Niêm yết mới 'nhỏ giọt' trên HoSE và nỗi lo thiếu hàng khi được nâng hạng
Nhiều quỹ ngoại cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang quá tập trung, không có nhiều hàng hóa để lựa chọn.
Nửa đầu năm chỉ 1 đơn vị được cấp phép
Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (mã: MCM) vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) chấp thuận niêm yết vào ngày 24/5 vừa qua. Cổ phiếu MCM chính thức chào sàn HoSE vào ngày 25/6 với giá tham chiếu 42.800 đồng/cp.
Đây là doanh nghiệp đầu tiên được chấp thuận niêm yết trên HoSE tính từ đầu năm đến nay. HoSE đã đón chào 5 tân binh trước đó gồm Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (mã: VTP), Ngân hàng TMCP Nam Á (mã: NAB), CTCP Thủy điện Hủa Na (mã: HNA), CTCP Cảng Quy Nhơn (mã: QNP) và CTCP Chứng khoán Thành Công(mã: TCI). Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đều được HoSE chấp thuận niêm yết từ cuối năm trước.
Tình trạng số lượng hàng mới lên sàn HoSE “nhỏ giọt” không phải mới. Nếu như năm 2020, có đến 26 mã cổ phiếu và 5 chứng chỉ quỹ được niêm yết mới và đưa vào giao dịch thì qua 2021 giảm dần. Riêng 2023, HoSE chỉ có 5 tân binh là doanh nghiệp và 4 tân binh là chứng chỉ quỹ.
HoSE là sàn chứng khoán có tiêu chuẩn cao, minh bạch, đích đến của hầu hết các doanh nghiệp khi quyết định đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Giá trị giao dịch trên HoSE chiếm đến 90% toàn thị trường. Đồng thời, các quỹ đầu tư tổ chức cũng chỉ lưu ý đến những cổ phiếu trên HoSE để giải ngân.
Danh sách công ty nộp hồ sơ niêm yết mới trên HoSE còn 14 đơn vị, trong đó có nhiều doanh nghiệp nộp từ 2022 như Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, Tập đoàn Bất động sản CRV, Xây dựng và Năng lượng VCP… Xét từ đầu năm tới nay, Sở nhận thêm 4 bộ hồ sơ của Chứng khoán DSC, Chứng khoán DNSE, Điện lực Gelex, Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia.
Ngoài ra, tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên năm nay hàng loạt ngân hàng đề ra kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE như VietBank, BVBank, SaigonBank, ABBank… Hầu hết các ngân hàng đều xin ý kiến cổ đông phương án chuyển sàn từ các mùa ĐHCĐ trước và đã được thông qua nhưng chưa thực hiện. Lãnh đạo nhà băng bày tỏ nguyên nhân một phần do bối cảnh thị trường không thuận lợi, một phần do niêm yết là quá trình dài và phức tạp khó thực hiện ngay.
Thiếu hàng hóa khi được nâng hạng
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang đứng trước “con sóng lớn” mang tên nâng hạng. Tại báo cáo khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu mới công bố, Việt Nam đã có sự cải thiện trong khả năng chuyển nhượng nhờ sự gia tăng giao dịch ngoài sàn và chuyển nhượng hiện vật có thể được thực hiện mà không cần có sự phê duyệt của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục nỗ lực phát triển thị trường có kế hoạch giải quyết một số vấn đề về khả năng tiếp cận, chẳng hạn như giới hạn sở hữu nước ngoài, yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và việc thiếu công bố thông tin thị trường bằng tiếng Anh.
Tại buổi gặp gỡ báo chí gần đây, bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) chia sẻ tiêu chí cần phải có để TTCK Việt Nam được nâng hạng tại FTSE Russell là xóa pre-funding cho tất cả nhà đầu tư nước ngoài. Ở các nước khác, giải quyết vấn đề hết sức đơn giản do có hệ thống thanh toán bù trừ nhưng ở Việt Nam chưa có và NHNN cũng chưa cho các ngân hàng thương mại thực hiện động tác này.
Do vậy, UBCKNN đưa ra giải pháp cho các CTCK có thể xử lý, thanh toán hộ cho nhà đầu tư trong khi chờ NHNN và luật có thể thay đổi. “Một khi bỏ pre-funding thì cần phải có giải pháp xử lý nếu lệnh thất bại (trade fail), điều FTSE Russel yêu cầu là quy trình này cần được đồng hóa trên toàn thị trường. Đây là 2 tiêu chí chủ yếu để TTCK Việt Nam được nâng hạng”, bà Hằng nói.
Chuyên gia đến từ SSIAM cho biết thêm điều tiếp theo nên có là nới giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại). Việt Nam đang chiếm tỷ trọng 36% trong thị trường cận biên và có trên 20 cổ phiếu nằm trong danh sách đầu tư. Với room nước ngoài hiện tại, khi được FTSE Russel nâng hạng, tỷ trọng sẽ tăng nhưng lượng cổ phiếu đi vào trong danh sách được đầu tư giảm nhiều chỉ còn 10 – 11 cổ phiếu. Đây thực sự là điều đáng lo ngại.
UBCKNN và Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất làm việc với Bộ Công Thương để thúc đẩy doanh nghiệp rà soát lại toàn bộ danh mục ngành nghề đăng ký, ngành nào không thực sự kinh doanh thì bỏ đi để nâng room nước ngoài lên. Cá nhân bà Hằng cho rằng đây chỉ là bước đầu. Nếu nhìn trên tổng thể thị trường, ngân hàng và bất động sản chiếm đến hơn 60% tổng tỷ trọng của VN-Index. Các ngân hàng chỉ có room là 30%, bất động sản có cao hơn nhưng tiêu chí để đầu tư khác hơn so với nhiều ngành khác.
Do vậy, không chỉ nới room mà quan trọng hơn nữa là có thêm nhiều cơ hội đầu tư mới lên thị trường. Giải pháp đưa ra là làm sao để đẩy các công ty đang giao dịch trên UPCoM lên niêm yết trên HoSE mới tạo ra được thị trường đa dạng hóa hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang quá tập trung, không có nhiều cơ hội đầu tư mới.
“Nếu nhìn đi nhìn lại, danh mục đầu tư của các quỹ lớn rất giống nhau ở 5 hoặc 10 cổ phiếu đầu tiên vì không còn có sự lựa chọn nào khác. Vậy nên, điều thị trường cần làm nữa là đẩy nhanh tiến độ niêm yết cổ phiếu lớn trên sàn chứng khoán”, bà Hằng nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận