tài chính để chuyển đổi thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên).
Ngoài ra, do khó khăn về tài chính, lượng tiền mặt hiện có tại đơn vị chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu các hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính cạnh tranh như hiện nay của doanh nghiệp.
"Do chưa chủ động mua được hàng hóa kinh doanh với giá hợp lý nhất tại thời điểm, không được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, khả năng tự nuôi sống bộ máy tổ chức chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên rất khó khăn trong năm 2019", UBND TP Cần Thơ nhận định.
Thành lập vào tháng 4-1979, từ chỗ không có gì trong tay, Nông trường Sông Hậu đã nhanh chóng huy động các nguồn lực để khai hoang, tổ chức sản xuất trên tổng diện tích gần 7.000 hecta, với hơn 2.500 hộ nông trường viên.
Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nông trường đã huy động các nguồn vốn vay, vốn tích lũy để xây dựng hạ tầng, các cơ sở chế biến nông lâm, hải sản.
Thời cao điểm, nông trường có tới 14 phân xưởng chế biến lương thực, thực phẩm, đóng hộp hàng nông sản, một nhà máy chế biến thủy hải sản, một nhà máy chế biến gỗ hoạt động rôm rả cả ngày đêm, doanh số sản phẩm trên 1.000 tỉ đồng/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận