Nỗi lo về khí đốt vẫn tồn tại ở châu Âu
Các cuộc bạo loạn ở Kazakhstan là tâm điểm chú ý trong tuần đầu tiên của tháng Giêng.
Theo đó, bắt đầu với các cuộc biểu tình về việc tăng giá nhiên liệu chúng đã nhanh chóng leo thang thành các cuộc biểu tình chống chính phủ trên khắp đất nước và dẫn đến sự phân chia lại quyền lực ở Kazakhstan.
Quyết định nhanh chóng triển khai lực lượng của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã giúp ổn định và giảm cường độ của các cuộc đụng độ quân sự.
Trong số các hậu quả kinh tế của cuộc khủng hoảng Kazakhstan là việc mở rộng phạm vi điều tiết của nhà nước về giá cả đối với hàng hóa. Thiệt hại trực tiếp từ tình hình bất ổn ở nước này ước tính khoảng 200 triệu USD.
Sự bất ổn ở Kazakhstan, quốc gia chiếm hơn 40% sản lượng uranium thế giới, khiến giá uranium tăng trong ngắn hạn vào tuần trước. Giá uranium đã tăng kể từ tháng 9 năm ngoái do vai trò quan trọng của điện hạt nhân trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu.
Bất chấp thời tiết tương đối ấm áp, những lo ngại vẫn tồn tại về nguồn cung cấp khí đốt ở châu Âu. Theo Bloomberg, châu Âu sắp cạn kiệt nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên. Các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất ở Liên minh châu Âu (EU) chưa bao giờ có trữ lượng khiêm tốn như trong mùa đông năm nay.
Bloomberg nhắc lại, Đặc phái viên Năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ Amos Hochstein đã cảnh báo 4 tháng trước rằng châu Âu không đủ năng lượng để chuẩn bị cho mùa đông. Các chuyên gia dự báo giá khí đốt và điện sẽ tiếp tục tăng cao, cũng như sự gia tăng căng thẳng chính trị trong EU.
Ở Đức, các chính trị gia đang nói về những rạn nứt trong liên minh chính phủ mới do các vấn đề trong việc vận hành đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Đại diện của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) nói rằng, việc ra mắt Nord Stream 2 không liên quan đến chính trị và đáp ứng mong muốn của người Đức.
Phó Chủ tịch SPD Kevin Kühnert cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, hầu hết người Đức thường xuyên tham gia các cuộc thăm dò đều ủng hộ việc vận hành Nord Stream 2.
Trong khi đó, truyền thông phương Tây cũng lo ngại về triển vọng thỏa thuận khí đốt giữa Nga và Trung Quốc về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới. Trong bối cảnh tranh chấp về Nord Stream 2, Brussels và London gần như không chú ý đến mong muốn của Nga và Trung Quốc trong việc tăng gấp đôi nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho châu Á.
Các chuyên gia phương Tây tin rằng, việc thực hiện một dự án như vậy sẽ làm tăng cơ hội của Nga trên thị trường thế giới và ảnh hưởng đến sự độc lập về năng lượng của châu Âu. Nếu Power of Siberia 2 (Năng lượng Siberia 2) được triển khai, Nga sẽ có thể chuyển hướng khí đốt từ các mỏ ở Yamal không phải đến châu Âu mà tới Trung Quốc. Không giống như châu Âu, Trung Quốc không mâu thuẫn với các hợp đồng khí đốt dài hạn, do đó thuận lợi hơn cho việc thực hiện các dự án lớn về sản xuất và vận chuyển khí đốt.
Bên cạnh đó, trên thị trường dầu mỏ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) tiếp tục tăng sản lượng theo kế hoạch, bất chấp lo ngại nhu cầu giảm do sự lây lan của chủng Omicron. Hôm 4/1, các thành viên OPEC+ giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu thêm 400 nghìn thùng mỗi ngày từ tháng Hai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận