menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thị Phương Huế

Nợ công năm nay khoảng 4 triệu tỷ đồng

Nợ công tính đến cuối năm nay khoảng 4 triệu tỷ đồng, tương đương 39-40% GDP, theo Chính phủ.

Chiều 23/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Chính phủ vay gần 1,32 triệu tỷ đồng trong 3 năm (2021-2023), đạt gần 43% kế hoạch. Trong đó, ngân sách trung ương vay xấp xỉ 1,28 triệu tỷ đồng. Nguồn vay chủ yếu từ trong nước, qua phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài (bình quân 12,6-13,92 năm), với lãi suất ưu đãi.

Chính phủ cho biết việc huy động, trả nợ công và các chỉ tiêu an toàn nợ công, hạn mức vay, bảo lãnh của Chính phủ, vay nợ chính quyền địa phương, đều đảm bảo mục tiêu đề ra.

Cụ thể, nợ công đến cuối năm nay khoảng 4 triệu tỷ đồng, tương đương 39-40% GDP năm 2022. Xét về số tuyệt đối, mức này cao hơn khoảng 400.000 tỷ đồng so với nợ công 2021 (quy mô GDP 2021 khoảng 8,47 triệu tỷ), nhưng thấp hơn 2,7-3,7% nếu tính về tỷ lệ nợ/GDP.

Chỉ số nợ công, nợ nước ngoài Việt Nam 2018-2023

Chỉ tiêu nợ (%) Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021 Năm 2022 Năm 2023 (*)
Nợ công/GDP 53,3 55 55,9 42,7 37,4 39-40
Nợ Chính phủ/GDP 58,3 55 55,9 42,7 38 36-37
Nợ nước ngoài quốc gia/GDP 46 47,1 47,9 38,4 36,1 37-38
Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài/Xuất nhập khẩu 7 5,9 5,7 6,2 6,9 7-8
Nghĩa vụ trả nợ/Thu ngân sách 17,1 17,4 21,2 21,5 15,7 20-21

(*) Ước tính thực hiện 2023

Chính phủ cho biết, quản lý nợ công phát sinh khó khăn khi quy mô thị trường trái phiếu trong nước chưa phát triển, điều kiện vay chặt hơn, trong khi áp lực vay vốn lớn. Huy động vốn ODA, ưu đãi nước ngoài cũng khó khăn, giải ngân đạt thấp so với dự toán.

Nợ công năm nay khoảng 4 triệu tỷ đồng
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội, chiều 23/10. Ảnh: Hoàng Phong

Năm nay, Chính phủ vay hơn 604.300 tỷ đồng (bằng 94% kế hoạch). Trong số này, khoảng 589.000 tỷ đồng vay để trả nợ gốc ngân sách trung ương. Cơ quan thẩm tra nhận xét, tỷ lệ này có xu hướng tăng trong năm 2024 (khoảng 42%) cho thấy xu hướng phải tăng vay để trả nợ gốc.

Mức vay dự kiến năm 2024 là hơn 676.000 tỷ đồng, trong đó gần 55% vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương (372.900 tỷ đồng). Khoản vay để trả nợ gốc của ngân sách Trung ương là 287.034 tỷ đồng và vay về cho vay lại 16.123 tỷ đồng.

Với mức vay, trả nợ này, Ủy ban Tài chính ngân sách khi thẩm tra dự báo nợ công 2024 khoảng 39-40% GDP nếu tăng trưởng GDP tích cực.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, số tuyệt đối và tỷ lệ vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước năm sau khoảng 24-25%, tiệm cận mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội.

"Chính phủ cần dành nguồn tăng thu để tăng chi trả nợ gốc, quản lý chặt huy động, sử dụng các khoản vốn vay bù đắp bội chi và trả nợ gốc ngân sách. Trái phiếu Chính phủ phát hành gắn với khả năng giải ngân chi, trả nợ gốc của ngân sách", Ủy ban Tài chính ngân sách góp ý.

Về kế hoạch ngân sách 5 năm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết dự kiến tổng thu ngân sách 5 năm (2021-2025) trên 8,4 triệu tỷ đồng, tỷ lệ huy động thu ngân sách 16,4% GDP; huy động từ thuế, phí 13,4% GDP. Chi ngân sách 5 năm khoảng 10,14 triệu tỷ đồng. Mức bội chi 5 năm khoảng 3,7% GDP.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng huy động nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài ngày càng khó khăn. Với vị thế là nước thu nhập trung bình thấp, hiện Việt Nam phải tiếp cận các khoản vay gần điều kiện thị trường, các nhà tài trợ cũng chào vay với các điều kiện tài chính kém thuận lợi hơn trước đây, lãi suất chủ yếu thả nổi.

Ủy ban này đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ việc vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng; tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ, thu ngân sách năm 2024 tăng khá lớn và huy động vốn trái phiếu Chính phủ hằng năm trong khi tồn dư ngân sách lớn, số dư nguồn cải cách tiền lương không thể sử dụng.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá tính hợp lý của phương án huy động vốn; trách nhiệm huy động, phân bổ vốn ODA và đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại kéo dài, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại