24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Thị Lâm Oanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nikkei: Nhà đầu tư F0 tràn ngập thị trường và quan niệm về tài sản của người Việt thay đổi

Việc số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng đột biến trong năm ngoái mang đến bước ngoặt quan trọng cho thị trường Việt Nam.

Tháng 3/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam khó khăn trong tình hình chung của thị trường chứng khoán toàn thế giới. Ngày qua ngày, các chỉ số giảm điểm khi mà các thông tin về đại dịch cứ ngày một xấu đi. Thế nhưng thay vì hoảng sợ, anh Đinh Thành Công quyết định mở tài khoản chứng khoán.

Bạn bè của anh nói với anh rằng khi cổ phiếu rẻ là cơ hội để mua vào, chính vì vậy anh Công chính thức trở thành nhà đầu tư chứng khoán. Chỉ riêng trong năm 2020, Việt Nam có 400.000 tài khoản chứng khoán mới.

Việc số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng đột biến trong năm ngoái mang đến bước ngoặt quan trọng cho thị trường Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng tiền từ tiết kiệm đã được chuyển sang chứng khoán, theo nhận định của Nikkei trong bài báo mới đây.

Có nhiều nhà đầu tư tìm kiếm lợi suất cao, một số người khác đầu tư bằng tiền của bố mẹ hoặc đơn giản vì họ thích làm như vậy trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 phải ngồi nhà, theo phân tích của nhiều chuyên gia.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Mỹ khi mà nhiều người Mỹ mắc kẹt ở nhà và lựa chọn đầu tư bằng nhiều hình thái thông qua các ứng dụng như một kênh kiếm thêm. Người Việt Nam trong khi đó lựa chọn ứng dụng trên điện thoại di động để giao dịch từ xa.

Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, những nhà đầu tư F0 tràn ngập thị trường chứng khoán Việt Nam vì những lý do sau: lãi suất giảm, nhiều người gửi tiền chuyển tiền sang chứng khoán để kiếm thêm lợi suất; người Việt có nhiều tiền để đầu tư hơn; nhiều doanh nghiệp không kinh doanh được trong thời kỳ đại dịch Covid-19 nên chuyển tiền sang cổ phiếu và những thanh niên trẻ được thừa kế từ bố mẹ - thế hệ doanh nhân khởi nghiệp từ thập niên 1980 cũng như các biện pháp giãn cách xã hội trong năm qua khiến cho nhiều người ở nhà và chúi mũi vào điện thoại di động.

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, hiện đang có 2,7 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân nội địa, tăng 16,8% so với năm 2019. Xu thế tham gia vào thị trường chứng khoán ngày một nhiều hơn đã tiếp nối sang năm nay, chỉ riêng trong tháng 1/2021, có thêm 86.000 tài khoản chứng khoán mở mới, cao hơn bất kỳ tháng nào trong năm 2020.

Phó tổng giám đốc công ty môi giới SBBS, ông Lim Shiu Beng, nói: “Chúng tôi chưa từng chứng kiến làn sóng người dân mở mới tài khoản chứng khoán mạnh như thế này”.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng được thị trường Việt Nam từ thị trường sơ khai lên thị trường mới nổi trên bộ chỉ số của MSCI và FTSE. Mục tiêu này muốn thành hiện thực sẽ cần đến nới lỏng các biện pháp kiểm soát, trong đó nổi bật nhất phải kể đến nâng trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và chấp nhận cho phép giao dịch trong ngày.

Trước đây, nhiều người Việt Nam thường nhắc đến những nhà đầu tư mới – nhà đầu tư F0 là những “con gà”, tức họ sẽ thua lỗ bởi các nhà đầu tư lâu năm hơn. Tuy nhiên, gần đây, thuật ngữ nhà đầu tư F0 đã được nhắc đến theo cách khác.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam, nhận xét việc làn sóng nhà đầu tư mới tham gia thị trường trong thời gian qua cho thấy rằng quan niệm của công chúng đã thay đổi, việc sở hữu cổ phiếu đã trở thành điều bình thường. Trước đây, người Việt nghĩ rằng: “Tôi hiểu cơ bản về các loại tài sản” nhưng giờ đây sẽ là “tôi có nhiều loại tài sản khác nhau”.

Năm 2019, lãi suất tiền gửi tại ngân hàng trên 8%. Tuy nhiên khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hạ lãi suất 3 lần. Các ngân hàng thương mại đã hành động tương ứng, chính vì vậy nhiều người chuyển tiền sang chứng khoán.

Nếu kinh tế thế giới hồi phục trong năm nay, lãi suất sẽ tăng lại. Tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố khác níu giữ người Việt tại thị trường chứng khoán, trong đó có việc giới chức dự kiến sẽ siết nguồn cung bất động sản – một loại tài sản đầu tư ưa thích của người dân. Số liệu của Cushman & Wakefield cho thấy doanh số bán căn hộ tại thành phố Hồ Chí Minh giảm 20% trong quý 4/2020, trong khi đó doanh số bán căn hộ tại Hà Nội giảm 52% cùng thời gian trên.

Cũng theo lý giải của chuyên gia, còn lý do khác khiến cho tiền vào chứng khoán lên mạnh, đó là sự trỗi dậy của tầng lớp người trẻ được thừa kế tài sản. Tính từ khi Việt Nam bắt đầu quá trình mở cửa nền kinh tế vào năm 1986, đến giờ đã hơn 30 năm. Ba thập kỷ sau, con cháu của thế hệ doanh nhân thời kỳ đầu này đến tuổi nắm quyền quản lý doanh nghiệp. Họ học ở nước ngoài, tiếp quản doanh nghiệp của cha mẹ, đầu tư tiền tích lũy vào cổ phiếu hoặc một số loại tài sản khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả