Niềm tin thị trường sớm nâng hạng
Dự báo thị trường chứng khoán 2021
Năm 2020 khép lại với diễn biến vượt ngoài kỳ vọng của các thành viên thị trường. Ông đánh giá thế nào về những điểm tích cực và những điểm cần lưu ý về thị trường năm qua?
Trong năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Tuy nhiên, nhờ dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát và với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã dần được khôi phục và nền kinh tế từng bước trở lại trạng thái bình thường.
Trên nền tảng ấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trong Top 10 thị trường chứng khoán có tốc độ tăng tốt nhất trên toàn cầu.
Tính đến ngày 31/12/2020, chỉ số VN-Index đạt 1.103,87 điểm, tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020 và tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019; chỉ số HNX-Index tăng 98,1% so với cuối năm 2019.
Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.294.000 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cuối năm 2019, tương đương 87,7% GDP năm 2019 và 84,1% GDP năm 2020.
Tổng dư nợ thị trường trái phiếu năm 2020 đạt khoảng 45,2% GDP năm 2020, tăng 17,6% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp là 15,1% GDP. Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán ước đạt 407.045 tỷ đồng, tăng 28% so với cuối năm 2019.
Thanh khoản của thị trường chứng khoán đạt mức cao kỷ lục. Trên thị trường cổ phiếu, giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt trên 10.393 tỷ đồng/phiên, tăng 13% so với năm 2019.
Số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường tăng mạnh, đạt trên 30.000 tài khoản mở mới mỗi tháng. Trong đó, riêng tháng 12/2020 đã có trên 63.600 tài khoản mở mới - mức cao nhất trong lịch sử. Tính đến cuối tháng 12/2020, số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt trên 2,77 triệu, tăng 16,7% so với cuối năm 2019.
Một dấu ấn không thể không nhắc tới trong năm 2020 là thị trường chứng khoán Việt Nam đã chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ thị trường cận biên theo hệ thống phân loại của MSCI kể từ đầu tháng 12/2020.
Dẫu vậy, cũng có điểm cần lưu ý là hoạt động huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa năm qua chỉ đạt 21.150 tỷ đồng, giảm 72% so với cuối năm 2019.
Để thị trường phát triển bền vững, hệ thống chính sách pháp luật chứng khoán cũng như các sắc luật khác có những điểm gì mới kể từ năm 2021, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Luật Chứng khoán 2019 cùng với 3 nghị định, 11 thông tư có hiệu lực từ đầu năm 2021 là hành lang pháp lý quan trọng giúp thị trường vận hành ổn định và bền vững.
Theo đó, các quy định chi tiết về phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài sẽ mang tới cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận nguồn vốn ngoại.
Các thay đổi trong xác định điều kiện trở thành công ty đại chúng, chính sách chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán chứng khoán riêng lẻ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào mua công khai, niêm yết chứng khoán… kỳ vọng tạo ra một thị trường hàng hóa chất lượng hơn.
Ngoài ra, không gian cho nhà đầu tư nước ngoài cũng mở hơn khi danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư được áp dụng từ năm 2021 được rút ngắn so với trước kia.
Các quy định của pháp luật chứng khoán về nghĩa vụ đăng ký mã số giao dịch của các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, nghĩa vụ công bố thông tin về sở hữu nước ngoài cũng được sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, hệ thống bù trừ thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) gắn với hệ thống công nghệ thông tin mới sẽ làm thay đổi cơ cấu thị trường, mà theo đó có nhiều cơ chế để đảm bảo an toàn cho hệ thống thanh toán và chỉ các thành viên có năng lực tài chính mới được tham gia vào hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, từ đó tiến tới nới lỏng yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).
Đặc biệt, các thẩm quyền mới được Luật Chứng khoán 2019 trao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) trong công tác thanh tra, kiểm tra sẽ giúp cơ quan quản lý TTCK tăng cường cơ chế giám sát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, bền vững.
Sức cầu đã mạnh hơn, song nguồn cung đang là câu chuyện được quan tâm. Thị trường có thể kỳ vọng như thế nào về nguồn cung hàng hóa mới cũng như nâng cao chất lượng hàng hóa trong năm mới?
Trong thời gian tới, UBCK sẽ tiếp tục tập trung vào việc tăng lượng cung hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng và phát triển đa dạng các loại sản phẩm trên cả ba khu vực thị trường: cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh.
Đối với thị trường cổ phiếu, tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán; tăng cường kiểm tra, đặc biệt là giám sát quá trình tăng vốn và sử dụng vốn trước khi đăng ký giao dịch và niêm yết; giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng, vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty để nâng cao chất lượng cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch.
Luật Chứng khoán 2019 đã nâng tiêu chuẩn về vốn đối với công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Quy định tình hình tài chính của doanh nghiệp niêm yết cũng theo hướng ngày càng thắt chặt và đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn hiện nay.
Đối với thị trường trái phiếu, đẩy mạnh sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu; phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường trên thị trường TPCP sơ cấp.
Bên cạnh đó, sẽ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ủy ban sẽ nghiên cứu, triển khai mô hình, cơ chế và hạ tầng công nghệ, kỹ thuật cho thị trường TPDN, phát triển thị trường TPDN thực sự thành kênh huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp bên cạnh thị trường cổ phiếu.
Ngoài ra, nghiên cứu việc triển khai các sản phẩm trái phiếu xanh (TPCP xanh và TPDN xanh) cho mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đối với thị trường chứng khoán phái sinh, đầu năm 2021, UBCK dự kiến sẽ đưa vào giao dịch sản phẩm Hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm, bên cạnh sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm đã được đưa vào giao dịch từ tháng 7/2019 nhằm cung cấp thêm sản phẩm và công cụ cho các nhà đầu tư TPCP (đặc biệt là các ngân hàng thương mại) phòng ngừa rủi ro và kinh doanh.
Bên cạnh đó, UBCK đang chỉ đạo các sở giao dịch chứng khoán đẩy mạnh việc nghiên cứu và ra mắt các bộ chỉ số chứng khoán mới làm tài sản cơ sở cho các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới.
Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc đến nhiều lần. Thời điểm sớm nhất có thể kỳ vọng đạt được mục tiêu này là bao giờ, theo ông?
Thủ tướng Chính phủ đã giao mục tiêu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng trước năm 2025.
Theo kết quả xếp hạng thị trường mới nhất được công bố vào tháng 9/2020 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục được tổ chức FTSE Russel đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging Market). Ngoài ra, trong năm 2020, với sự công nhận và thăng hạng của thị trường Kuwait thì tỷ trọng cổ phiếu của thị trường Việt Nam trong rổ thị trường cận biên tăng lên rất nhiều (26%).
Với những động thái như vậy, tôi cho rằng, việc xem xét nâng hạng sẽ có những tiến triển thuận lợi và khả năng nâng hạng sẽ rõ nét hơn kể từ năm 2021 khi dịch bệnh được kiểm soát và nhiều văn bản pháp lý quan trọng sẽ bắt đầu có hiệu lực, bao gồm Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận