Nợ xấu bắt đầu “căng”
Các con số nợ xấu được các tổ chức tín dụng công bố vẫn ở mức khá thấp, thậm chí có xu hướng giảm so với năm trước. Trong khi đó, cả cơ quan chức năng, các đơn vị nghiên cứu và ngân hàng đều quan ngại và cảnh báo về rủi ro nợ xấu tiềm ẩn ở mức cao trong thời gian tới.
TPBank là ngân hàng đầu tiên tiết lộ kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm với lợi nhuận trước thuế gần 4.400 tỷ đồng, đạt 75,76% kế hoạch cả năm. Cuối quý III, tỷ lệ nợ xấu của TPBank được kiểm soát ở mức 1,02%, thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ 1,43% một năm trước đó. Theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, tỷ lệ nợ xấu bình quân cuối quý II/2021 của 17 ngân hàng niêm yết giảm xuống mức 1,49% so với mức 1,54% tại cuối 2020 và mức 1,81% tại thời điểm cuối quý II/2020.
Đó là những con số lạc quan nếu không xét trong bối cảnh các ngân hàng đang thực hiện Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp. Việc áp dụng Thông tư này giúp nợ xấu được công bố có thể vẫn ở mức thấp song thực chất những khoản nợ được cơ cấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngân hàng.
Tính đến ngày 31/8/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, tổng số nợ được tái cơ cấu từ 23/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng. Con số trên sẽ tiếp tục gia tăng và rủi ro nợ xấu tiềm ẩn sẽ tăng theo.
Tại phiên họp thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Đây là kết quả được dự báo khi các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ.
Tại cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD trong quý IV/2021 do NHNN thực hiện mới đây, các TCTD nhận định, mặt bằng rủi ro (MBRR) tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục chiều hướng tăng rõ rệt, với 50,5% TCTD nhận định MBRR tăng trong quý III/2021, 33,7% TCTD dự báo MBRR tăng trong quý IV/2021 và 50,5% TCTD dự báo MBRR tăng trong cả năm 2021, cao hơn nhiều so với tỷ lệ các TCTD nhận định MBRR tăng ở kỳ điều tra quý III (tương ứng 27,2%, 23,3% và 39,8%). Nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong quý III/2021 được các TCTD nhận định có chiều hướng tăng nhẹ so với quý II/2021.
Trong khi đó, tại báo cáo chiến lược đầu tư tháng 10, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, sau một quý thực hiện giãn cách tại TP.HCM, bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng đang là vấn đề được quan tâm nhiều hơn. VDSC duy trì kỳ vọng nợ xấu và nợ được cơ cấu lại của ngành ngân hàng tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm, tuy nhiên nợ xấu sẽ có độ trễ và có sự lệch pha về tốc độ tăng giữa các ngân hàng. Theo nhóm nghiên cứu này, điểm rơi về nợ xấu sẽ chủ yếu ở quý IV.
Từ góc độ các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, nguồn lực của các TCTD đến nay đã dần suy giảm, những khoản nợ dù đã được cơ cấu lại nhưng bản chất nền tảng vẫn là nợ xấu, chỉ khác là ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro ngay.
Hiện các ngân hàng thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, bên cạnh đó, gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng cũng đang được tính toán. Bài học từ chính sách hỗ trợ tín dụng với gói cấp bù lãi suất 17 nghìn tỷ đồng năm 2009 vẫn còn nguyên giá trị với hậu quả là phải thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) để xử lý nợ xấu lên đến mức 17,12% tổng dư nợ vào năm 2012. Do đó, theo ông Hùng, chính sách phải đủ mạnh để đẩy nguồn tín dụng đến với doanh nghiệp nhưng cũng cần bảo vệ được ngân hàng trước khoản nợ xấu có thể rất lớn trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận