‘Nội chiến’ tại Vinaconex: ‘Hé lộ’ nhiều bất ngờ trước thềm ĐHCĐ
Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh hé lộ "sẽ không có thay đổi nhân sự tại cuộc họp ĐHCĐ lần này, đại diện cổ đông lớn đã ngồi lại với nhau để tìm một hướng đi tốt đẹp hơn". Trong khi đó, nhiều tin đồn đoán hai cổ đông lớn là Star Invest và Cường Vũ sẽ rút lui.
Ngày 28/6 tới đây, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - HNX: VCG) sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019.
Trước đó, Vinaconex đã phải hoãn kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 dự kiến diễn ra vào ngày 23/4/2019, vì lý do đang bị Tòa án Đống Đa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019 bầu HĐQT theo đơn yêu cầu của cổ đông lớn Star Invest và Bất động sản Cường Vũ.
Thông tin trên báo điện tử Dân Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinaconex Đào Ngọc Thanh cho biết phiên họp sẽ diễn ra bình thường và chỉ xoay quanh câu chuyện kết quả kinh doanh và định hướng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới. Và “sẽ không có thay đổi nhân sự tại cuộc họp lần này", ông Thanh tiết lộ.
“Sau những bất đồng về một số điểm trong chủ trương phát triển doanh nghiệp, đại diện cổ đông lớn đã ngồi lại với nhau để tìm một hướng đi tốt đẹp hơn", vị Chủ tịch Vinaconex chia sẻ thêm.
Nếu thực tế đúng như chia sẻ của ông Thanh, có nghĩa 2 nhóm cổ đông lớn là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ – cổ đông lớn nắm 21,28% vốn, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest giữ 7,57% vốn cùng với An quý Hưng - cổ đông nắm 51% vốn đã tìm được hướng đi chung.
Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, sau khi Tòa án hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/1/2019, Hội đồng quản trị của Vinaconex hoạt động trở lại thì trên thị trường có nhiều lời đồn đoán nhiều khả năng hai cổ đông lớn là Star Invest và Cường Vũ sẽ rút lui.
Dù tin đồn chưa được xác thực nhưng nó vẫn là minh chứng cho thấy cuộc "nội chiến" ở Vinaconex vẫn chưa tới hồi kết và Đại hội cổ đông tới đây tiềm ần nhiều yếu tố bất ngờ. Nhóm cổ đông chi phối An Quý Hưng và nhóm các cổ đông lớn khác dường như vẫn đầy hoài nghi về nhau và chưa thể chung “một con thuyền”.
Thực tế, sau khi “về tay” An Quý Hưng, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinaconex đã không khởi sắc như mong đợi, cổ phiếu có thời điểm rớt giá mạnh và các mâu thuẫn nội bộ ngày càng trầm trọng, tới mức đáo tụng đình khiến cán bộ, nhân viên cũng như cổ đông hoang mang, lo lắng.
Bên cạnh đó, là công ty Mẹ của Vinaconex nhưng An Quý Hưng có hoạt động kinh doanh không được thuận lợi, thậm chí đang “gánh nợ” nặng nề. Báo cáo tài chính của An Quý Hưng thể hiện rõ, tính đến cuối năm 2018, An Quý Hưng có nợ dài hạn lên tới 8.000 tỷ đồng. Nếu tính theo mức lãi suất của VPBank năm 2019, mỗi năm An Quý Hưng sẽ phải trả khoảng 500- 600 tỷ tiền lãi.
Mới đây, An Quý Hưng và An Quý Hưng Land chào bán tổng cộng hơn 5.000 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là 255 triệu cổ phiếu VCG, tương đương toàn bộ gần 58% cổ phần Vinaconex mà An Quý Hưng sở hữu sau thương vụ đấu giá đình đám vào tháng 11 năm ngoái. Tính theo giá thị trường, lô cổ phiếu này có giá gần 7.000 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo tốt, lãi suất cao tới 12%, nhưng An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông không huy động được một đồng nào trên thị trường chính thức.
Giới quan sát cho rằng, việc cổ đông lớn của Vinaconex bị áp lực tài chính có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông nhỏ hơn bởi chính các quyết định quản trị bị chi phối bởi cổ đông lớn, ảnh hưởng đến định hướng chiến lược, phát triển dài hạn của Vinaconex.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận