Nỗ lực giữ ổn định lãi suất
Đầu tháng 10/2019, thị trường ngân hàng liên tục đón tin vui khi Napas, CIC tiếp tục điều chỉnh giảm phí dịch vụ cho các ngân hàng...
Trước đó, NHNN giảm một loạt lãi suất điều hành chủ chốt thêm 0,25%/năm. Cộng hưởng những thay đổi chính sách trên sẽ tác động ra sao đối với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, cũng như mặt bằng lãi suất. Để tìm ra câu trả lời, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã trao đổi với ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB.
Theo ông, việc giảm phí của Napas và CIC sẽ tác động ra sao đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng?
Dù tác động trực tiếp không quá lớn nhưng tôi cho rằng, đây là động thái tích cực hỗ trợ cho các ngân hàng giảm chi phí hoạt động. Thực tế, số lượng các giao dịch, thanh toán các món giá trị nhỏ tại các ngân hàng là rất lớn. Ví dụ, tại OCB, tổng giá trị thanh toán trong tháng 9 đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, nhưng có tới hơn 40.000 giao dịch.
Do vậy, việc Napas giảm phí cũng sẽ hỗ trợ nhất định chi phí hoạt động cho các ngân hàng. Có thể hiện tại mức hỗ trợ chưa nhiều, nhưng sau này khi quy mô, số lượng giao dịch tăng, việc giảm phí sẽ tác động đáng kể đến chi phí kinh doanh ngân hàng.
Đối với CIC cũng tương tự như vậy. Nhu cầu truy xuất thông tin từ CIC của các ngân hàng ngày càng cao và rất đa dạng. Các ngân hàng không chỉ lấy số liệu từng khách hàng mà muốn thêm những đánh giá, phân tích về những khách hàng đó từ CIC. Nhất là trong giai đoạn này các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động bán lẻ nên số lượng khách hàng ngày càng lớn.
Tôi lấy ví dụ, một ngân hàng cho vay bán lẻ tới cả nghìn khách hàng, CIC chỉ cần giảm nhẹ phí đã hỗ trợ rất tốt giảm gánh nặng chi phí hoạt động cho ngân hàng. Đây cũng là những thay đổi tích cực phù hợp với định hướng của NHNN.
Những động thái trên có giúp giảm lãi suất huy động hay không, thưa ông?
Đối với lãi suất huy động, không phải gần đây mà từ đầu năm đến nay có diễn biến “phức tạp”. Phức tạp được hiểu là các ngân hàng muốn tăng huy động không hoàn toàn phục vụ cho đầu ra mà có thêm lý do quan trọng nữa là đáp ứng các chỉ số thanh khoản ngày càng chặt chẽ, buộc các ngân hàng phải tăng cường huy động vào cho dù thanh khoản trên thực tế vẫn đảm bảo, nguồn vốn kinh doanh đáp ứng đủ.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã giảm còn 40% và dự kiến sẽ giảm tiếp về còn 30%. Vì vậy, các ngân hàng phải chuẩn bị các phương án để khi thực hiện không bị sốc.
Vấn đề nữa khiến các ngân hàng phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động tốt là nguồn tiền gửi giá rẻ từ cơ quan Kho bạc Nhà nước… dự kiến sẽ không còn dư dả khi các công trình vốn ngân sách được giải ngân nhanh hơn giai đoạn đầu cũng đặt ra yêu cầu huy động vốn cao hơn đối với các ngân hàng. Chưa kể hiện nay người dân cũng có phương án đầu tư khác nhau như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… Muốn giữ chân khách hàng, các ngân hàng cũng phải căng mình giữ lãi suất huy động cho phù hợp.
Do đó, theo tôi, mặt bằng lãi suất huy động sẽ duy trì như hiện nay.
Lãi suất huy động vẫn ở mức như hiện tại lãi suất cho vay có thể giảm không, thưa ông?
Không hẳn là như vậy, Tôi nghĩ rằng, lãi suất cho vay cũng tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh mỗi ngân hàng, đồng thời tùy từng lĩnh vực cho vay. Giả sử đối với lĩnh vực bất động sản chắc chắn là không giảm lãi suất. Còn những DN trong lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, sản xuất kinh doanh… có kết quả hoạt động tốt vẫn có thể tiếp tục nhận được ưu đãi lãi suất từ các ngân hàng. Hiện tại, số lượng DN xuất khẩu, sản xuất kinh doanh tốt trong các ngành nghề khác tại Việt Nam không có quá nhiều nên các ngân hàng phải cạnh tranh rất gay gắt để lôi kéo khách hàng tốt vay vốn.
Và một khi có sự cạnh tranh mạnh như vậy, các ngân hàng có thể chấp nhận giảm lãi suất để dành quyền tài trợ vốn cho DN. Nếu việc này diễn ra, đối tượng khách hàng khu vực này được hưởng lợi với mặt bằng lãi suất cho vay giảm. Mà điều này cũng đúng định hướng của NHNN cho vay các DN hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên…
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận