Nới biên độ giá sàn HOSE, khó khả thi
Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường và một lần nữa, đề xuất nới biên độ giao dịch trên sàn HOSE từ 7% lên 10% được đưa ra.
Tính hai mặt của nới biên độ giao dịch
Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) vừa đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, trong đó có nội dung nâng biên độ giá cổ phiếu trên sàn HOSE từ 7% lên 10% ngay trong năm nay để đáp ứng sự phát triển mới của thị trường.
Theo VFCA, trong bối cảnh hiện tại, khi thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh cả về điểm số và thanh khoản thì việc nâng biên độ dao động giá có thể là một giải pháp tích cực nhằm tăng tính hấp dẫn cho thị trường.
Nhìn nhận về đề xuất này, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc tăng biên độ dao động giá có thể giúp thị trường bớt “méo mó”, các thông tin tích cực và tiêu cực sẽ được phản ánh nhanh hơn vào diễn biến giá cổ phiếu, từ đó giúp cho trạng thái cung - cầu trên thị trường có thể nhanh chóng cân bằng trở lại.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, việc nới biên độ cũng sẽ tạo ra những rủi ro nhất định cho thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư, nếu không có nền tảng kiến thức tốt về quản trị rủi ro cho danh mục. Theo đó, các công ty chứng khoán sẽ phải quản trị rủi ro tốt hơn và tập trung cấp margin vào các cổ phiếu có chất lượng.
Ông Phan Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Agribank (mã AGR) cho rằng, từ năm 2000 đến nay, HOSE đã thực hiện 9 lần thay đổi biên độ dao động giá, trong đó có 7 lần điều chỉnh tăng và 2 lần điều chỉnh giảm, biên độ HOSE được điều chỉnh tăng nhẹ từ 2%, sau đó 3% và giữ ở mức 7% trong nhiều năm gần đây.
Theo ông Tuấn, hiện tại, khi các yếu tố cơ bản được kiểm soát, thị trường có dấu hiệu ổn định trở lại, thanh khoản sàn HOSE thường xuyên duy trì ở mức cao thì việc nâng biên độ lên 10% cũng là hợp lý để tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán, song đây cũng chỉ là một biện pháp về mặt kỹ thuật, quan trọng vẫn là phát triển các sản phẩm để thu hút dòng tiền như cổ phiếu được mua bán trong ngày…
Thực tế, mỗi một đề xuất hay ý kiến thường xuất phát từ góc nhìn cụ thể của từng thành viên thị trường và có thể chưa hoàn toàn mang tính tham chiếu hay đại diện cho phần còn lại của thị trường, dù mục đích vẫn luôn là đóng góp vào sự phát triển chung thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.
Nhìn lại lịch sử kể từ khi mở cửa thị trường chứng khoán Việt Nam từ ngày 28/7/2000 đến nay, biên độ giao dịch của cổ phiếu trên HOSE đã nhiều lần được điều chỉnh và những lần điều chỉnh này đều dựa trên diễn biến giao dịch cụ thể trên thị trường ở mỗi giai đoạn.
Theo đó, việc điều chỉnh biên độ giao dịch cũng chỉ là một trong nhiều giải pháp để đạt được các mục tiêu điều tiết thị trường của cơ quan quản lý ở những giai đoạn khác nhau, và không phải là yếu tố quyết định đến các diễn biến sau đó trên thị trường.
Cần đồng bộ với các giải pháp khác
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, việc kiểm soát biên độ chỉ nên áp dụng trong giai đoạn thị trường mới mở cửa để bảo vệ thị trường khi nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm và kiến thức.
Với sự phát triển của thị trường chứng khoán trong 20 năm qua và đặc biệt trong gần 2 năm gần đây, cơ quan quản lý cần cân nhắc lộ trình nâng dần biên độ giao dịch cùng với xây dựng cơ chế ngắt mạch thị trường trong các trường hợp khẩn cấp.
Ông Khoa cũng dẫn ra ví dụ, việc mở rộng biên độ giao dịch tại một số thị trường chứng khoán trong khu vực như Đài Loan (từ 7% lên 10% năm 2015) hay Hàn Quốc (từ 15% lên 30% cùng năm 2015) cũng có ảnh hưởng đến thị trường theo hướng giá cổ phiếu vận động linh hoạt hơn, phản ánh chính xác hơn sự vận động của doanh nghiệp.
Trong ngắn hạn dù có thể gây ra một số biến động, nhưng việc nới biên độ giao dịch nhìn chung đều mang lại hiệu quả tích cực cho các thị trường này trong dài hạn.
Nhìn nhận nới biên độ giá là một giải pháp tốt, nhưng đại diện BVSC cho rằng, việc áp dụng giải pháp này sẽ phải chờ thời điểm thích hợp, phụ thuộc vào biến động của thị trường trong thời gian tới.
Ngoài giải pháp này, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện khung cơ sở pháp lý và triển khai thêm các sản phẩm mới để giúp thị trường sớm được đưa vào danh sách nâng hạng lên thị trường các nước mới nổi của MSCI trong thời gian sớm nhất.
Để thị trường chứng khoán phát triển ổn định và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, theo các chuyên gia trong ngành, trước mắt cần đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin hoạt động thông suốt. Bên cạnh đó, có thể xem xét cho phép giao dịch trở lại lô 10 cổ phiếu trên sàn HOSE để đáp ứng nhu cầu của những nhà đầu tư với giá trị tài sản thấp, nhìn xa hơn là các giải pháp như triển khai T+0...
Ngoài biện pháp kỹ thuật thì cần tạo hàng hóa mới cho thị trường chứng khoán thông qua việc nghiên cứu triển khai sản phẩm phái sinh như quyền chọn hay chứng khoán điện tử và đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn liền với niêm yết, giao dịch cổ phiếu…
Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VCBS nhận xét, sự phát triển của thị trường chứng khoán là một quá trình tất yếu đi cùng với sự đi lên của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, chứng khoán bao gồm rất nhiều sản phẩm tài chính khác nhau.
Dù hiện tại cũng đã có khá nhiều loại “hàng hóa” được giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm cả một số sản phẩm chứng khoán phái sinh, nhưng mức độ đa dạng các loại hình sản phẩm vẫn chưa so sánh được với các thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới.
“Việc tiếp tục triển khai giao dịch các sản phẩm mới sẽ là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo sức hút của thị trường với dòng tiền của nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế cũng như sự phát triển chung của thị trường tài chính Việt Nam trong dài hạn”, ông Hoàng nói.
Hay nói như Chủ tịch AGR Phan Văn Tuấn, “nới biên độ cũng chỉ là một biện pháp về mặt kỹ thuật, quan trọng vẫn là phát triển các sản phẩm để thu hút dòng tiền như cổ phiếu được mua bán trong ngày…”
Ghi nhận ý kiến từ nhiều nhà đầu tư, thời điểm này, các sản phẩm mới liên quan đến hình thức giao dịch T+0, bán cổ phiếu chờ về được mong đợi hơn so với việc nâng biên độ giá, hay giao dịch lô nhỏ cổ phiếu.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý kiên định với quan điểm hạn chế can thiệp hành chính vào thị trường. Biên độ giao dịch trên sàn HOSE đã được quy định tại Thông tư số 120/2020/TT-BTC về giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam quyết định biên độ dao động giá sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Theo cơ quan này, ở thời điểm hiện tại, thị trường vẫn đang được vận hành tốt, thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao, bởi vậy, việc thay đổi biên độ chưa phải là một giải pháp cấp bách, mà sẽ tập trung vào việc vận hành thị trường thông suốt, ổn định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận