24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bảo An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nỗi lo toàn cầu: Kiềm chế lạm phát hay duy trì tăng trưởng kinh tế?

Lạm phát đang gia tăng tại nhiều nước, với tốc độ mạnh nhất trong nhiều năm qua. Tình trạng này đang buộc ngân hàng trung ương các nước phải đau đầu với sự lựa chọn: kiềm chế lạm phát hay duy trì tăng trưởng kinh tế?

Áp lực lạm phát gia tăng trên toàn thế giới

Theo WSJ, đà tăng giá hàng hóa đã leo thang nhanh hơn trên toàn thế giới kể từ tháng 3, đưa tỷ lệ lạm phát tăng cao hơn mức dự kiến của hầu hết các ngân hàng trung ương (NHTƯ). Hồi tháng 8, tỷ lệ lạm phát hàng năm của các nước G20 – vốn chiếm khoảng bốn phần năm sản lượng kinh tế của toàn thế giới – đã tăng lên mức cao trong một thập kỷ. Lạm phát đang được thúc đẩy bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố, điều mà rất ít NHTƯ từng chứng kiến trước đây.

Việc nền kinh tế mở cửa trở lại sau khi dịch bệnh được kiềm chế khiến nhu cầu tiêu dùng phục hồi nhanh chóng. Sự phục hồi cũng được ghi nhận là sớm và mạnh hơn nhiều so với diễn biến thường thấy sau một cuộc suy thoái kinh tế. Việc chính phủ các nước tung ra các gói kích thích kinh tế với tổng giá trị lên đến 10.400 tỉ đô la Mỹ cũng góp phần kích thích nhu cầu chi tiêu của người dân.

Ở chiều ngược lại, nguồn cung lại đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu. Chỉ một số ít nhà sản xuất quyết định tăng thêm công suất trong thời kỳ đại dịch với suy nghĩ rằng tiến trình phục hồi sẽ diễn ra cầm chừng và mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, các nhà máy và nhiều bộ phận của mạng lưới giao thông vận tải toàn cầu còn bị tắc nghẽn bởi các biện pháp hạn chế của chính phủ.

Tại Mỹ, lạm phát đang tăng nhanh nhất trong nhiều năm và cao hơn cả mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Một số quan chức nhận định các yếu tố hạn chế về nguồn cung và gián đoạn sản xuất khi kinh tế phục hồi từ đại dịch sẽ khiến cho lạm phát kéo dài hơn so với họ kỳ vọng. Giá tiêu dùng trong tháng 9 tại Mỹ đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, và ở mức cao trong vòng 30 năm qua.

Còn tại châu Âu, mức lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng được dự báo tăng lên 4% vào cuối năm, cao hơn mốc 3,4% vào tháng trước. Giám đốc NHTƯ Hà Lan Klaas Knot cho biết: “Rủi ro đối với lạm phát toàn phần một lần nữa nghiêng về phía tăng. Lạm phát tăng cao trong ngắn hạn và trung hạn chủ yếu liên quan đến những điểm nghẽn trong nguồn cung và áp lực trả tiền lương trong nước”.

Tại Trung Quốc, các số liệu mới công bố cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 9 đã tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất trong vòng 26 năm qua và vượt xa các dự báo trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do giá than và những nguyên liệu thô khác tăng vọt. Với việc Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, sự tăng giá này có thể dẫn đến rủi ro lạm phát gia tăng trên toàn cầu.

Sự chia rẽ giữa các ngân hàng trung ương

Trong một cuộc họp hôm 13-10, giới lãnh đạo NHTƯ các nước G20 đã dự báo cung và cầu sẽ cân bằng hơn trong những tháng tới và tỷ lệ lạm phát sẽ giảm bớt. Tương tự, Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế (IMFC) thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 14-10 cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu theo dõi chặt chẽ biến động giá cả, song vẫn phải xem xét sức ép lạm phát chỉ là vấn đề nhất thời và sẽ mất dần khi các nền kinh tế bình thường trở lại.

Tuy nhiên, việc chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh nhất trong nhiều năm tại nhiều quốc gia đã được các NHTƯ đón nhận với những phản ứng khác nhau. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều khác biệt trong quan điểm của giới chức các nước về việc liệu đà tăng giá hiện nay sẽ tạo ra các chu kỳ lạm phát tiếp theo, hay thay vào đó sẽ giảm đi.

Những NHTƯ có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới như Fed và NHTƯ châu Âu (ECB) hiện vẫn chưa hành động. Giới chức các ngân hàng này đã nhiều lần bày tỏ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và coi tình hình lạm phát hiện nay chỉ mang tính “tạm thời”. Theo WSJ, cả Fed và ECB hiện vẫn đang có được sự tin cậy của các hộ gia đình về việc họ có thể kiềm chế lạm phát ở mức thấp, đồng thời kỳ vọng rằng, việc thị trường có đủ lực lượng lao động sẽ giúp giữ mức tăng lương nằm trong phạm vi kiểm soát.

Trong khi đó, các NHTƯ khác lại không có được sự thuận lợi như vậy, và đang ngày càng phải đối mặt với nhiều rủi ro từ việc tiền lương tăng cao, đặc biệt là ở các nước nghèo, nơi phần lớn chi tiêu của người dân là dành cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng, vốn đã có mức tăng giá mạnh nhất trong thời gian qua. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải hành động nhanh hơn.

Nguồn cung lại đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu. Chỉ một số ít nhà sản xuất quyết định tăng thêm công suất trong thời kỳ đại dịch với suy nghĩ rằng tiến trình phục hồi sẽ diễn ra cầm chừng và mất nhiều thời gian hơn

Một số NHTƯ đã quyết định tăng lãi suất từ sớm, đáng chú ý nhất là Brazil và Nga. Trong khi lạm phát tiếp tục tăng và chưa có điểm kết thúc rõ ràng, các NHTƯ khác cũng có động thái tương tự. Trong số 38 NHTƯ mà Ngân hàng Thanh toán quốc tế theo dõi, có 13 ngân hàng đã tăng lãi suất cơ bản ít nhất một lần.

Từ tháng 10, các NHTƯ của New Zealand, Ba Lan và Romania đã tăng chi phí đi vay lần đầu tiên kể từ khi đại dịch xảy ra. Singapore, quốc gia thắt chặt chính sách bằng cách thúc đẩy tỷ giá hối đoái lên cao hơn, cũng đã tăng lãi suất hôm 14-10. NHTƯ Chile hồi giữa tuần trước cũng đã khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên khi tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên 2,75% – mức tăng lãi suất lớn nhất trong 20 năm qua.

Những quốc gia đối mặt với nhiều rủi ro

Với tất cả ngân hàng trung ương, một trong những nỗi lo ngại lớn hiện nay là việc người dân bắt đầu đưa kỳ vọng về lạm phát gia tăng vào việc mặc cả tiền lương và các doanh nghiệp cũng có động thái tương tự khi thiết lập giá sản phẩm. Những nơi từng trải qua những đợt lạm phát lớn trong thời gian gần đây sẽ phải đối mặt với tác động lớn hơn.

“Các thị trường mới nổi đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, vì nguy cơ kỳ vọng lạm phát tăng cao hơn nhiều so với các khu vực khác”, chuyên gia Bhanu Baweja, chiến lược gia trưởng tại UBS Research nhận định.

Tại hầu hết các quốc gia Nam Mỹ, người dân đều đã từng trải qua một thời kỳ lạm phát rất cao, và giờ đây, lại tiếp tục chứng kiến giá cả hàng hóa tăng lên khi dịch bệnh đã dần được kiềm chế. Nếu không được tăng lương ở mức độ tương ứng, nhiều gia đình sẽ lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính.

Tương tự như Chile, cả Colombia và Peru cũng đang chứng kiến giá cả tăng cao sau nhiều năm kiểm soát lạm phát. Điều này đã buộc NHTƯ ở hai nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ giữa lúc nền kinh tế còn nhiều khó khăn và các hộ gia đình vẫn đang phải vật lộn để kiếm sống. Peru – nền kinh tế Mỹ Latinh có mức suy giảm lớn nhất trong năm 2020 đã buộc phải tăng lãi suất từ tháng 8 (bao gồm cả đợt tăng nửa điểm phần trăm trong tháng 10) để ứng phó với mức lạm phát lên tới 5,2% trong tháng 9 vừa qua.

Trong khi đó, một số quốc gia khác lại phải đối mặt với rủi ro về vòng xoáy tiền lương và giá cả. Các kinh nghiệm thực tiễn từ cuộc chiến chống lạm phát cao hồi thập niên 1970 tại các nước giàu cho thấy, khi tiền lương tăng rất nhanh để thích ứng với lạm phát, thì giá cả sẽ tăng mạnh hơn nữa, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Đây chính là tình trạng mà các quốc gia Trung Âu – nơi một số NHTƯ đã tăng lãi suất trong những tháng gần đây, đang phải đối mặt khi không thể tuyển đủ lao động nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao.

WSJ cho hay, tỷ lệ sinh thấp và làn sóng di cư sang Tây Âu đã khiến lực lượng lao động ở Trung Âu bị suy giảm đáng kể. Theo dự đoán từ cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu, dân số Ba Lan có thể giảm hơn một phần năm vào năm 2100. Do đó, “Trung và Đông Âu là những khu vực mà chúng tôi nghĩ rằng nguy cơ lạm phát cao hơn và kéo dài trong vài năm tới là lớn nhất”, chuyên gia kinh tế Liam Peach tại Capital Economics nhận định.

Giá thực phẩm và năng lượng tăng cũng đã đẩy lạm phát lên mức cao ở phần lớn các nước châu Phi cận Sahara. NHTƯ Ethiopia hồi tháng 8 đã phải tăng tỷ lệ cho vay đối với các ngân hàng thương mại từ 13% lên 16%, và tăng gấp đôi yêu cầu về tỷ lệ dự trữ tiền mặt đối với các ngân hàng thương mại, lên 10%. Nguyên nhân là bởi lạm phát ở nước này đã tăng lên 30% vào tháng 9, từ mức 26,4% của tháng 8, do tác động từ sự đình trệ của các tuyến thương mại và nạn dịch châu chấu làm giảm sản lượng lương thực.

Ngăn lạm phát hay duy trì đà phục hồi kinh tế?

Trong khi đó, ở nhiều quốc gia khác, các NHTƯ vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm, vì lo ngại điều này có thể làm suy yếu đà phục hồi kinh tế.

Tại Trung Quốc, cho đến nay các nhà sản xuất vẫn chấp nhận hy sinh lợi nhuận để bù đắp chi phí đầu vào tăng cao, qua đó khiến tăng trưởng giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc so với tháng trước đó. Bất chấp đà tăng của lạm phát sản xuất, lạm phát tiêu dùng của nước này chỉ tăng 0,7% trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 3%.

Tuy nhiên, tình hình được dự báo có thể thay đổi khi lợi nhuận của những nhà máy bị siết chặt hơn nữa, và Trung Quốc phải tăng giá điện để ứng phó với khủng hoảng năng lượng. “Khoảng cách giữa PPI và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ngày càng lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất sẽ chịu sức ép phải chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng”, ông Bruce Pang – Trưởng bộ phận Nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hồng Kông, bình luận.

Dẫu vậy, theo một tuyên bố trên trang web của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 14-10, Thống đốc Dịch Cương cho biết lạm phát của nước này nhìn chung vẫn ở mức “vừa phải”. Ông nhấn mạnh rằng các chính sách tiền tệ của PBoC sẽ được triển khai linh hoạt, có mục tiêu, hợp lý và phù hợp.

Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mới đây đã sa thải ba quan chức NHTƯ, đồng thời yêu cầu giảm lãi suất để khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Động thái này đã làm dấy lên lo ngại từ các nhà đầu tư về việc gia tăng áp lực lạm phát. Trước đó, mức lạm phát hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 19,58% trong tháng 9, mức cao nhất trong vòng hai năm rưỡi qua.

Ở những nơi khác, các chính phủ đang sử dụng những biện pháp phổ biến trong thập niên 1970 để kiềm chế lạm phát. Hôm 13-10, Bộ trưởng Thương mại Argentina, Roberto Feletti, đã công bố mức giá cố định trong 90 ngày đối với 1.247 loại hàng hóa giữa lúc người dân đang có tâm lý lo ngại về giá thực phẩm tăng. “Chúng ta cần ngăn chặn giá lương thực ăn mòn tiền lương”, ông Feletti cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả