24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tuấn Việt
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nợ công “níu bước” tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Nợ công toàn cầu ở mức cao kỷ lục 307.400 tỷ USD đang trở thành gánh nặng “níu bước” tăng trưởng của nhiều nền kinh tế. Cuối tuần qua, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã kêu gọi Italia, Pháp, Tây Ban Nha “thắt lưng buộc bụng” để giải quyết tình trạng nợ và thâm hụt tài chính ngày càng tăng.

Viện Tài chính quốc tế (IIF) vừa công bố báo cáo ước tính nợ toàn cầu đến cuối năm nay sẽ lên tới 310.000 tỷ USD, tăng 25% trong 5 năm. Trong quý III vừa qua, nợ chính phủ có mức tăng lớn nhất, trong khi nhiều quốc gia ghi nhận mức thâm hụt ngân sách ở mức cao hơn nhiều so với trước đại dịch COVID-19. Khoảng 65% số nợ tăng trong quý vừa qua tập trung ở các nền kinh tế phát triển, dẫn đầu là Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Anh. Các nền kinh tế mới nổi lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mexico, cũng ghi nhận mức nợ công tăng mạnh.

Tại châu Âu, tỷ lệ nợ công vẫn đáng lo ngại ở một số nền kinh tế từng trải qua khủng hoảng nợ tồi tệ hơn 10 năm trước, như Tây Ban Nha, Italia. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva vừa kêu gọi Italia, Pháp, Tây Ban Nha nỗ lực hơn trong việc giải quyết tình trạng nợ. Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Georgieva cho rằng việc triển khai các biện pháp tài chính mạnh nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 khiến tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thâm hụt ngân sách tại Italia, Pháp, Tây Ban Nha tăng cao.

Do đó, các nước này cần “thắt lưng buộc bụng” và điều chỉnh tài chính để giải quyết tình trạng nợ và thâm hụt tài chính ngày càng tăng. Đối với Italia, người đứng đầu IMF cảnh báo rằng vấn đề nợ ở nước này đã trở nên nghiêm trọng khi tốc độ tăng trưởng đang bị chậm lại do chính phủ rút lại các biện pháp hỗ trợ chính sách.

Trong khi đó, báo cáo của IIF cảnh báo rằng tỷ lệ nợ trên GDP đang tăng ở các nền kinh tế đang phát triển và nợ xấu của chính phủ đã lên mức kỷ lục. Dù tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu ít thay đổi ở mức 333%, tỷ lệ này lên tới 255% tại các thị trường mới nổi, tức cao hơn 32 điểm phần trăm so với cùng kỳ 5 năm trước, chủ yếu do nợ công của Nga, Trung Quốc, Saudi Arabia và Malaysia tăng. Bên cạnh đó, báo cáo của IIF cảnh báo rằng nợ xấu chính phủ đã đạt mức cao kỷ lục trên 554 tỷ USD cho đến cuối năm 2022, trong đó khoảng một nửa là nợ trái phiếu.

Một vấn đề đáng lo ngại là nợ công có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, một phần do chính sách dân túy của một số chính phủ sau bầu cử. Các chuyên gia của IIF tính toán rằng, sẽ có hơn 50 cuộc bầu cử diễn ra trong năm 2024, trong đó có bầu cử tại Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. Ông nhấn mạnh trước sự phân cực chính trị và căng thẳng địa chính trị gia tăng, các chính sách dân túy có thể được thực thi sau bầu cử, như việc nới lỏng kỷ luật tài chính, làm gia tăng khoản vay và chi tiêu của chính phủ, sẽ làm gia tăng “gánh nặng nợ công” trên quy mô toàn cầu.

Ngoài việc nợ công tăng cao, gánh nặng nợ nần đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp cũng đang gia tăng, nhất là ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ. Nợ công và các loại nợ nêu trên đang và sẽ tác động tiêu cực đến chính sách của nhiều quốc gia, làm hạn chế các giải pháp kích cầu, theo đó “níu bước tăng trưởng” kinh tế toàn cầu. Vấn đề nợ công như trên còn trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn và xung đột vũ trang, bất ổn chính trị đang bùng phát ở nhiều “điểm nóng” trên thế giới hiện nay và tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo ở mức thấp trong năm tới.

Tuần trước, một số ngân hàng lớn trên thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại hơn nữa trong năm 2024, vì lãi suất ở mức cao, giá năng lượng cao hơn, cũng như tốc độ tăng trưởng ở hai đầu tàu kinh tế là Mỹ và Trung Quốc đã giảm tốc. Theo kết quả một cuộc thăm dò của Hãng tin Reuters, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng 2,9% trong năm 2023 và 2,6% vào năm 2024. Chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến triển vọng tương lai của kinh tế thế giới.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể yếu đi do các công ty tìm cách chuyển địa điểm sản xuất ra khỏi nước này nhằm giảm chi phí. Bên cạnh đó, cuộc xung đột ở Ukraine, bạo lực giữa Hamas và Israel leo thang sẽ cản bước tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh nêu trên, cùng với kích cầu tăng trưởng, khống chế nợ công đang trở thành nhiệm vụ cấp bách ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả