Nội dung cuộc họp trực tuyến đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ - Trung là gì?
Trong cuộc họp trực tuyến đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung dường như vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ không được đưa vào phiên thảo luận.
Cuộc họp trực tuyến đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được lên kế hoạch diễn ra vào tối ngày 15/11 tới, theo truyền thông Mỹ.
Kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng vào tháng Một, ông Biden đã hai lần tiến hành điện đàm với ông Tập, nhưng hai nhà lãnh đạo vẫn chưa họp bàn trực tuyến cấp cao.
Các chuyên gia ngoại giao nhận định, nội dung cuộc họp bàn sẽ xoay quanh những vấn đề đang gây bất đồng sâu sắc giữa Mỹ - Trung như Đài Loan, hay cuộc cạnh tranh giữa sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc với sáng kiến B3W "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" của Mỹ và nhóm G7 nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng phạm vi toàn cầu ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình.
Ngoài ra, chương trình hạt nhân của Triều Tiên hiện không còn là ưu tiên hàng đầu đối với Mỹ - Trung, bởi hai cường quốc kinh tế đang tập trung giải quyết những bất đồng trong quá trình cạnh tranh tầm ảnh hưởng ở khu vực.
Ông Kang Jun-young, Giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hankuk, nhấn mạnh mối quan hệ Hàn – Triều và Mỹ - Triều vẫn đang rơi vào bế tắc. Do đó, Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các bên khai thông thế bế tắc để tiến tới các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Nhưng theo ông Kang, Trung Quốc sẽ không làm như vậy, bởi Bắc Kinh có thể sử dụng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên làm đòn bẩy trong các mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Hàn Quốc.
“Trung Quốc lâu nay kêu gọi Triều Tiên dừng tiến hành các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân, đồng thời yêu cầu Mỹ - Hàn dừng tập trận quân sự chung. Trong khi đó, tuyên bố về việc chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa Hàn – Triều, cùng tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vẫn đang bị chi phối bởi quan điểm của Mỹ, do Washington nhấn mạnh điều Bình Nhưỡng cần làm trước tiên là thực hiện những biện pháp giải trừ hạt nhân để tạo bước ngoặt trong đối thoại phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, Korea Times dẫn lời ông Kang.
Cũng theo ông Kang, hiện Mỹ - Trung vẫn đối lập quan điểm về vấn đề Triều Tiên. Cụ thể, trong phiên họp gần nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) vào ngày 29/10, Trung Quốc và Nga đã kêu gọi LHQ xóa bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, dù Mỹ không đồng tình.
Ông Kang nói thêm, thông qua cuộc họp trực tuyến đầu tiên vào ngày 15/11 tới, Mỹ - Trung muốn gửi đi thông điệp mang tính biểu tượng rằng hai nước có thể kiểm soát những nguy cơ liên quan tới sự đối đầu gia tăng. Song thực thế, sự ganh đua của Mỹ - Trung đang ảnh hưởng tới an ninh kinh tế và chính trị của các nước láng giềng. Ngoài ra, cuộc họp sắp tới được cho sẽ không đạt được kết quả hay thỏa thuận nào đột phá, do Mỹ - Trung vẫn duy trì quan điểm cứng rắn trước những vấn đề đối đầu giữa hai bên.
Ông Park Won-gon, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Nữ Ewha, nhận định cả Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đều nhận thức rõ quan điểm của hai nước về vấn đề hạt nhân Triều Tiên là hoàn toàn đối lập, do đó khả năng hai bên tiến tới thỏa thuận ở thời điểm hiện tại là rất thấp. Nói cách khác, ông Biden và ông Tập dường như sẽ không đưa vấn đề Triều Tiên vào trọng tâm thảo luận trong cuộc họp trực tuyến sắp tới.
“Chính quyền của Tổng thống Biden hiện không đặt nặng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, bởi họ hiểu rõ Triều Tiên và nhận thấy đây là vấn đề vô cùng phức tạp nên không thể giải quyết trong khoảng thời gian ngắn”, ông Park cho hay thay vào đó, ông Biden và ông Tập sẽ chỉ tái cam kết quan điểm cơ bản là muốn giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua đối thoại để xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Liên quan tới tuyên bố gần đây của Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby về việc Trung Quốc có năng lực tác động để hướng Triều Tiên tới một giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân gây tranh cãi, và Bắc Kinh cần gia tăng tầm ảnh hưởng với Bình Nhưỡng bằng cách thi hành các biệp pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an, ông Park cho rằng Mỹ cần từ bỏ ý nghĩ Trung Quốc có thể kiểm soát được Triều Tiên.
Bởi theo ông Park, vụ tử hình người chú quyền lực của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un là ông Jang Song-thaek vào cuối năm 2013 là bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng “không nể mặt” Bắc Kinh. Ông Jang trước đó được xem là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong quan hệ Trung – Triều.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận