Nông dân phấn khởi khi giá sầu riêng tăng mạnh ngày giáp Tết
Thời điểm giáp Tết, nông dân vùng chuyên canh đang thu hoạch vụ nghịch trong năm, đặc biệt giá cao mang lại lợi nhuận lớn cho người dân.
Thu hoạch đúng thời điểm hiện nay cho nông dân nguồn thu kỷ lục
Trong những ngày giáp Tết, thương lái đang thu mua sầu riêng tại vườn giá từ 130.000 - 135.000 đồng/kg tùy loại, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước. Với năng suất đạt từ 20 - 25 tấn/ha bình quân, mỗi ha thu hoạch đúng thời điểm hiện nay cho nông dân nguồn thu kỷ lục, từ 2,6 tỷ đồng trở lên.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Nguyễn Văn Tấn, nông dân trồng sầu riêng ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy cho biết, ông vừa thu hoạch được gần 10 tấn quả, bán giá 130.000 đồng/kg, thu gần 1,3 tỷ đồng. Theo ông Tấn, những ngày qua, giá sầu riêng tăng mạnh nên nông dân vùng chuyên canh trong những ngày giáp Tết Giáp Thìn ai cũng phấn khởi bởi cây trồng đặc sản này đang cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đông, nông dân trồng sầu riêng ở xã Phú An, huyện Cai Lậy, ông trồng 2.000 m2 sầu riêng, chủ yếu giống Mong Thong chất lượng cao. Cách đây 1 tuần lễ ông thu hoạch đạt sản lượng gần 5 tấn quả bán với giá bình quân 130.000 đồng/kg, thu 650 triệu đồng.
Lãnh đạo xã Phú An cho biết, địa phương có vùng chuyên canh sầu riêng trên 800 ha. Trong năm 2023, sầu riêng có giá mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân vùng chuyên canh; nhiều người dựng nên cơ nghiệp. Nhờ vậy, đã giúp Phú An nâng thu nhập bình quân đầu người tại đây lên gần 70 triệu đồng/người/năm, giảm tỉ lệ hộ nghèo đa chiều xuống chỉ còn 0,71%.
Đây là nhân tố tích cực góp phần giúp xã Phú An trong năm 2023 hoàn thành các tiêu chí và được công nhận, ra mắt thành công xã nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, xã đang hướng đến mục tiêu ra mắt xã nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025.
Đáng chú ý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Địa phương hiện có trên 20.000 ha sầu riêng, tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây là Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, Châu Thành… với sản lượng mỗi năm khoảng 300.000 tấn quả.
Thời điểm giáp Tết, nông dân vùng chuyên canh đang thu hoạch vụ nghịch trong năm. Vụ sầu riêng nghịch tại Tiền Giang thường có giá cao mang lại lợi nhuận lớn cho người dân.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Mẫn đánh giá, sầu riêng có giá nhờ đầu ra thuận lợi và là một trong những chủng loại trái cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, là nguồn nông sản xuất khẩu quan trọng của địa phương.
Để phát huy hơn nữa thế mạnh cây trồng đặc sản, địa phương chú trọng chuyển giao kỹ thuật thâm canh, khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học để đạt năng suất, sản lượng cao. Đặc biệt là xử lý rải vụ cho thu hoạch vào thời điểm nghịch vụ trong năm, tránh thu hoạch rộ lúc chính vụ nhằm giảm nguy cơ trúng mùa, dội chợ, mất giá. Theo đó, vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm, nông dân xử lý vườn sầu riêng và sẽ cho thu hoạch vào tháng 11 trở đi. Thời điểm này, sầu riêng có giá, bà con thu lợi nhuận cao.
Đồng thời, trong nỗ lực tận dụng cơ hội trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và thị trường các nước, Tiền Giang quan tâm xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Tỉnh hiện có 72 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích trên 2.600 ha và 66 mã số cơ sở đóng gói được cấp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào EU được giám sát ngay tại cửa khẩu
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU vừa cho biết, ngày 17/1-2024, EU đã đăng công báo Quy định thực hiện Quy chế (EU) 2024/286 ký ngày 16/1/2024, sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu vào Liên minh một số hàng hóa từ một số nước thứ ba thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu, thông tin trên An Ninh Thủ Đô.
Theo đó, các mặt hàng của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU sẽ chịu giám sát tại cửa khẩu là: Ớt chuông, mỳ ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%.
Đây là lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng sầu riêng tại cửa khẩu với tần suất 10%.
Ngoài ra, đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục II (thêm yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng từ Việt Nam) với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20% tại cửa khẩu EU. Quy định có hiệu lực 20 ngày sau ngày đăng công báo.
Dự báo nếu sang năm 2024, sầu riêng Việt Nam có thêm nhiều mã số vùng trồng được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp, khả năng xuất khẩu sầu riêng đạt con số 2 - 2,5 tỷ USD.
Trao đổi với Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, Thái Lan đang chặt bỏ măng cụt nhiều để chuyển sang trồng sầu riêng. Campuchia cũng trồng sầu riêng. Việt Nam không trồng sẽ mất cơ hội.
Sầu riêng Việt Nam ưu thế là có quanh năm. Thêm nữa, chúng ta có lợi thế về thời gian vận chuyển. “Nhất cự ly, nhì tốc độ”, quãng đường vận chuyển gần nên chi phí logistics đưa sầu riêng sang Trung Quốc của nước ta rẻ hơn nhiều các đối thủ Thái Lan và Malaysia.
Hàng sầu riêng Việt Nam không chỉ cạnh tranh về chất lượng mà cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan cả về giá.
Thị trường sầu riêng toàn thế giới phải vài chục tỷ USD. Riêng thị trường Trung Quốc, mấy năm trước họ nhập 4 tỷ USD/năm, con số này còn tăng bởi trước đó họ chủ yếu lấy hàng Thái Lan (Thái Lan cung cấp 90% cho thị trường Trung Quốc).
Độ hấp thụ thị trường với trái sầu riêng tại thị trường này vẫn lớn, bởi lượng sầu riêng trước đây họ nhập khẩu từ Thái Lan chỉ phục vụ được nhu cầu cho khoảng 200 - 300 triệu người. Hay nói cách khác, chỉ một bộ phận người tiêu dùng ở Trung Quốc được ăn sầu riêng do giá thành loại quả này đắt đỏ.
Với thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ dân, sầu riêng Việt Nam chất lượng, giá cả phải chăng sẽ phục vụ được đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận