24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thành Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nóng: Bộ Tài chính đề xuất một số biện pháp kiểm soát lạm phát

Nóng: Bộ Tài chính đề xuất một số biện pháp kiểm soát lạm phát

Trước áp lực của lạm phát đang có xu hướng tăng cao, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu, thuế VAT…

Tới đây, Bộ Tài chính cũng đang dự kiến tiếp tục trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm một số sắc thuế và các giải pháp điều hành giá liên quan đến xăng dầu để hạn chế vòng xoáy lạm phát.

Tác động lớn đến từ cú sốc kép là đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine

Trái với kỳ vọng của nhiều tổ chức quốc tế về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm 2022, kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều tác động lớn đến từ cú sốc kép là đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Mới đây nhất, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển giảm mạnh xuống còn 2,6%. Còn các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng chỉ đạt 3,4%. Tính chung trên toàn cầu, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay thêm 1,2 điểm phần trăm, xuống còn 2,9%.

Trong khi dự báo tăng trưởng toàn cầu nhiều lần cảnh báo theo chiều đi xuống, lạm phát lại liên tục đi lên. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5,7%, còn các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi là 8,7% trong năm nay, cao hơn đáng kể so với dự báo đưa ra trước đó.

Số liệu các nước kỳ công bố CPI tháng 4/2022 và tháng 5/2022 cho thấy, lạm phát của nhiều nước tiếp tục ở mức cao: CPI của Mỹ tháng 4/2022 tăng 8,3% tiếp tục ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, CPI của Khu vực đồng Euro tháng 5/2022 tăng 8,1% gấp 4 lần so với lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Châu Âu. Tại Châu Á, CPI tháng 5/2022 của Hàn Quốc tăng 5,4%, Thái Lan tăng 7,1%, Indonesia tăng 3,55%; CPI tháng 4/2022 của Trung Quốc tăng 2,1% tăng nhanh hơn mức dự kiến so với lạm phát mục tiêu 3% năm 2022, Singapo tăng 5,4%...

Tại Việt Nam, CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020.

Để bình ổn thị trường, trong giai đoạn trước và sau Tết, trong tháng 6/2022, Bộ Tài chính đều có các chỉ thị, công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường nhanh chóng, kịp thời kiểm soát lạm phát. Ngay khi có dấu hiệu áp lực lạm phát, nhiều chính sách đã kịp thời điều chỉnh như giảm 2% thuế VAT; giảm 50% thuế BVMT đối với nhiên liệu bay, giảm 50 - 70% thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu, giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 06 tháng đầu năm 2022 theo quy định tại Thông tư số 120/2021/TT-BTC; đồng thời sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ bình ổn giá; tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; tăng cường kiểm tra, kiểm soát cung cầu xăng dầu để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Do có những giải pháp kịp thời trên nên diễn biến CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25%, hiện vẫn còn dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4%.

Giá xăng dầu còn tăng, kiến nghị giảm tối đa thuế BVMT với xăng dầu

Trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu để góp phần kịp thời kiềm chế lạm phát.

Hiện Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế BVMT đối với xăng dầu.

Bên cạnh đó, diễn biến tình hình gần đây đang cho thấy thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu của nước ta. Theo đó, Bộ Tài chính đã có công văn số 3662/BTC-CST gửi xin ý kiến các Bộ, ngành địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi xăng từ 20% xuống 12%.

Việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng theo phương án dự kiến sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các đơn vị và trình Chính phủ trong thời gian tới.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 7 tháng còn lại của năm 2022, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp Chính phủ Chỉ đạo điều hành. Cụ thể: Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra;

Đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp;

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ;

Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá trước mắt chưa xem xét điều chỉnh giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân;

UBND tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý;

Tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Thực tế hiện nay, việc giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore tăng mạnh báo hiệu "đỉnh mới" cho giá xăng dầu trong nước trong lần điều chỉnh giá theo chu kì tới đây.

Theo cập nhật ngày 8/6, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tăng vọt. Cụ thể, giá xăng RON 95-III đã lên 153,74 USD/thùng, xăng E5 RON 92 147,2 USD/thùng, dầu diesel 0.05S 166,18 USD/thùng, dầu hỏa 164,09 USD/thùng và dầu mazut 619,66 USD/thùng.

Dự đoán giá bán lẻ kỳ điều hành tới (chưa tính quỹ bình ổn giá xăng dầu) với mặt hàng xăng RON 95-III tăng 480 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 830 đồng/lít, dầu diesel tăng 2.630 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.310 đồng/lít và dầu mazut giảm 420 đồng/kg.

Tuy nhiên, mức tăng còn tùy thuộc vào mức chi và trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu của cơ quan điều hành. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đánh giá, xăng có thể tăng mức dưới 1.000 đồng/lít, nhưng dầu tăng mạnh, có thể vọt lên 2.000 đồng/lít.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả